Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Bội chi và nợ công đều giảm thấp hơn dự toán là một thành công lớn

Chiều 23/10, thảo luận tại phiên họp tổ của Quốc hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2018 và đánh giá giữa kỳ về việc thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đại biểu Quốc hội đoàn Ninh Bình đã đưa ra những chia sẻ về kết quả thực hiện NSNN năm 2018 cũng như giai đoạn 2016-2018 vừa qua.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tại phiên họp tổ.

Kiểm soát tốt bội chi

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, kết quả 3 năm (2016-2018), lĩnh vực tài chính- NSNN đã bám sát các giải pháp trong Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25/2016/QH 14 của Quốc hội. Trong đó, đã dựa trên cơ sở mức tăng trưởng kinh 6,75% để tính dự toán thu NSNN trong 5 năm (2016-2020).

Theo Bộ trưởng, 3 năm qua, dự toán thu NSNN đều vượt kế hoạch. Thu NSNN 3 năm đạt 54-55% trong tổng thu của cả giai đoạn, nhưng tăng trưởng kinh tế ở mức 52-53%. Tỷ lệ huy động vào ngân sách đạt 24,9% GDP; huy động từ thuế, phí đạt 21% GDP. Cơ cấu thu nội địa trong tổng thu ngân sách tăng dần, đến hết năm 2018 đạt xấp xỉ 82%, mục tiêu đến năm 2020 đạt 84%. Về tổng thể đảm bảo gần đạt dự toán thu NSNN.

“Lý do chưa đạt là tại Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25/2016/QH 14 của Quốc hội có giải pháp cơ cấu lại thu ngân sách nhưng nhìn lại đang triển khai chậm. Hiện mới thực hiện một bước điều chỉnh trong khung đối với thuế Bảo vệ môi trường, còn thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp và các sắc thuế khác chưa triển khai được. Nếu không tính toán đảm bảo được các giải pháp đã đề ra thì giảm thu khoảng 300 nghìn tỷ đồng” - Bộ trưởng cho hay.

Về chi NSNN, đến nay, NSNN đã đảm bảo tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển, năm sau cao hơn năm trước và đều đạt mức cao hơn kế hoạch đề ra. 3 năm qua đều cao trên 26% trong tổng chi ngân sách và chi thường xuyên giảm xuống dưới 64%, trong khi vẫn phải thực hiện tăng lương và giải quyết các chính sách an sinh xã hội. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, trên thực tế, do các địa phương tăng thu, nên trong 2 năm gần đây chi đầu tư phát triển đã lên đến 27-28%, vượt so với kế hoạch đề ra.

Đối với kiểm soát bội chi và nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, cả về số tuyệt đối và số tương đối đều giảm thấp hơn dự toán. “Đây là thành công lớn trong điều hành thời gian qua”, Bộ trưởng nói. Theo đó, đã kiểm soát được tốc độ gia tăng nợ công. Nợ công năm 2016 là 63,7%, đến 2017 và 2018 giảm còn 61,3% - 61,4% và năm 2020 còn 60,6 - 60,8%.

Đối với kỳ hạn vay, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, đến nay đã được giải quyết căn cơ. Theo đó, vay trong nước của trái phiếu Chính phủ (TPCP) nếu giai đoạn 2011-2012 là 40%, vay nước ngoài là 60%, đến nay, tỷ lệ này đã đảo ngược, vay trong nước là 60% và vay nước ngoài 40%, đảm bảo tránh rủi ro về nợ công và đặc biệt là rủi ro về tỷ giá.

“Kỳ hạn vay trong nước được kéo dài, chúng tôi quán triệt nghiêm túc nghị quyết của Quốc hội, vay trong nước phải từ 5 năm trở lên. Từ năm 2016 đến nay, 100% các khoản vay trên 5 năm, tận dụng được thị trường nên kỳ hạn vay trước kia là 2,98 năm; đến nay vay bình quân 13, 14 năm. Cùng với đó là lãi suất thấp, nếu năm 2011-2012 vay 12-13%/năm và kỳ hạn 2-3 năm TPCP, thì hiện nay vay thấp, bình quân trên dưới 6%. Những tháng đầu năm 2018, vay 5 năm chỉ có lãi suất 3%, 10 năm chưa đến 4%. Lãi suất vay được cải thiện, rẻ hơn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Nhìn lại 3 năm và đánh giá tình hình thực hiện 5 năm, đến thời điểm hiện nay có thể thấy, nếu không có biến động lớn thì kế hoạch đặt ra 5 năm (2016-2020) cơ bản hoàn thành kế hoạch tài chính- NSNN”.

Thu từ khu vực DN chưa đạt nhưng tăng khá so với cùng kỳ

Về thu nội địa, theo Bộ trưởng, đến năm 2020 phấn đấu đạt 84% trong tổng thu ngân sách, đảm bảo theo nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội, trong điều kiện giá dầu thô giảm, thu từ dầu thô chỉ còn khoảng 2,9% và thu xuất nhập khẩu chỉ còn 13% trong tổng thu ngân sách.

“Thu nội địa hết sức quan trọng, gắn với bền vững thu ngân sách và thực trạng nền kinh tế trong điều kiện chúng ta hội nhập”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói. Về tình hình thu NSNN năm 2018-2019, thu từ 3 khu vực là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp FDI, và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đều không đạt dự toán. Năm 2018, khu vực DNNN chỉ đạt 97,1%; khu vực doanh nghiệp FDI đạt 84,9%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 97,8%.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trên thực tế, tốc độ thu của 3 khu vực này đều tăng khá cao so với thực hiện năm 2017. Nếu so với năm 2017 khu vực DNNN thu tăng 9,7%; doanh nghiệp FDI tăng 10,4% và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 17,7%. “Tính chung tăng trưởng của 3 khu vực kinh tế này là 12,8%. Đó là mức tăng tích cực so với thực hiện năm 2017, so với tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Lý giải nguyên nhân tại sao thu từ khu vực này không đạt dự toán, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, là do năm 2018 giao dự toán cao trên cơ sở đánh giá mức thực hiện cao, nhưng thực tế kết quả lại thấp. Ví dụ năm 2018 giao dự toán cho khu vực DNNN tăng so với năm 2017 là 13,1%; khu vực doanh nghiệp FDI là 30,1% và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giao tăng 20,4%.

“Tốc độ giao dự toán năm 2018 cho 16 địa phương điều tiết về trung ương tăng 18% so với năm 2017. Cụ thể: Hà Nội dự toán giao thu nội địa năm 2018 tăng 24,5% so với năm 2017; Đà Nẵng tăng 24,8%; TP. Hồ Chí Minh tăng 24,5%; Bình Dương tăng 27,7%; Đồng Nai tăng 19,7%, Bà Rịa- Vũng Tàu tăng 20,5%... Do đó, thực hiện dự toán 2018 ở cả 3 khu vực kinh tế đều không đạt dự toán”, Bộ trưởng nói.

Để khắc phục tình trạng này, trong giao dự toán năm 2019, Bộ Tài chính đã phải điều chỉnh lại ở các địa phương cho phù hợp, trong đó, vẫn đảm bảo mục tiêu chung của tăng thu nội địa, trong đó, thu nội địa còn lại (trừ các khoản thu từ đất, thu xổ số…) từ thuế phí tăng 12,8%. Ví dụ Hà Nội, năm 2019 giao thu nội địa tăng 12,9% (năm 2018 tăng đến 24,5%); Hải Dương là 8,8%; Vĩnh Phúc 4,6%; Đà Nẵng 15,6%; TP. HCM còn 12,9% (năm 2018 là 24,5%)… Theo Bộ trưởng, việc điều chỉnh dự toán sát với thực tế, nhưng vẫn phải đảm bảo tiến độ tăng thu chung của cả nước. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục giao dự toán sát so với thực tế.

Liên quan đến thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị, Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải không được tách rời Kế hoạch tài chính trung hạn. “Mục tiêu chung, đề nghị phải điều chỉnh nhưng phải kiên quyết giữ bội chi và nợ công của nhiệm kỳ này theo đúng tinh thần nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội. Chúng tôi đánh giá, nếu không có gì thay đổi đến năm 2020 tổng mức đầu tư chung sẽ vượt khoảng 100 nghìn tỷ đồng, trong đó có khoảng 300 nghìn tỷ đồng vượt của ngân sách địa phương, có nghĩa tăng chi cho đầu tư phát triển của địa phương, nhưng phần ngân sách trung ương sẽ khó khăn trong cân đối, bởi lẽ, trong 5 năm, nếu như không điều chỉnh chính sách thu kịp thời thì khả năng cân đối của ngân sách trung ương là sẽ giảm khoảng 300 nghìn tỷ đồng của 5 năm”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Nếu ngân sách trung ương khó khăn sẽ khó hỗ trợ các địa phương trong kế hoạch trung hạn và các chương trình mục tiêu. Ngân sách trung ương gặp khó là do thu từ dầu và thu thuế xuất nhập khẩu giảm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, phải giữ nguyên tắc quản chặt bội chi và đảm bảo an toàn nợ công, điều này liên quan đến an ninh an toàn tài chính quốc gia và uy tín của Việt Nam khi các tổ chức quốc tế đánh giá. Vừa qua, nhiều tổ chức quốc tế đã nâng hạng cho Việt Nam do đánh giá nợ công Việt Nam ổn định và ít rủi ro về an toàn nợ công, đó là do đã cơ cấu lại nợ công và quản chặt bội chi. “Do đó, phải giữ chỉ tiêu bội chi và nợ công của 5 năm, đồng thời bổ sung chi dự phòng cho các bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở thu cân đối của ngân sách trung ương”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bo-truong-bo-tai-chinh-dinh-tien-dung-boi-chi-va-no-cong-deu-giam-thap-hon-du-toan-la-mot-thanh-cong-lon.aspx