Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói về cái khó của điều chỉnh tuổi nghỉ hưu

Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ, hầu như các nước đều gặp phải khó khăn khi làm việc này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội khẳng định...

 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung giải trình ý kiến đại biểu

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung giải trình ý kiến đại biểu

Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ, hầu như các nước đều gặp phải khó khăn khi làm việc này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định.

Chiều 12/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều ý kiến dù còn băn khoăn nhưng cũng vẫn đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu.

Phát biểu cuối phiên thảo luận ở vị trí Ban soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu cũng như yêu cầu thực sự cần thiết hiện nay.

Sau đó, Bộ trưởng Dung nêu bốn vấn đề lớn liên quan đến việc điều chỉnh tăng tuổi hưu. Một là các nước đều đi đến là quyết định sớm khi còn thặng dư lao động. Hai là đều tiến hành lộ trình tăng phải chậm.

Ba là thường người dân và người lao động không đồng tình nhưng vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lâu dài các nước đều phải quyết định. Bốn là trong quá trình xử lý, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải phân loại đối tượng theo các nhóm.

4 kinh nghiệm này, theo Bộ trưởng thì Việt Nam cần phải tiếp tục nghiên cứu.

"Chúng tôi khẳng định tuổi nghỉ hưu đích đạt đến nữ là năm 2035, nam là năm 2029, khi đó như tinh thần dự thảo nghị quyết Đại hội 13, năm 2030 Việt Nam thuộc vào nước phát triển trung bình cao, năm 2045 thuộc vào nước phát triển, khi đó chắc chắn tình hình sức khỏe, kinh tế - xã hội... sẽ có sự thay đổi", Bộ trưởng trình bày.

Ông Dung cũng cho biết, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ phân làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là tuổi nghỉ hưu lao động trong điều kiện bình thường.

Nhóm thứ hai là nhóm lao động ngành nghề, lĩnh vực độc hại, nặng nhọc, suy giảm, vùng sâu, vùng xa có phụ cấp 0,7 thì có quy định cụ thể bằng văn bản dưới luật.

Nhóm thứ ba là nhóm nghỉ hưu muộn hơn, áp dụng chủ yếu có 3 đối tượng. Đối tượng thứ nhất là 17 thẩm phán tòa án nhân dân tối cao; thứ hai là nữ thứ trưởng; thứ ba là đối với nhà khoa học và quản lý.

Liên quan đến vấn đề được một số vị đại biểu đề cập là lực lượng lao động Việt Nam hiện nay như thế nào? Bộ trưởng "xin báo cáo rõ", từ năm 2014, Việt Nam bắt đầu chuyển từ dân số vàng sang giai đoạn đang già, theo đúng đánh giá của quốc tế.

Hiện nay, chỉ còn 400.000 lao động tăng hàng năm và tiến tới chắc chắn Việt Nam thiếu lao động và tỷ lệ thất nghiệp chỉ 2,2% so với quốc tế, ông Dung nói.

Chuyển sang đề xuất bổ sung ngày thương binh liệt sĩ (27/7) vào quy định nghỉ lễ, tết, Bộ trưởng Dung cho biết Chính phủ xin Quốc hội chính thức rút nội dung này ra khỏi dự thảo, dù dự thảo đã nêu rõ ý nghĩa, tính nhân văn của đề xuất này .

Về mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa lên 300 - 400 giờ, vấn đề còn ý kiến nhiều chiều tại phiên thảo luận, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là nhu cầu có thực của doanh nghiệp và một bộ phận người lao động. Và Chính phủ đề xuất chỉ áp dụng cho một số ít ngành nghề và ở thời điểm nhất định, không áp dụng tăng giờ làm thêm ở khu vực công.

"Cũng phải lưu ý rằng 97% các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Đây là những vấn đề phải rất quan tâm, làm sao vừa đảm bảo quyền của người lao động, nhưng đảm bảo doanh nghiệp phát triển bền vững", Bộ trưởng nêu quan điểm.

Nguyễn Lê

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/bo-truong-dao-ngoc-dung-noi-ve-cai-kho-cua-dieu-chinh-tuoi-nghi-huu-2019061221182423.htm