Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: '3 nhất' trong phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em

Sáng 6/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật.

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đến 31/12/2018, cả nước có hơn 11,3 triệu người cao tuổi (NCT - chiếm 11,95% dân số), trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,5% tổng số người cao tuổi), khoảng 5,7 triệu người cao tuổi nữ (chiếm khoảng 50,7%), khoảng 7,2 triệu người cao tuổi đang sống ở khu vực nông thôn (chiếm 65%).

Đồng thời, cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (NKT) từ 2 tuổi trở lên (chiếm 6,5% dân số), trong đó có 1,03 triệu người khiếm thị; 930.000 người khiếm thính; 1,1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng; 5,1 triệu người khuyết tật nhẹ.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, cùng với quá trình phát triển của đất nước, các chính sách đối với NCT và NKT ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, diện thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng; mức hỗ trợ được nâng lên; các chính sách trợ giúp bao phủ khá toàn diện bao gồm: Trợ cấp xã hội hàng tháng, chăm sóc tại cộng đồng và trong các cơ sở xã hội, trợ giúp về y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở, tiếp cận thông tin, văn hóa, thể thao, du lịch, công trình xây dựng, giao thông công cộng,… Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của NCT và NKT, cơ bản được sự đồng thuận của nhân dân và xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời các ĐBQH tại Phiên giải trình. Ảnh VGP/Lê Sơn

Nghiên cứu hạ tuổi NCT được hưởng trợ cấp

Phát biểu tại Phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung kiến nghị tiếp tục tăng cường công tác giám sát của Quốc hội đối với một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật.

Bố trí nguồn lực hơn nữa trong thực hiện thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật theo quy định của hai Luật; các đề án, chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt; ưu tiên nâng mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật; tăng cường lồng ghép với 2 Chương trình mục tiêu về dạy nghề, việc làm và giảm nghèo.

Bộ LĐ-TB&XH cũng kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủnghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ theo hướng tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội, điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tăng cường phân cấp cho địa phương chủ động giải quyết các chính sách cho đối tượng đặc thù; cải cách hành chính; đơn giản hóa hồ sơ, quy trình, thủ tục giải quyết chính sách, tạo môi trường pháp lý, hành chính thuận lợi cho các đối tượng dễ bị tổn thương tiếp cận chính sách.

Nghiên cứu, ban hành Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi và Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030, bao gồm các giải pháp để ứng phó với vấn đề già hóa dân số, phát huy vai trò của người cao tuổi theo hướng tạo điều kiện để người cao tuổi còn khả năng lao động được tham gia làm việc.

“Định hướng thời gian tới, Bộ tập trung cụ thể hóa chủ trương, trình. Chính phủ sửa đổi, cải cách hành chính, đơn giản hóa hồ sơ, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các đối tượng dễ tiếp cận”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến chế độ, chính sách đối với NCT và NKT như mức trợ cấp xã hội, độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi từ 80 tuổi hiện nay (lộ trình giảm độ tuổi của NCT xuống 75 tuổi được hưởng trợ cấp), lập hồ sơ theo dõi sức khỏe đối với NCT và NKT, có coi người tự kỷ là NKT hay không…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, có một số quy định cần phải sửa. đổi, bổ sung luật như Luật Người cao tuổi trong việc giảm độ tuổi của NCT được hưởng trợ cấp xã hội từ 80 hiện nay xuống 75 tuổi phải sửa đổi, bổ sung Luật cho phù hợp hoặc có Nghị quyết của Quốc hội cho phù hợp.

Theo Bộ trưởng, vừa qua, Bộ nhận được nhiều ý kiến băn khoăn là tại sao trợ cấp chỉ dành cho NCT không có lương hoặc chưa được hưởng chính sách bảo trợ. Trong khi NCT là người có lương, người có công lại không được hưởng? “Đến thời gian nhất định, cũng cần nghiên cứu về vấn đề này. Điều này không chỉ khuyến khích những đối tượng khó khăn mà đôi khi còn là những chính sách động viên những người sống thọ. Về vấn đề này, thời gian tới, Bộ tiếp tục nghiên cứu, tính toán phương án hợp lý nhất”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Có nên xem người tự kỷ là người khuyết tật?

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, gần đây ở các địa phương có hai đối tượng gia tăng nhanh là người tự kỷ và người tâm thần. Nhiều địa phương tỷ lệ người bị tâm thần cũng gia tăng nhanh, kể cả các khu vực Tây Nguyên và đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương liên tục đề nghị Bộ xây dựng cơ sở nuôi dưỡng người tâm thần. Bộ LĐ-TB&XH đã cùng địa phương xuống trực tiếp các cơ sở này để xử lý các vướng mắc, tồn tại hiện nay.

Về vấn đề, có coi người tự kỷ là NKT hay không? Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khẳng định: Người tự kỷ cũng là người khuyết tật. Bộ LĐ-TB&XH đã đưa quy định này tại Thông tư 01, ban hành đầu năm 2019.

Về tỷ lệ người khuyết tật đi giám định ít bởi khi đi giám định cho người khuyết tật thì xã, phường phải lo kinh phí trong khi ngân sách xã có hạn nên họ rất ngại làm việc này.

Đối với việc phát triển các cơ sở trợ xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết qua khảo sát thực tế cho thấy có nhiều doanh nghiệp làm tốt chăm sóc người cao tuổi. Hiện. nay, chúng ta có chính sách nhưng chưa đi vào cuộc sống, đặc biệt liên quan đến đất đai, chưa có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia xây dựng các cơ sở nuôi dưỡng người già, người khuyết tật.

Việc quy định mỗi doanh nghiệp nhận bao nhiêu người khuyết tật làm việc là chưa đạt. Từ đó, Bộ trưởng cho rằng, tinh thần chung nên xem người khuyết tật cần được Nhà nước bảo đảm việc chăm sóc và trị liệu, nếu họ có thể làm việc thì khuyến khích.

Hiện nay, chính sách về người khuyết tật đã ban hành khá đầy đủ, nhưng việc thực thi còn yếu ở cấp cơ sở, nhiều người và nhiều nơi coi người khuyết tật là gánh nặng, chưa quan tâm đúng mức theo quy định.

Về giải pháp để phòng chống bạo lực với phụ nữ và xâm hại trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cần xử lý tốt “3 nhất” là “phát hiện nhanh nhất, xử lý nghiêm nhất, hỗ trợ tốt nhất”.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề nghị nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội đối với vấn đề này, trong đó có đẩy mạnh thông tin truyền thông phong phú, đa dạng và hiệu quả hơn nữa.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/bo-truong-dao-ngoc-dung-3-nhat-trong-phong-chong-bao-luc-xam-hai-phu-nu-va-tre-em/372415.vgp