Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Chính phủ hỗ trợ giáo viên mầm non tư thục mất việc do dịch COVID-19

Tại Hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị Chính phủ điều chỉnh, mở rộng thêm đối tượng khó khăn nhưng chưa được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19 là giáo viên mầm non tư thục bị mất việc, ngừng việc. Theo Bộ trưởng, kinh phí hỗ trợ những đối tượng này vẫn nằm trong gói 62.000 tỷ.

Lao động việc làm quý 3 chắc chắn sẽ tốt hơn

Sáng 2/7 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã báo cáo tóm tắt về tình hình triển khai gói an sinh xã hội, việc triển khai chính sách xã hội 6 tháng cuối năm.

Bộ trưởng nêu lên thực trạng, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, chúng ta đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đề ra nhằm đảm bảo phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe, phục hồi kinh tế, ổn định chính trị, xã hội.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đời sống nhân dân và an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm nhanh. Bình quân cả nước hiện nay thu nhập là 4,3 triệu đồng/tháng. Riêng khu vực thành thị là 7,1 triệu đồng, tăng 400.000 đồng.

Đối với lĩnh vực lao động, việc làm quý II có những diễn biến phức tạp, số lao động có việc làm giảm, lao động duy trì ở mức 52,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ. Bộ trưởng cũng nêu lên thực trạng thất nghiệp với tỷ lệ trong 6 tháng là 2,26%, riêng quý II là 2,51%. Tỉ lệ thiếu việc làm chung trong độ tuổi 6 tháng là 2,58%.

Các dịch vụ du lịch, hàng không, người lao động đi lao động nước ngoài gần như không triển khai trong quý II. Nhưng đến nay có nhiều tín hiệu vui, đơn cử trong tháng 6 có trên 120.000 lao động được giải quyết việc làm. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi do dịch COVID-19 nay đã quay trở lại thị trường. Dự báo thị trường lao động việc làm quý 3 chắc chắn sẽ tốt hơn và tươi sáng hơn.

Lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, quý 2 gần như không giải quyết được, nhưng sang quý 3 sẽ hợp tác trở lại, giải quyết tăng lên 10-15% lực lượng lao động. Một số ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao như thương mại điện tử tăng đột biến với các đơn hàng trực tuyến và vận chuyển, lắp ráp linh kiện điện tử dự báo tăng khoảng 31.000 người. May mặc một số đơn vị gặp khó khăn song một số doanh nghiệp có nhu cầu lớn.

Đề xuất hỗ trợ giáo viên mầm non tư thục

Bộ trưởng dẫn số liệu của Kho bạc Nhà nước, các địa phương đã giải ngân hơn 11,2 nghìn tỉ hỗ trợ cho 11 triệu người và 6 ngàn hộ kinh doanh tập trung vào lao động bị giãn hoãn hợp đồng, không có giao kết hợp đồng, lao động tự do, lao động mất việc và các nhóm đối tượng yếu thế bảo trợ xã hội, cận nghèo, người nghèo, người có công. Đến 30/6 đã có 1.591 đơn vị sử dụng lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất với 138 ngàn người, kinh phí xấp xỉ 500 tỉ.

"Chúng ta đã duyệt chi 6.374 tỉ cho người lao động, 250.000 người bán vé xổ số lưu động được hỗ trợ tiền. Các địa phương đã triển khai gói hỗ trợ. Đến nay, tổng thể cho thấy, cơ bản các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ cơ bản đã được địa phương phê duyệt và hỗ trợ. Các chính sách thực sự phát huy tác dụng. Một số địa phương gặp khó khăn về tài chính nhưng cũng đã dành tiền, kinh phí để triển khai", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng thông tin về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các địa phương. Đến nay ngoài tỉnh Thanh Hóa phải tạm dừng toàn bộ gói hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo để rà soát lại đối tượng này thì cả nước mới phát hiện 3 thôn bản có vi phạm. Cả 3 thôn bản này cộng với vi phạm của Thanh Hóa bị ngăn chặn và xử lý nghiêm minh.

"Nhìn tổng thể cho thấy, số tiền lớn, người hưởng thụ lớn, đối tượng đa dạng, dễ trùng lặp, cho đến lúc này cơ bản chúng ta thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, khó khăn đề xuất hiện nay là đối tượng đa dạng dễ trùng lặp, một số địa phương do sợ sai nên quá thận trọng dẫn tới chậm phê duyệt và chậm triển khai, ảnh hưởng tới ý nghĩa gói hỗ trợ. Có những địa phương kinh phí khó khăn do đó có những đối tượng phê duyệt rồi nhưng chưa được hỗ trợ. Gói 16.000 tỉ do Ngân hàng chính sách triển khai hiện nay đang gặp khó khăn do tiếp cận, do chúng ta đưa ra tiêu chí quá cao.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Dung cũng đề xuất Chính phủ cho phép điều chỉnh mở rộng thêm một đối tượng khó khăn nhưng chưa được hỗ trợ. Đó là giáo viên các trường tư thục. Những người này mất việc làm, ngừng việc làm nhưng chưa được hỗ trợ. Đề nghị hỗ trợ những đối tượng này nhưng kinh phí vẫn trong gói 62.000 tỉ, không thay đổi.

Thứ 2, cho điều chỉnh nới gói 16.000 tỉ cho doanh nghiệp vay để trả lương. Đề nghị bỏ tiêu chí thứ 2 là không có nguồn thu mới được vay. Bởi không có nguồn thu thì gần như doanh nghiệp phá sản, giải thể rồi thì không có khả năng chi nữa. Đề nghị điều chỉnh tiêu chí này, đồng thời thời hạn cho vay lên đến hết tháng 12/2020.

Thứ ba là triển khai các chương trình liên quan tới ngày thương binh - liệt sĩ, rà soát các chỉ tiêu, hỗ trợ các đối tượng chính sách. Giải quyết hồ sơ tồn đọng trước ngày 27/7.

Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/bo-truong-dao-ngoc-dung-de-nghi-chinh-phu-ho-tro-giao-vien-mam-non-tu-thuc-mat-viec-do-dich-covid-19-2020070212103381.htm