Bộ trưởng Giao thông giải đáp 'điểm nghẽn' trong phát triển của ĐBSCL

ĐBSCL đang có nhiều tiềm năng như xuất khẩu gạo, trái cây, thủy sản với khối lượng lớn. Nhưng hàng hóa này đa số phải vận chuyển lên TP.HCM vì ở đây mới có tàu lớn. ĐBSCL có 21 cảng, nhưng cảng lớn nhất chỉ phục vụ cho tàu 20.000 tấn.

Đồng bằng sông Cửu Long đang là vựa lương thực lớn nhất cả nước.

Đồng bằng sông Cửu Long đang là vựa lương thực lớn nhất cả nước.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trước Quốc hội hôm nay, nhiều câu hỏi đã được đưa ra xung quanh câu chuyện về đường sá, hạ tầng giao thông cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang là một điểm nghẽn, bóp nghẹt sự phát triển của vựa nông sản, trái cây, lương thực lớn nhất cả nước.

Để phát triển khu vực này, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, rất cần một cảng biển nước sâu đồng thời có hệ thống giao thông kết nối để đáp ứng yêu cầu.

Kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị trình Chính phủ có quy hoạch cảng Trần Đề ở Sóc Trăng. Theo đó, cảng này có thể đáp ứng tàu 100.000 tấn vào khai thác. Nhà đầu tư đề xuất làm cầu từ bờ ra khoảng 10 km rồi mới làm cảng ở ngoài đó. Chính phủ đồng ý sẽ huy động nguồn vốn. Một số tập đoàn trong nước đang rất quan tâm dự án này.

“Khi có cảng này, công nghiệp khu vực này sẽ phát triển đột phá”, Bộ trưởng nhận định.

Theo Bộ trưởng, trong quy hoạch sẽ xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng ra cảng Trần Đề, kết hợp với cao tốc TP.HCM - Cần Thơ có thể tạo thành hệ thống cao tốc liên hoàn để giúp do ĐBSCL phát triển công nghiệp 2 bên đường cao tốc, giúp cảng đưa hàng hóa xuất nhập ra nước ngoài.

“Chúng tôi nghĩ rằng dự án này rất khả thi, mong các đại biểu ủng hộ”, tư lệnh ngành giao thông nói.

Thực tế, vùng ĐBSCL chất lượng hạ tầng giao thông kém. ĐBSCL được bố trí ngân sách tương đương các vùng khác tuy nhiên suất đầu tư ở đây rất cao.

‘Tất cả vùng này là đất yếu, khi làm đường, làm cầu phải gia cố rất tốn kém. Chúng ta có nhiều cầu để phát triển nông nghiệp nên chi phí cao. Ở vùng này không có đá, không có vật liệu sắt thép, phải vận chuyển từ TP.HCM và các nơi khác đến. Do đó, về kinh phí tương đương vùng khác nhưng do suất đầu tư cao nên chất lượng hạ tầng giao thông ở vùng này đang thấp’, ông Thể cho hay.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Về 40km đường cao tốc tại ĐBSCL mà đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thắc mắc, Bộ trưởng cho biết, việc xây dựng đường cao tốc ở khu vực này đều do Nhà nước đầu tư. Thực tế suất đầu tư 1km đường cao tốc ở ĐBSCL rất cao, km đường ít trong khi đó hoàn vốn chậm, do đó các doanh nghiệp tư nhân không chọn đầu tư.

"Rất mong Quốc hội, Chính phủ xem xét đầu tư ngân sách để đầu tư đường cao tốc tại ĐBSCL đảm bảo hài hòa giao thông giữa các vùng miền”, theo ông Thể.

Ngoài ra, dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đang là 'mắt xích' quan trọng giúp rút ngắn thời gian đi từ trung tâm kinh tế lớn nhất miền Nam – TP.HCM tới các tỉnh thuộc ĐBSCL. Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đặt câu hỏi về cam kết cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ hoàn thành trước năm 2020 hay không.

Bộ trưởng cho hay, Bộ Giao thông Vận tải tập trung chỉ đạo rất quyết liệt, tuy nhiên, khoảng nửa năm nay, dự án không triển khai được. Thứ nhất là do chênh lệch lãi suất, khoảng 3% do đó cần điều chỉnh dự án. Thứ hai, công ty Yên Khánh tham gia vào dự án có liên quan đến pháp luật, phải đưa ra khỏi liên doanh. Thứ ba, là việc tổ chức điều hành củng cố lại nhiều vấn đề của dự án. Đặc biệt phần góp vốn của nhà nước.

Trước đây, chúng ta lấy trạm thu phí TP.HCM - Trung Lương để thế chấp khoảng 10 năm cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, nhưng từ khi Luật Quản lý tài sản công có hiệu lực thì không triển khai được. Do đó, Thủ tướng cho điều chỉnh dự án, đã chuyển về UBND tỉnh Tiền Giang điều hành. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Tiền Giang và nhà đầu tư để theo đúng tinh thần của Thủ tướng cơ bản thông xe vào cuối năm 2020.

Về vấn đề tại sao Cà Mau chưa có tuyến tránh mà đại biểu hỏi, theo ông Thể, việc xây dựng tuyến tránh tại các đô thị lớn trong đó có Cà Mau là rất cần thiết. Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước có hạn. Nhiều đô thị triển khai, riêng Cà Mau chưa triển khai. Chúng tôi sẽ phối hợp với bộ ngành tham mưu Chính phủ.

Về đầu tư cho giao thông ĐBSCL, Bộ trưởng cho hay, nhiệm kỳ qua, Bộ trình lên duyệt 952.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án ở ĐBSCL, nhưng cuối cùng Quốc hội chỉ cân đối được hơn 200.000 tỷ đồng.

"Sắp tới Bộ Giao thông Vận tải sẽ làm việc với các địa phương để đưa các dự án trình Quốc hội xem xét", theo Bộ trưởng.

Hạ Vũ

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/bo-truong-giao-thong-giai-dap-diem-nghen-trong-phat-trien-cua-dbscl-1559733893114.htm