Bộ trưởng GTVT: Chiến lược đảm bảo ATGT phải có tầm nhìn, giải pháp mới

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ấn định thời gian trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược quốc gia đảm bảo ATGT đường bộ trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu vxây dựng Chiến lược quốc gia đảm bảo trật tự ATGT đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 phải bám sát thực tiễn và chú trọng vào ứng dụng số - Ảnh minh họa

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu vxây dựng Chiến lược quốc gia đảm bảo trật tự ATGT đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 phải bám sát thực tiễn và chú trọng vào ứng dụng số - Ảnh minh họa

Trong 10 năm, TNGT liên tục giảm cả 3 tiêu chí

Sáng nay (24/3), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về kế hoạch triển khai xây dựng Chiến lược quốc gia về đảm bảo trật tự ATGT đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, những năm qua, mạng lưới đường bộ có những phát triển vượt bậc. Năm 2018, tổng chiều dài đường bộ tăng thêm hơn 387.850km (138%); chiều dài quốc lộ tăng thêm 6.952km (39%) so với năm 2011. Hệ thống đường bộ cao tốc hiện có 16 tuyến, đoạn tuyến với tổng chiều dài 977km, tăng 886km (gấp 10,7 lần) so với năm 2011.

"Cùng với sự phát triển mạng lưới đường bộ, phương tiện đường bộ cũng gia tăng nhanh chóng. Năm 2019, cả nước có hơn 4,3 triệu ô tô, gần 62,5 triệu xe máy, số lượng ô tô tăng gấp 2,5 lần, số lượng xe máy tăng gấp 2 lần so với năm 2011. Lưu lượng giao thông tăng nhanh kéo theo các vấn đề liên quan như: xung đột giao thông, TNGT và ùn tắc giao thông", ông Thạch nêu.

Theo ông Thạch, năm 2012, để tăng cường đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1586 phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

“Sau 10 năm thực hiện, TNGT đường bộ giảm cả 3 tiêu chí, với số vụ TNGT giảm 8,2%/năm, số người chết giảm 3,4%/năm và số người bị thương giảm 12,1%/năm. Tuy nhiên, so với mục tiêu hàng năm giảm 5-10% số người chết do TNGT đường bộ vẫn chưa đạt được. TNGT đường bộ vẫn chiếm 98,7% tổng số vụ TNGT, 97,8% tổng số người chết và 99,6% tổng số người bị thương", ông Thạch nói.

Cũng theo ông Thạch, Chiến lược quốc gia đảm bảo trật tự ATGT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vẫn còn một số bất cập như: Cơ sở dữ liệu về ATGT chưa được hoàn thiện, số liệu y tế về TNGT chưa thống nhất; Phát triển vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân ở các đô thị lớn còn chậm; Việc triển khai áp dụng hệ thống camera theo dõi giao thông, xử phạt vi phạm trật tự ATGT bằng hình ảnh còn hạn chế.

Góp ý tại cuộc họp, đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề xuất, cần đánh giá việc thực hiện Chiến lược trong giai đoạn trước, từ đó xây dựng chiến lược mới có giải pháp dài hơi liên quan đến các vấn đề như: nghiên cứu thành lập trung tâm dữ liệu quốc gia về TNGT đường bộ. Trung tâm này sẽ giúp phân tích dữ liệu TNGT đường bộ, nguyên nhân tai nạn, thống nhất khung thống kê TNGT giữa ngành GTVT, Y tế và Công an để hoạch định cơ chế quản lý có sự chính xác; Đánh giá về công tác giáo dục tuyên truyền pháp luật về ATGT trong cộng đồng.

Quá trình nghiên cứu, chiến lược ngoài định hướng liên quan đến công nghệ - giải pháp giải quyết về ATGT hạ tầng, phương tiện.., cũng cần nêu rõ nguồn lực thực hiện trong từng giai đoạn.

Bám sát thực tiễn, tập trung ứng dụng số, quản lý số

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, để quá trình xây dựng Chiến lược quốc gia về đảm bảo trật tự ATGT đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đạt hiệu quả cao, cần đánh giá những ưu, nhược điểm trong 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia sớm dự thảo văn bản yêu cầu các địa phương đánh giá kết quả thực hiện Quyết định 1586; trong đó, chú trọng vào những vướng mắc, các vấn đề chưa thực hiện được để nhóm soạn thảo chiến lược mới rút ngắn được thời gian khảo sát, nhưng vẫn có nền tảng dữ liệu, bám sát với thực tiễn hiện nay.

“Về nội dung, chiến lược mới phải kế thừa chiến lược 2010-2020, phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay nhưng phải mạnh dạn đề xuất các định hướng lớn để công tác đảm bảo ATGT hội nhập được kỷ nguyên khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay.

Tập trung vào ứng dụng số, phân rõ mục tiêu với từng đối tượng: người đi bộ, người đi xe 2 bánh, 4 bánh, trách nhiệm của cộng đồng, trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải về chuyển đổi số và kết nối dữ liệu. Chiến lược phải đi trước, phải có tầm nhìn tổng quan để tạo tiền đề cho việc luật hóa các quy định cụ thể”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thành đề cương trong tháng 3/2020 để trình Bộ GTVT xem xét; từ tháng 6 đến tháng 8/2020 tập trung xin ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ, lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương; phấn đấu đến tháng 9/2020, Bộ GTVT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Chính phủ xem xét, phê duyệt vào cuối năm 2020.

Để đảm bảo tiến độ, Bộ trưởng đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia thành lập Ban chỉ đạo phục vụ cho việc xây dựng chiến lược. Ban chỉ đạo cần có sự tham gia ngay từ đầu của đại diện các cơ quan liên quan như Ủy ban dân nguyện, Ủy ban An ninh - Quốc phòng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công an,.. để đạt sự đồng thuận cao khi dự thảo trình Chính phủ xem xét.

“Bộ GTVT sẽ thành lập ban soạn thảo để lập một kế hoạch chi tiết, điều hành công tác xây dựng chiến lược, giám sát tiến độ, kịp thời có phương án để chiến lược đảm bảo trật tự ATGT giai đoạn mới hoàn thành đúng tiến độ”, Bộ trưởng nói.

Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bo-truong-gtvt-chien-luoc-dam-bao-atgt-phai-co-tam-nhin-giai-phap-moi-d457930.html