Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Ủng hộ lương giáo viên được xếp cao nhất

'Cá nhân tôi ủng hộ nhà giáo phải là một trong những đối tượng có chính sách tiền lương được xếp cao nhất, nhưng đề nghị không quy định trong luật này', Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (giữa)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (giữa)

Chiều 8/11, Quốc hội làm việc tại Tổ, thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Dự án luật này sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua tại 3 kỳ họp, dự kiến sẽ thông qua ở kỳ họp sau.

Cần ghi rõ trong dự Luật quản lý Nhà nước về lĩnh vực GDNN là Bộ LĐ-TB&XH

Các đại biểu cho rằng, để hạn chế tình trạng thất nghiệp, một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo dục hiện nay là cần phải phân luồng được giáo dục. Cùng với đó, vấn đề tiền lương cho nghề giáo, và đặc biệt tuy đã được phân công chức năng nhiệm vụ rõ ràng, nhưng trong dự thảo Luật chưa ghi rõ Bộ LĐ-TB&XH giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp.

Về điều này, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (đoàn Thanh Hóa) cho biết, theo sự phân công của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH được giao quản lý Nhà nước về lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp. Chính phủ đã có Nghị quyết, Ủy ban thường vụ Quốc hội có chủ trương, nghị quyết, có kết luận rõ ràng, nhưng trong dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) chưa tiếp thu chủ trương của Chính phủ, chưa tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Và ngay trong ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đã nói rất rõ về vấn đề này.

Do đó, “ai” là người giúp cho Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Giáo dục nghề nghiệp thì Luật này phải nêu cụ thể, chứ không thể ghi chung chung một câu lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp do “các bộ ngành quản lý nhà nước” khác. : “Đọc dự luật này, về vấn đề quản lý Nhà nước, tôi cảm thấy rất buồn”- Bộ trưởng nói.

Minh chứng cho điều này, Bộ trưởng đưa ví dụ, các vấn đề như: cấp bằng, chứng chỉ, thành lập trường… là thẩm quyền của Bộ LĐ-TB&XH, nhưng dự luật chỉ ghi chung chung thuộc “các bộ ngành” khác.

“Vậy thành lập 1.954 trường cao đẳng là Bộ nào? Là Bộ LĐ-TB&XH! Tại sao dự Luật không ghi rõ? Do đó, tôi đề nghị phải ghi rất rõ trong Luật này”, Bộ trưởng góp ý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) một cách thẳng thắn.

Bộ trưởng nhấn mạnh, ghi rõ trong dự luật quản lý Nhà nước về lĩnh vực GDNN là Bộ LĐ-TB&XH là phù hợp với tinh thần nghị quyết Trung ương 18, phù hợp với nghị quyết của UBTVQH và ý kiến của đảng đoàn quốc hội, phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp, và nghị quyết 76 của Chính phủ.
Một vấn đề nữa được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hết sức quan tâm, và theo ông, đây là điều rất quan trọng, đó là liên thông. Liên thông cao đẳng lên đại học, nhưng cũng chỉ quy định một câu rất chung chung là “có điều kiện kèm theo”. Theo Bộ trưởng, “điều kiện” đó là gì, thì trong luật phải quy định cụ thể.

Thực tế là Chính phủ đã ban hành quyết định 1982 quy định Khung trình độ quốc gia. Trong khung trình độ quốc gia đã quy định rất rõ đối với liên thông cao đẳng lên đại học, đáp ứng những tiêu chuẩn gì, vì thế, Bộ trưởng lưu ý, trong luật này không nên đưa ra quy định chung chung, dẫn đến rất đông số các em khó có khả năng học liên thông.

Phó Chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (giữa)

Quan tâm đến vấn đề phân luồng giáo dục, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) nhấn mạnh, việc phân luồng, phải định hướng nghiên cứu tính toán là phải đạt 30% - và thực tế đã diễn ra như thế- để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển sắp tới cũng như đáp ứng CMCN 4.0 .

Theo ông Lợi, việc phân luồng giúp giảm bớt lưu lượng học sinh vào các trường đại học, và cũng không nên đào tạo quá nhiều đại học, dẫn đến ra trường không có việc làm. “Nên tôi rất lưu ý trong luật giáo dục này là việc phân luồng”, ông Lợi nói.

Không quy định chính sách tiền lương giáo viên trong luật này

"Ghi rõ trong dự luật quản lý Nhà nước về lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp là Bộ LĐ-TB&XH là phù hợp với tinh thần nghị quyết Trung ương 18, phù hợp với nghị quyết của UBTVQH và ý kiến của đảng đoàn quốc hội, và phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp, phù hợp với nghị quyết 76 của Chính phủ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Liên quan đến chế độ tiền lương cho giáo viên, ông Bùi Sỹ Lợi phản biện lại với báo cáo thẩm tra của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội. “Trong Điều 76, dự Luật Giáo dục (sửa đổi) chỉ nói đảm bảo chế độ tiền lương ưu tiên cho ngành giáo dục, thì Thẩm tra lại nói cần quy định rất cụ thể về chính sách tiền lương. Tôi thấy không đúng”, ông Lợi nhấn mạnh.

Ông Lợi phân tích, Nghị quyết 27 nêu rõ việc ưu tiên tiền lương cho giáo dục, y tế. “Điều này là đúng, nhưng không phải quy định trong Luật chuyên ngành này”, ông nói rõ thêm.

Theo đó, ông Lợi cho rằng, xét trên mặt bằng cụ thể, hiện nay chính sách tiền lương của ngành giáo dục- nếu xét về lương bình thường, đã là cao hơn cả y tế. Trong khi trước đây lương của 2 ngành này bao giờ cũng cân bằng nhau. Vì thế ông Lợi đề nghị bỏ điều 76 trong dự luật, và cho rằng, Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội cũng không nên nêu cụ thể phải quy định chính sách tiền lương vào Luật này.

“Chính sách tiền lương sẽ tổng thể toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và kể cả khu vực sản xuất kinh doanh cũng sẽ được “thiết kế” lại. Tôi thấy đây là điểm trong Luật này cần hết sức nghiên cứu, tính toán để làm sao cho hợp lý. Nên tôi đề nghị bỏ điều 76 trong dự Luật”- thêm một lần nữa, ông Lợi đề nghị.

Tán thành ý kiến của đại biểu Bùi Sỹ Lợi về vấn đề tiền lương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Nghị quyết 27 Trung ương nêu vấn đề tiền lương rất rõ. Những vấn đề tiền lương sẽ được giải quyết bằng chính sách cải cách tiền lương.

“Cá nhân tôi ủng hộ nhà giáo phải là một trong những đối tượng có chính sách tiền lương được xếp cao nhất, nhưng đề nghị không quy định trong luật này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến tiền lương giáo viên, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP. HCM) cho rằng, tiền lương, đãi ngộ của giáo viên hiện nay chưa ổn, tỷ lệ giáo viên chưa hài lòng vì lương chưa đủ sống chiếm tới 70%. Đại biểu đề xuất có chính sách tiền lương cao hơn đối với giáo viên ở khu vực khó khăn, đặc biệt là những giáo viên giỏi được điều động lên làm cán bộ quản lý giáo dục cần được chế độ xứng đáng vì hiện nay nhiều người không muốn bị điều đồng, do chế độ lại bị giảm.

Đại biểu Nguyễn Văn Chương (TP.HCM) bày tỏ băn khoăn, nếu ghi như dự thảo quy định “Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ” là chưa ổn.

“Như vậy quá phụ thuộc Chính phủ, khi có tiền thì Chính phủ xếp cao, không có tiền thì xếp thấp. Luật cần nêu cụ thể, không chung chung như vậy”, ông Chương nói.

Nguyễn Thanh

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/bo-truong-dao-ngoc-dung-ung-ho-luong-giao-vien-duoc-xep-cao-nhat-d84984.html