Bộ trưởng cũng khó thuê nhà

Mặc dù là chủ sở hữu hai ngôi nhà, song Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki lại đang gặp khó khăn trong vấn đề thuê nhà do những thay đổi của thị trường liên quan đến quy định do chính ông chủ trì soạn thảo.

Những ngày gần đây, Bộ trưởng Tài chính Hong Nam-ki ráo riết tìm thuê nơi ở mới sau khi chủ nhà thông báo sẽ lấy lại căn hộ 3 phòng ngủ ở khu vực Mapo, phía tây Seoul, khi thời hạn hợp đồng kết thúc vào tháng 1-2021.

Thực ra, ông Hong sở hữu hai ngôi nhà nhưng không ở được, do căn hộ ở Uiang, phía nam Seoul, đang có người thuê, trong khi nhà còn lại ở Sejong đang xây dựng. Để tiện việc đi làm, ông Hong đã thuê căn hộ 3 phòng ở Mapo. Tuy nhiên, nếu phải trả nhà vào đầu năm tới, ông Hong sẽ gặp khó khăn do tiền đặt cọc để thuê một căn hộ tương tự ở Mapo đã tăng 32% trong 3 tháng qua, lên 830 triệu won (17 tỷ đồng). Với tổng tài sản 1,06 tỷ won có được sau hơn 30 năm làm việc, ông Hong Nam-ki không còn cách nào khác là đi tìm nhà thuê ở khu vực xa trung tâm thủ đô.

Theo Reuters, trước đây, ở Hàn Quốc có hình thức thuê nhà mà người thuê chỉ cần đặt một khoản tiền cọc lớn (jeonse), thường là 50% giá trị căn nhà, mà không cần phải trả tiền thuê hằng tháng. Chủ nhà hưởng lợi từ việc đầu tư số tiền trên và sẽ trả lại nguyên vẹn số tiền này khi hết hạn hợp đồng, thường kéo dài hai năm. Do dịch Covid-19 nên nhiều chủ nhà có xu hướng chuyển đổi cho thuê đặt cọc sang thuê theo tháng.

 Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki. Ảnh: Yonhap

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki. Ảnh: Yonhap

Bên cạnh đó, chênh lệch cung-cầu thị trường những năm gần đây cùng nhiều yếu tố khác khiến giá nhà không ngừng tăng tại các thành phố, nhất là Seoul, khiến dư luận Hàn Quốc vô cùng bức xúc. Khi lên cầm quyền, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết sẽ đưa thị trường bất động sản trở lại tầm kiểm soát. Trong 3 năm qua, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đã thực thi nhiều chính sách kiểm soát đà tăng giá bất động sản, mà kết quả là giá nhà trung bình tại các thành phố lớn trên cả nước được giữ ổn định, thậm chí giảm tại một số khu vực nhỏ. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Seoul và khu vực lân cận vẫn tăng trưởng “quá nóng”. Ví như giá căn hộ trung bình tại Seoul tăng 50% kể từ tháng 5-2017 tới tháng 6-2020, đạt 925 triệu won (774.000USD). Con số này là khổng lồ so với đà tăng 2% tại Busan, 15% tại Daegu. Hoàn cảnh trở nên khó khăn hơn khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Theo nhiều dự báo, tăng trưởng GDP năm 2020 của Hàn Quốc sẽ giảm lần đầu tiên kể từ cuối thập niên 1990 tới nay.

Những bất cập trong chính sách nhà ở buộc Chính phủ Hàn Quốc áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn, trong đó có đạo luật do ông Hong Nam-ki chủ trì soạn thảo và đã được quốc hội thông qua. Đạo luật sửa đổi trên có hiệu lực từ tháng 7-2020, quy định chủ nhà được phép mỗi lần tăng tiền cọc tối đa 5%, đồng thời cho phép người thuê nhà có quyền gia hạn hợp đồng thêm hai năm, trừ khi chủ nhà lấy lại để ở. Tuy nhiên, đạo luật này dẫn đến tình trạng khan hiếm nhà cho thuê theo hình thức đặt cọc như trên do nhiều chủ nhà lấy lại nhà trước thời hạn áp dụng quy định nhằm tăng tiền đặt cọc. Nếu không, họ có thể sẽ phải cho phép người thuê gia hạn và chỉ có thể tăng tiền đặt cọc sau thời hạn 4 năm.

Theo nguồn tin từ một văn phòng nhà đất ở Seoul, việc chủ nhà đòi lại căn hộ mà Bộ trưởng Hong Nam-ki đang thuê một phần cũng nhằm phản đối đạo luật Bảo vệ người thuê nhà (sửa đổi) do chính ông chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hong Nam-ki vẫn vui vẻ chấp nhận bởi điều đó cho thấy đạo luật này đã bảo vệ quyền lợi của người đi thuê nhà. Thực tế, người thuê căn hộ của ông ở Uiang cũng đã được hưởng lợi từ chính đạo luật sửa đổi khi yêu cầu Bộ trưởng kéo dài hợp đồng thuê nhà thêm hai năm.

PHƯƠNG LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/bo-truong-cung-kho-thue-nha-641913