Bộ trưởng GTVT hứa đổi tên 'Trạm thu giá', Chủ tịch Quốc hội nói 'cứ trả lại tên cũ'

Trả lời chất vấn các ĐBQH sáng nay, 04/06, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định Bộ GTVT đã rà soát và đang trình Chính phủ thay đổi tên Trạm thu giá BOT bằng một cái tên mới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, tên mới thay cho "Trạm thu giá" sẽ phải phù hợp với luật hiện hành. Bộ GTVT sẽ cố gắng sớm nhất có thể để báo cáo trước Quốc hội về một tên gọi cho phù hợp.

“Chúng tôi thành thật xin nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân,” Bộ trưởng Thể nhận trách nhiệm về tên gọi “Trạm thu giá” và những vấn đề của ngành gây bức xúc dư luận thời gian qua. “Chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức vận hành nền GTVT tốt hơn, đặc biệt là trạm thu phí BOT.”

Đáp lại ý kiến trên của Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Bộ GTVT không cần phải giải trình trước Quốc hội về tên gọi mới của trạm BOT, thay vào đó, Bộ “cứ trả lại tên cũ là được”.

Báo cáo sơ bộ về công tác ngành trong thời gian qua, người đứng đầu ngành GTVT khẳng định đã lắng nghe, tiếp thu, nghiên cứu và trả lời kịp thời các ĐBQH và cả tri cả nước. Theo đó, trách nhiệm giải trình là quan trọng nhất để nhân dân cả nước giám sát ngành GTVT.

“Chúng tôi cố gắng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo Nghị quyết 13 của Trung ương. Tuy nhiên do ngân sách có hạn, GTVT không phát triển đồng đều giữa các vùng miền. GTVT luôn là nhu cầu của các địa phương và xã hội rất lớn, nhưng nguồn lực của Nhà nước và vốn vay hạn chế nên không đáp ứng yêu cầu”, Bộ trưởng Thể nói.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Theo đó, thực hiện Nghị quyết 13 của Trung ương và Nghị định 108 của Chính phủ, ngành GTVT đã chủ trương phát triển giao thông theo hình thức BOT, phù hợp với nhu cầu hiện nay vì nguồn ngân sách hạn chế, nợ công ở mức cao. Bộ trưởng Thể khẳng định những dự án BOT đã góp phần quan trọng trong phát triển KTXH, nhưng bên cạnh đó còn nhiều bất cập.

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị làm rõ sự chênh lệch số năm thu phí thực tế và kiểm toán đã chỉ ra. Bộ trưởng Thể cho biết, việc tổ chức đầu thầu dự án BOT, trong đó có nhiều phần dự phòng như dự phòng trượt giá, dự phòng khối lượng, dự phòng công tác giải phóng mặt bằng. Do đó dự án được duyệt bao gồm các phần có thể phát sinh, nên dự án có giá trị lớn.

“Bộ GTVT ký hợp đồng với NĐT theo dự án được duyệt, Bộ đã chủ động kiến nghị Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cùng kiếm toán trước khi Bộ GTVT quyết toán. Với 56 dự án BOT, BKNN đã kiểm toán 50 dự án. Để đảm bảo quyền lợi của người dân, nhà nước và doanh nghiệp, Bộ GTVT đã thỏa thuận với các nhà đầu tư và quyeets định giá trị sau kiểm toán là căn cứ để điều chỉnh thời gian thu phí và mức giá thu.”

Bộ Trưởng Thể cho biết căn cứ tính phí là căn cứ vào lưu lượng xe đi qua các trạm và khả năng hoàn vốn dự án. Bày tỏ sự thông cảm với người nghèo phải trả phí cao, Bộ trưởng cho biết sẽ cố gắng giảm giá tối đa những trạm có thể, ưu tiên giảm giá chứ không ưu tiên giảm số năm thu phí.

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) về tiến trình thu phí không dừng, Bộ trưởng Thể cho biết phấn đấu đến cuối năm 2018 toàn bồ trạm BOT trên QL 1 và đoạn qua khu vực Tây Nguyên phải thu phí tự động, và đến cuối năm 2019 sẽ hoàn tất việc thu phí không dừng ở các trạm còn lại.

“Việc này là giải pháp công khai minh bạch tốt nhất, sắp tới người dân có thể giám sát nguồn thu của các trạm BOT,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) về việc nâng cấp mặt đường đã dẫn đến chênh lệch cao độ với nhà dân, gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân và tốn kém người dân trong việc nâng cấp nền nhà, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể xin nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân vì chưa có giải pháp cho việc này. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng chính quyền các địa phương cũng nên có trách nhiệm với ngành GTVT về việc này.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về kết quả tái cơ cấu Vinashin, Vinalines, Bộ trưởng GTVT cho biết việc tái cơ cấu Vinashin chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt những khoản lỗ hiện nay của Vinashin, nợ của Vinashin vẫn nằm trong phạm vi bảo lãnh của Chính phủ.

Với Vinalines, năm 2017 Tổng Công ty này đã có lãi trên 500 tỷ đồng, kế hoạch năm 2018 lãi trên 700 tỷ đồng và đang chuẩn bị chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng trong thời gian tới.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bo-truong-gtvt-hua-doi-ten-tram-thu-gia-chu-tich-quoc-hoi-noi-cu-tra-lai-ten-cu-post264334.info