Bộ trưởng Công thương giải trình về các dự án nghìn tỷ bị thua lỗ

Sáng 3-11, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã giải trình về năm dự án bị thua lỗ hơn 30 nghìn tỷ đồng, đưa ra nguyên nhân và giải pháp xử lý. Cũng theo Bộ trưởng, ngoài ra, còn có một số dự án khác tiềm ẩn nguy cơ.

Năm dự án tồn đọng kém hiệu quả đó là xơ sợi Đình Vũ, gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, các dự án ethanon nhiên liệu sinh học. Bộ trưởng cho biết, những dự án này đều diễn ra một thời gian quá dài, nhiều vướng mắc, thay đổi về bối cảnh thị trường, điều kiện thực hiện dự án…

“Bộ Công thương cùng bộ ngành đang tổng hợp, đánh giá, rà soát, kiểm tra một cách triệt để và toàn diện tất cả những vấn đề tồn tại của các dự án này và có báo cáo cụ thể với Chính phủ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Theo đó, phải đánh giá thực trạng của dự án, quá trình điều hành, vai trò, trách nhiệm của các cấp quản lý, chủ đầu tư, xác định các biện pháp giải quyết theo nguyên tắc bảo vệ và giữ gìn lợi ích, hiệu quả đồng vốn của Nhà nước, đồng thời có phương án triệt để để bảo đảm không thất thoát thêm vốn của Nhà nước. Ngoài ra, phải xác định trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan để xem xét xử lý.

Bộ trưởng cho biết, với dự án xơ sợi Đình Vũ, Chính phủ đã thanh tra và có kết luận hướng xử lý tiếp theo. Với Nhà máy gang thép Thái Nguyên và đạm Ninh Bình, Bộ Công thương đang thanh tra và sắp có kết quả báo cáo Thủ tướng về những biện pháp xử lý dứt điểm.

“Ngoài năm dự án này, còn một số dự án khác tiềm ẩn những nguy cơ, vướng mắc nếu không can thiệp kịp thời sẽ có khả năng hoạt động kém hiệu quả”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng nhận định, qua năm dự án này có một số vấn đề lớn: Chúng ta sẽ phải rạch ròi và làm rõ hơn trong việc quản lý đầu tư của Nhà nước, không chỉ đầu tư công mà đầu tư của các DN nhà nước, và đặc biệt phải làm rõ vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong việc phát triển thị trường, phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho các DN khác tham gia thị trường.

Thứ hai, các dự án này bộc lộ sự khiếm khuyết và lỗ hổng trong quản lý Nhà nước cả về khung pháp lý và thể chế, vai trò giữa bộ chủ quản và các bộ quản lý nguồn vốn nhà nước, bộ quản lý quy trình thủ tục đầu tư. Vì vậy, rất cần làm rõ cơ quan quản lý nhà nước đối với các phần vốn trong doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.

Thứ ba, trong trách nhiệm của bộ chủ quản và bộ chuyên ngành cần xem xét lại việc chấp hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật Nhà nước. Làm rõ trách nhiệm của các cấp quản lý Nhà nước cũng như chủ đầu tư DN. Không loại trừ những hành động cố ý trong vi phạm hoạt động quản trị, điều hành đầu tư của DN nhà nước.

Ngay sau phần giải trình của Bộ trưởng, một số đại biểu đã phát biểu tranh luận. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, sớm lập danh mục các dự án có nguy cơ thua lỗ. “Vì chỉ cần một ngày lỗ vài ba tỷ đồng, mỗi năm lỗ năm bảy chục tỷ đồng, dù không đến nghìn tỷ đồng nhưng cộng lại cũng là con số to lớn” - đại biểu Nghĩa nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa yêu cầu lập danh mục các dự án có nguy cơ thua lỗ. (Ảnh: THANH CHƯƠNG).

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng: “Đại biểu cả nước rất quan tâm đến những dự án đắp chiếu đang bị lãng phí, Bộ đã tính toán phương án xử lý các phương án bị đắp chiếu này chưa?”. Những phần tranh luận này sẽ được Bộ trưởng Công thương trả lời trực tiếp đến đại biểu Quốc hội.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31157402-bo-truong-cong-thuong-giai-trinh-ve-cac-du-an-nghin-ty-bi-thua-lo.html