Bộ trưởng Công Thương nói gì về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU?

Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU giúp cho các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa Việt Nam có điều kiện cạnh tranh mạnh mẽ, phát triển ở thị trường châu Âu và sẽ có điều kiện hình thành các chuỗi giá trị.

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng mạnh sau khi EVFTA được thực thi

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng mạnh sau khi EVFTA được thực thi

Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, đến nay, Việt Nam đã ký kết thành công và tham gia 16 hiệp định thương mại tự do, bao gồm cả song phương và đa phương, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với những yêu cầu, tiêu chuẩn cao. Những FTA này không có tác động lớn đến hoạt động của từng Bộ, ngành, từng cơ quan quản lý nhà nước, mà còn đi vào đời sống của mỗi doanh nghiệp, người dân, góp phần tạo nền tảng quan trọng thay đổi vượt bậc, giải phóng năng lực sản xuất của nông dân và doanh nghiệp Việt.

“Từ đây có thể thấy không hề có giới hạn trong năng lực sản xuất nếu như chúng ta có cơ hội thị trường và điều kiện để tổ chức tái cơ cấu các ngành nghề theo quy mô lớn gắn với việc hình thành các chuỗi giá trị”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, trong hội nhập, không phải tất cả bức tranh đều là màu hồng, có rất nhiều áp lực, thách thức đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân.

Về những lợi ích khi tham gia Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, việc có EVFTA rất quan trọng giúp cho các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa Việt Nam có điều kiện cạnh tranh mạnh mẽ, phát triển ở thị trường châu Âu và sẽ có điều kiện hình thành các chuỗi giá trị. Hơn nữa, toàn bộ hàng hóa xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU được hưởng ưu đãi thuế quan sắp tới và cả những điều kiện thuận lợi hóa thương mại đều là những ngành hàng quan trọng, kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Theo người đứng đầu ngành công thương, các mặt hàng nông sản, gạo, cà phê, mật ong, sản phẩm chăn nuôi, cây trái... đều là những ngành hàng được hưởng ưu đãi rất cao ngay từ những năm đầu tiên. Những sản phẩm kỳ vọng có tăng trưởng mạnh ở EU như dệt may, da giày, chế biến đồ gỗ, tin học, các ngành công nghiệp như: hóa dầu, ô tô cơ khí cũng được hưởng ưu đãi khi cắt giảm thuế quan trong những năm tới.

“Nếu EVFTA đi vào thực thi từ năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 20% và đến giai đoạn 2025-2030, tốc độ tăng sẽ lớn hơn từ 70-80%. Theo tính toán, dự kiến, tăng trưởng xuất khẩu sẽ tăng từ 4-6%, các ngành kinh tế tăng thêm 19 tỷ USD vào năm 2019 và đến năm 2025 sẽ tăng lên 70 tỷ USD”, ông Trần Tuấn Anh cho hay.

Theo ông Trần Tuấn Anh, với 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, các vấn đề pháp lý-thể chế, Hiệp định EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, với Việt Nam, hiệp định này sẽ giúp vị thế của chúng ta mạnh lên nhiều. Cùng các FTA khác, như CPTPP, EVFTA sẽ cộng hưởng, tạo nên sự phát triển mang tính đột biến, nền tảng để hướng tới phát triển, tiến bộ xã hội, giúp chúng ta hoàn thiện khung khổ luật pháp, thể chế.

Với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.

Phạm Tuyên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/bo-truong-cong-thuong-noi-gi-ve-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-giua-viet-nam-va-eu-1434583.tpo