Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Báo LĐ&XH phải có bước đi đột phá, phát triển

'Báo LĐ&XH cần xây dựng tập thể vững mạnh, tạo bứt phá, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Bộ. Để đạt được mục tiêu đến năm 2021, báo Dân sinh phải lọt 'top' những tờ báo ngành có sức lan tỏa, lãnh đạo báo phải quan tâm đến bồi dưỡng chuyên môn của các phóng viên, biên tập viên, xây dựng được những cây bút sắc sảo'. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chỉ đạo tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ 2019 của Báo LĐ&XH ngày 11/1, tại Hà Nội.

Lan tỏa các chính sách an sinh xã hội

Đánh giá về kết quả công tác năm 2018, Q.Tổng Biên tập Nguyễn Trung Chính cho biết, trong năm qua, Báo LĐ&XH đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ tuyên truyền Bộ giao. Báo có nhiều bài viết khẳng định kết quả thực hiện nhiệm vụ lao động - việc làm, an sinh xã hội, người có công và kinh tế xã hội năm 2018, tập trung phân tích nêu bật kết quả, các chỉ tiêu cụ thể của 13 lĩnh vực công tác của ngành; một số lĩnh vực vượt bậc như xuất khẩu lao động, giáo dục nghề nghiệp, người có công, xây dựng văn bản... nhiều chỉ tiêu Bộ đạt và vượt kế hoạch. Nội dung bám sát đúng định hướng của lãnh đạo Bộ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận những thành tích đạt được của Báo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận những thành tích đạt được của Báo.

Việc thông tin nhanh đã góp phần đưa hoạt động của ngành trở nên sôi động, có sức lan tỏa, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Nhiều bài viết, chuyên đề và hoạt động sự kiện của Báo đã góp phần khẳng định năm 2018 là năm thành công toàn diện các mặt công tác của ngành, tạo được dấu ấn trong bức tranh kinh tế, xã hội của đất nước.

Thực hiện lộ trình cải tiến nội dung và hình thức tuyên truyền bám sát hoạt động của bộ, ngành và chỉ đạo của Bộ trưởng, từ tháng 10/2018 Báo đã mở thêm chuyên mục "Góc nhìn văn hóa" trên số thứ Ba và thứ Năm; chuyên mục "Câu chuyện Văn hóa" trên số Chủ nhật và mở lại các chuyên mục "Theo dòng thời cuộc" trên số thứ Ba; "Vấn đề ý kiến" trên số thứ Năm; "Chuyện cuối tuần" trên số Chủ nhật được độc giả đánh giá cao.

“Đến nay, Báo LĐ&XH và báo điện tử Dân sinh đã khẳng định được là tờ báo có thế mạnh về truyền thông lao động, việc làm, người có công và an sinh xã hội” – Q.Tổng Biên tập Nguyễn Trung Chính cho biết.

Bộ trưởng chỉ đạo việc đổi mới mà Báo đang thực hiện là hướng đi đúng và cần thiết.

Theo Q.Tổng Biên tập Nguyễn Trung Chính, trong điều kiện báo mạng ngày càng phát triển mạnh, bạn đọc báo giấy giảm rõ rệt, Báo LĐ&XH vẫn nỗ lực, tìm mọi biện pháp duy trì ổn định số lượng phát hành xấp xỉ như năm 2017. Trong 8 tháng đầu năm số lượng phát hành ổn định ở 1,1 vạn tờ/số. Từ 1/8/2018, Báo khai thác thêm được 2.154 tờ/số từ dự án cấp phát báo cho 3 nhóm huyện nghèo, vùng khó khăn do Bộ bố trí kinh phí, số lượng phát hành đạt 1,3 vạn tờ/số. Doanh số hoạt động khai thác quản cáo, truyền thông năm 2018 đạt những kết quả rất đáng ghi nhận. Tổng doanh thu Quảng cáo và Tuyên truyền ước đạt trên 13,7 tỷ đồng (bằng 120% so với năm 2017).

Năm 2019, Báo LĐ&XH phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức báo in, đa dạng hóa tin bài, nội dung gắn với các nhiệm vụ chính trị của ngành, đưa tờ báo trở thành cẩm nang thiết thực đối với cán bộ trong ngành và là độc giả đồng hành của mọi tầng lớp nhân dân. Đa dạng hóa loại hình truyền thông, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho báo điện tử, đẩy nhanh tiến độ thực hiện tin bài và thông tin trên báo điện tử, phấn đấu nâng cao thứ hạng của báo điện tử Dân sinh đứng vào top cao trong các tờ báo điện tử hàng đầu tại Việt Nam.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Thu Hằng cho biết, đội ngũ phóng viên gồm những người đã gắn bó lâu năm, tâm huyết với báo, có phẩm chất đạo đức tốt, có nghề. Trong bối cảnh hiện nay, Báo đã xác định khâu đột phá là phát triển báo điện tử, ổn định và giữ vững chất lượng và lượng phát hành báo in.

Q.Tổng biên tập Nguyễn Trung Chính báo cáo kế hoạch xây dựng, đổi mới Báo LĐ&XH

Chia sẻ khó khăn chung của hoạt động báo chí trong bối cảnh các trang thông tin điện tử phát triển rất mạnh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Phạm Quang Phụng cho rằng, so với nhiều tờ ngành, Báo LĐ&XH có nhiều thuận lợi: Được lãnh đạo bộ quan tâm; lĩnh vực bộ quản lý rộng, đất “diễn” nhiều. Lực lượng bạn đọc lớn trên 11 nghìn xã/ phường và 700 quận, huyện. Tuy nhiên, Báo cần căn cứ tình hình thực tế để thay đổi, phát triển đạt hiệu quả cao nhất.

Xây dựng báo Dân sinh trở thành tờ báo điện tử hàng đầu

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung biểu dương những thành tích đạt được của Báo LĐ&XH trong thời gian qua. Bộ trưởng khẳng định: “Báo đã có những bước đi vững chắc, đổi mới mang lại hiệu ứng xã hội. Uy tín, vị thế của tờ báo trong hệ thống báo chí ngày càng đi lên. Đây là một trong những tín hiệu tốt. Nội dung báo giấy và báo điện tử bám sát định hướng của bộ trong từng lĩnh vực cụ thể. Kịp thời phản ánh những vấn đề xã hội quan tâm, các ý kiến phản hồi từ bên ngoài đối với những chủ trương quyết sách của Bộ. Phóng viên kịp thời đeo bám sự kiện, chủ trương chính sách để chuyển tải những nội dung đó đến độc giả. Bên cạnh đó, có những bài phản ánh nhiều điển hình tiên tiến, tạo nguồn thông tin cho lãnh đạo bộ tư duy ý kiến chỉ đạo”.

Bộ trưởng đánh giá: “Báo giấy nội dung ngày càng phong phú, trình bày đẹp, báo điện tử thông tin nhanh nhạy, nhiều độc giả. Báo cần phát huy lợi thế để kéo những cây bút có thương hiệu về báo. Đôi ngũ phóng viên của báo là những người tâm huyết, có nghề”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu nhiều nội dung, yêu cầu về đổi mới Báo LĐ&XH để đáp ứng tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.

Chỉ đạo định hướng phát triển Báo trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu, năm 2019 cả nước sẽ là năm bứt phá, và Báo cần có những bước bứt phá để phát triển, xây dựng cái mới trên nền tảng những điểm tốt của cái cũ. Báo phải kiên định đây là tờ báo ngành không được thoát ly những chủ trương lớn của ngành, để phản ánh kịp thời, chuyển tải những chủ trương đó đến với người dân, đến với toàn ngành. Từ chỉ đạo trong ngành, phải biến thành chủ trương, nhận thức chung của toàn xã hội. Báo trở thành kênh thông tin nòng cốt chuyển tải nội dung đó nhanh nhạy, kịp thời, chính xác định hướng dư luận nhưng với phương pháp tốt nhất.

“Báo cần tiếp tục đổi mới, đổi mới nhanh, quyết liệt cả về nội dung, hình thức, cách tiếp cận đi vào những vấn đề bức xúc nhất, xã hội cần nhất trong ngành. Tất cả những bài viết phải có định hướng, có bình luận nâng tầm vấn đề lên, không nên chỉ chạy theo sự kiện. Bên cạnh những bài viết của các cây bút của báo, cần đặt bài của chuyên gia có uy tín để xây dựng thương hiệu tờ báo” - Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng chụp hình chung với tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Báo Lao động và Xã hội

Để đạt được mục tiêu đến năm 2021, báo Dân sinh phải lọt “top” những tờ báo ngành có sức lan tỏa, lãnh đạo báo phải quan tâm đến bồi dưỡng chuyên môn của các phóng viên, biên tập viên, xây dựng được những cây bút sắc sảo. Cần chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên, có chính sách đãi ngộ người tài. Ban biên tập xây dựng đề án đổi mới báo điện tử trở thành tờ báo mạnh hàng đầu. Trong chiến lực phát triển, Báo cần lựa chọn những vấn đề mới để tuyên truyền đặc biệt chiến lược trong 10 năm tới của ngành; chiến lược phát triển an sinh xã hội; sửa đổi Bộ luật lao động; sửa đổi Pháp lệnh người có công; việc làm, giáo dục nghề nghiệp trong cuộc cách mạng 4.0… để định hướng dư luận, phản biện những vấn đề xã hội đang đi ngược. Cần có nhiều bài báo viết về chính sách an sinh xã hội lan tỏa từ báo ngành ra các tờ báo khác và ra toàn xã hội như một số bài mà Báo Lao động và Xã hội đã làm được trong năm qua.

NGUYỄN SÍU - VÂN KHÁNH- MẠNH DŨNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/bao-ldxh-can-co-nhung-buoc-di-dot-pha-de-pha-phat-trien-d88834.html