Bộ trưởng đang nói, người điều hành có nên ngắt lời vì hết giờ?

Tại một số phiên thảo luận của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, khi Bộ trưởng đang nêu ý kiến giải trình, tiếp thu bỗng bị chủ tọa ngắt vì hết giờ, điều này có nên hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giài trình trước Quốc hội (Ảnh Quốc hội).

Cụ thể tại phiên họp ngày 15.11, khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình trước Quốc hội về dự án Luật cạnh tranh (sửa đổi), chủ tọa đã ngắt lời Bộ trưởng vì hết giờ. Tại phiên thảo luận ngày 22.11, khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đang giải trình cũng bị chủ tọa ngắt vì lý do tương tự, chưa kể tại các phiên họp Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, có một số Bộ trưởng tham gia giải trình.

Tại buổi họp báo sau khi bế mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, báo chí đã đặt câu hỏi với ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội: Việc các Bộ trưởng đang nói có nên ngắt lời vì hết giờ, việc ngắt như vậy khiến Bộ trưởng không trình bày hết các ý?

Ông Phúc cho biết, theo quy định nội quy kỳ họp Quốc hội làm việc có giờ, sáng từ 8 giờ đến 11 giờ 30 phút, chiều từ 14 giờ đến 17 giờ. “Trong quá trình làm cũng cần rút kinh nghiệm, các vị Bộ trưởng khi trả lời, giải trình cần cố gắng nói ngắn gọn, nếu không nhiều khi chủ tọa sẽ ngắt lời Bộ trưởng. Thông thường khi giải trình về dự án Luật hay vấn đề gì đại biểu Quốc hội cho ý kiến, Bộ trưởng cũng chỉ có khoảng 10 - 15 phút. Khi giải trình anh phải lựa chọn nội dung, vấn đề để tập trung nói tránh dàn trải, kéo dài thời gian”, ông Phúc nói.

Nhìn nhận về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (người có 4 nhiệm kỳ liên tục làm đại biểu Quốc hội) cho rằng, để không bị ngắt, người nói phải nghiêm túc thực hiện đúng quy định về thời gian, đã chủ động nói thì phải biết ngừng ở chỗ nào vì có đồng hồ ở phía trước.

Đại biểu Quốc cũng cho rằng, nếu trường hợp Bộ trưởng đang giải trình mà bị chủ tọa ngắt, báo chí, người dự họp nhìn vào có thể thấy có gì đó phản cảm, họ có thể đặt vấn đề liệu có sự thiếu tôn trọng. “Nhưng đặt vấn đề tôn trọng người đang nói cũng phải đặt vấn tôn trọng gần 500 đại biểu đang nghe. Tốt nhất người giải trình nên căn giờ để phát biểu và dừng lại đúng lúc”, đại biểu Quốc nói.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, vấn đề là cách trả lời của các Bộ trưởng để phù hợp với thời gian và không bị ngắt. Khi Bộ trưởng phát biểu tiếp thu, giải trình phải có sự tổng hợp trên cơ sở ý kiến các đại biểu phát biểu.

“Cần chọn vấn đề trọng tâm, không nên nói những gì đã nêu trong hồ sơ, tài liệu. Chọn vấn đề mà các đại biểu thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau hoặc nhiều ý kiến tranh luận để phân tích, giải trình. Trong trường hợp cần thiết, nếu thấy có nhiều vấn đề cần tiếp thu giải trình, nhất là những vấn đề được các đại biểu đưa ra tranh luận, chủ tọa có thể thêm giờ cho Bộ trưởng nói để các đại biểu rõ. Thực tế có một số phiên họp người điều hành đã làm như vậy, nhiều buổi Quốc hội phải kéo dài thêm thời gian làm việc”, đại biểu Hồng nói.

Ngọc Lương

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/bo-truong-dang-noi-nguoi-dieu-hanh-co-nen-ngat-loi-vi-het-gio-825596.html