Bộ trưởng Công thương nói về trách nhiệm xảy ra 5 siêu dự án lỗ nghìn tỷ

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh là thành viên đầu tiên của Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn.

Phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa 14 bắt đầu từ ngày 15/11 và kéo dài trong 2,5 ngày làm việc. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh là thành viên đầu tiên của Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn.

Chất vấn Bộ trưởng Công thương, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đặt vấn đề về nguyên nhân thua lỗ yếu kém của những siêu dự án.

Đồng thời đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ sai phạm, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và những kiến nghị để giải quyết những bất cập, không để tình trạng "con voi chui lọt lỗ kim" như vừa qua.

Làm rõ về vấn đề này, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: 5 dự án này được đầu tư từ năm 2003 đến nay và trong nhiều lĩnh vực bao gồm: xơ sợi, xăng sinh học, gang thép...

"Do dàn trải trong nhiều lĩnh vực với tính chất đặc thù riêng từng ngành, từng dự án có nhiều nguyên nhân khác nhau, nên đánh giá chung tổng thể thì rất khó", ông Trần Tuấn Anh cho biết. Tuy nhiên, Bộ trưởng Công thương cho biết sẽ làm rõ thêm một số đặc điểm chung còn tồn tại tại 5 dự án thua lỗ nói trên.

Theo đó, Bộ trưởng Công thương cho biết các dự án này đều được triển khai đầu tư kéo dài quá thời hạn được phê duyệt. Lại rơi vào thời điểm thị trường thế giới nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả và tính khả thi của dự án như dự án Đạm Ninh Bình, Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên, Xăng sinh học Etanol.

"Tôi lấy ví dụ như sản phẩm dầu thô từ mức hơn 100 USD sau đó tụt chỉ còn hơn 40USD/thùng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả thi của các dự án", ông Trần Tuấn Anh cho biết.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân do năng lực của chủ đầu tư (theo phân cấp các tập đoàn, tổng công ty 91), ban quản lý dự án hạn chế. Năng lực đàm phán, ký kết, quản lý dự án hạn chế làm dự án bị kéo dài, thực hiện không đúng quy định của hợp đồng...

"Quan điểm của Chính phủ và các bộ ngành là đánh giá rõ ràng, làm rõ nguyên nhân cả về chủ quan, khách quan, qua đó nghiên cứu tổng thể các giải pháp theo quy định của pháp luật và quy luật thị trường trên cơ sở bảo toàn vốn nhà nước, phù hợp với các cam kết quốc tế, có giải pháp khắc phục cụ thể; xem xét trách nhiệm của các chủ thể trên tinh thần cẩn trọng, đúng quy định...", Bộ trưởng Công thương cho biết.

Bộ trưởng Công thương khẳng định: Nếu cố tình làm sai sẽ xem xét xử lý hình sự. Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng nhấn mạnh cần phải đổi mới phương thức quản lý, mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện khung khổ pháp lý (tăng cường phân cấp kèm hậu kiểm, quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể).

Tranh luận lại Bộ trưởng Công thương, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho biết ông muốn làm rõ vấn đề về trách nhiệm trong việc đầu tư gây ra các vụ thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước.

"Tôi thấy rất lo ngại việc doanh nghiệp nhà nước sử dụng tài sản nhà nước lại khoán trắng cho doanh nghiệp như vậy. Vì sao đạm Ninh Bình nói công nghệ phù hợp vậy thì trách nhiệm Bộ Khoa học và công nghệ. Bộ Kế hoạch và đầu tư ở đâu?", đại biểu Sinh chất vấn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Việc này cần có thời gian. Hiện có hàng loạt các cơ quan nhà nước vào cuộc đánh giá, xem xét trách nhiệm. Cũng như việc đưa ra các giải pháp để không tái diễn.

5 dự án nghìn tỷ thua lỗ, nguy cơ phá sản

1. Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư;

2. Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia) có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung;

3.Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư;

4. Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải – Tracodi làm chủ đầu tư. Đến năm 2009, dự án này được chuyển cho Tổng công ty Giấy Việt Nam -Vinapaco theo Quyết định 731/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

5. Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

N.Mạnh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/dia-oc/bo-truong-cong-thuong-noi-ve-trach-nhiem-xay-ra-5-sieu-du-an-lo-nghin-ty-2192131.html