Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Thu ngân sách gặp khó vì dầu thô và DNNN

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết dù tăng sản lượng khai thác dầu thô thêm 1 triệu tấn nhưng số thu chỉ chiếm 3,5% đánh giá thu NSNN năm 2017, bằng khoảng ½ số thu từ thuế thu nhập cá nhân.

Chiều nay, ngày 1.11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đăng đàn trả lời câu hỏi tại sao thu ngân sách trung ương khó khăn, trong khi đã tăng sản lượng khai thác dầu thô đã tăng thêm 1 triệu tấn.

Thu ngân sách gặp khó vì dầu thô và DNNN

Theo ông Dũng, dầu thô là khoản thu đã từng chiếm tỷ trọng gần 1/5 (20%) tổng thu NSNN trong giai đoạn 2006-2010. Nhưng thời gian qua đã giảm nhiều do giới hạn sản lượng và giá dầu có xu hướng ở mức ổn định thấp. Đến năm 2017, dự toán thu dầu thô chỉ chiếm 3,2%, trên cơ sở sản lượng 12,28 triệu tấn và giá 50 USD/thùng.

“Đánh giá thu dầu thô năm 2017 tăng khoảng 5,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán do cả sản lượng tăng thêm 1 triệu tấn (thêm khoảng 3,3 nghìn tỷ đồng) và giá bán tăng, nhưng cũng số thu chỉ chiếm 3,5% đánh giá thu NSNN năm 2017, bằng khoảng ½ số thu từ thuế thu nhập cá nhân”, ông Dũng cho biết.

Bô trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (Ảnh: Quốc hội)

Việc cơ cấu lại khu vực DNNN và ngân hàng còn chậm; một số tập đoàn, tổng công ty trong các lĩnh vực sản xuất ô tô, khai khoáng, thủy điện, khí thiên nhiên... có đóng góp thu lớn cho NSNN vẫn khó khăn.

“NSNN là thước đo quan trọng phản ánh sự phát triển và hiệu quả của nền kinh tế. Vì vậy, kết quả thực hiện NSNN chịu sự tác động chi phối cả từ yếu tố tích cực và những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế”, ông Dũng phân trần.

Ông Dũng giải trình thêm, dự toán thu năm 2017 được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng kinh tế 6,7% và lạm phát 4%. Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế và lạm phát ước đạt kế hoạch, thì đánh giá thu ngân sách vượt dự toán 2,3% là tích cực.

“Nếu so với năm 2016, thì đánh giá thu NSNN năm 2017 tăng 10,1%; trong đó thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng 14,1%, góp phần bù đắp do tác động của cắt giảm thuế để hội nhập và giảm thu từ dầu thô do sản lượng và yếu tố giá. Mức đánh giá thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng kinh tế và lạm phát cộng lại (6,7% + 4%)”, Bộ trưởng Dũng phân tích.

Tương tự như vậy, dự toán dự toán thu nội địa năm 2018 đã rất tích cực: Tăng 8,6% so với ước thực hiện năm 2017, trong đó, thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước tăng 12,5%.

9 tháng đầu năm 2017 có khoảng 99.200 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2016; nhưng số lượng doanh nghiệp chấm dứt kinh doanh và tạm ngừng kinh doanh là 68.300 doanh nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Tức là, cứ khoảng 3 doanh nghiệp mới tham gia thị trường, thì lại có 2 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; các doanh nghiệp mới ra nhập thì thường 1-2 năm mới phát sinh thuế, còn doanh nghiệp rút lui thì thu thuế ngay lập tức bị mất.

“Sau khi bù trừ với số giảm dự toán thu dầu thô, thu cân đối xuất nhập khẩu, thì tổng thu cân đối NSNN năm 2018 dự kiến chỉ tăng 6,4%”, ông Dũng giải thích.

Mặc dù đánh giá tổng thể thu NSNN vượt dự toán 2,3%, nhưng thu từ các khu vực kinh tế quan trọng lại không đạt dự toán (khu vực DNNN chỉ đạt 92,3%; từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 95,1% và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 97,2% dự toán).

Bộ trưởng Dũng giải trình thêm, cân đối thu ngân sách trung ương bao gồm 4 khoản thu lớn, trong đó 3 khoản là thu ngân sách trung ương 100%, gồm: Thu dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, thu viện trợ. Còn lại là thu nội địa, bao gồm một số khoản thu ngân sách trung ương 100% và một số khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Gánh nặng thuế của Việt Nam?

Về ý kiến của đại biểu Quốc hội Lê Minh Chuẩn, đoàn Quảng Ninh liên quan đến tỷ lệ huy động ngân sách, gánh nặng thuế của Việt Nam, ông Dũng khẳng định tỷ lệ huy động ngân sách của Việt Nam không phải quá cao như đại biểu nêu.

Cụ thể, tỷ trọng dự toán thu NSNN trên GDP của Việt Nam năm 2018 là 23,9%GDP, trong đó tỷ lệ động viên từ thuế, phí là 19,7%. Trong khi theo báo cáo của IMF (tháng 10/2017), thì tỷ trọng tổng số thu NSNN trên GDP năm 2016 bình quân của các nước liên minh Châu Âu là 44,3%GDP, của các nước phát triển và mới nổi Châu Á là 25,5%GDP, của một số nước trong khu vực như Trung Quốc là 28,2%, Ấn Độ là 21,3%, Thái Lan là 22,4%, Malaysia là 20,4%...

Mặt khác, khi so sánh thuế suất của một số sắc thuế cơ bản, thì các quy định của Việt Nam cũng ở mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

“Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp miễn, giảm, giãn thuế nhanh và mạnh hơn so với lộ trình đã dự kiến nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu”, ông Dũng giải trình thêm.

Tuy nhiên, chính việc điều chỉnh chính sách này, cộng với sự sụt giảm nhanh thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu, nên tỷ lệ huy động NSNN từ thuế, phí có xu hướng giảm nhanh. Dự toán năm 2018 là 19,7%GDP, giảm so với năm 2017 (20,1%) và không đạt mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2016-2020 là tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 21%GDP.

Tổng số nợ thuế đến ngày 30.9.2017 là 73,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó nợ thuế có khả năng thu (nợ thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày theo quy định) là 27.648 tỷ đồng, chiếm 37,4% tổng số tiền thuế nợ; Tiền phạt vi hành chính về thuế và tiền chậm nộp (0,03%/ngày) là 18.061 tỷ đồng, chiếm 24,4%;

Nợ lũy kế kéo dài nhiều năm do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc đang thi hành án hình sự là 28.221 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất, 38,2% tổng số tiền nợ thuế của 695.240 đối tượng (bao gồm: 186.293 doanh nghiệp và 508.947 hộ kinh doanh và cá nhân)....

Chính phủ đang chỉ đạo làm rõ số nợ thuế của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, đã tự giải thể, phá sản, bỏ ở địa chỉ kinh doanh... tồn tại nhiều năm để xem xét xử lý, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế. Đồng thời, nghiên cứu trình cấp thẩm quyền sửa đổi các quy định về xử lý nợ thuế đối với các trường hợp không có khả năng thu.

Trần Giang

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/bo-truong-dinh-tien-dung-thu-ngan-sach-gap-kho-vi-dau-tho-va-dnnn-818556.html