Bộ trưởng Công Thương: 'Bức xúc khi chưa giảm được giá điện'

'Chúng tôi cũng thấy tiếc và bức xúc khi chưa giảm được giá điện. Sắp tới, khi thị trường cạnh tranh hình thành sẽ đảm bảo giá điện có lên, có xuống', Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Sáng 7/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về "thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội" dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh tham gia giải trình chính về nội dung này.

9 lần điều chỉnh, giá “chỉ tăng”

Nhấn mạnh chủ trương của Đảng là vận hành ngành điện theo kinh tế thị trường nhưng hiện nay, giá điện chưa bám sát kinh tế thị trường, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: "Điều này có làm giảm động lực phát triển của điện năng?"

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Hoàng Quang Hàm bày tỏ băn khoăn về vấn đề giá điện khi từ năm 2011 tới nay đã có 9 lần điều chỉnh giá bán lẻ điện, song giá điện chỉ tăng chứ chưa bao giờ giảm.

Ông Hoàng Quang Hàm đề nghị ông Trần Tuấn Anh giải trình về việc có ý kiến cho rằng Bộ Công Thương chưa nỗ lực hết mình để giảm giá bán lẻ điện năng khiến giá điện chưa hợp lý.

 Phiên giải trình về "thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội" của Ủy ban Kinh tế. Ảnh: Hải Quân.

Phiên giải trình về "thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội" của Ủy ban Kinh tế. Ảnh: Hải Quân.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh thời gian qua, ngành điện đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn. Tuy nhiên, hạn chế thấy rõ là nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới.

Khi áp dụng cơ chế thị trường thì giá điện có tăng, có giảm. Nhà nước chỉ quản lý các phí của hệ thống truyền tải và phân phối.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Giải trình vấn đề trên, Bộ trưởng Công Thương khẳng định luôn hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường điện cạnh tranh.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đề án được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011 nêu rõ thị trường điện cạnh tranh được xây dựng theo lộ trình có 3 cấp độ.

Thứ nhất là thị trường phát điện cạnh tranh, bắt đầu thực hiện từ năm 2011. Thứ hai, thị trường bán buôn điện cạnh tranh, triển khai từ 2018 và thứ ba là bán lẻ cạnh tranh, dự kiến tới năm 2024 mới bắt đầu thực hiện, sau khi có tổng kết thí điểm từ năm 2021-2024 để đảm bảo ổn định và tính khả thi của mô hình này.

“Đến lúc đó mới thật sự có giá điện theo cơ chế thị trường”, Bộ trưởng Công Thương nói.

Theo lý giải của ông, khi giá điện theo cơ chế thị trường thì người sử dụng điện cho dù là nhà sản xuất hay tiêu dùng sinh hoạt đều trực tiếp ký hợp đồng với đơn vị phân phối bán điện giá rẻ.

“Khi theo cơ chế thị trường, giá điện có tăng, có giảm. Nhà nước chỉ quản lý các phí của hệ thống truyền tải và phân phối”, Bộ trưởng Công Thương phân tích.

Ông nhắc lại phải đến năm 2024 mới thực hiện được chủ trương vận hành giá điện theo cơ chế thị trường, còn hiện nay chưa làm được điều đó.

Thiếu công khai, minh bạch

“Mấy năm qua, giá điện tăng 9 lần, chưa bao giờ giảm. Hầu hết lình xình dính đến điện đều liên quan đến giá, nhưng phải thấy cái gốc là chuyện điều hành ngành điện lực”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh nói.

Hầu hết lình xình dính đến điện đều liên quan đến giá, nhưng phải thấy cái gốc là chuyện điều hành ngành điện lực.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh

Theo ông Đỗ Văn Sinh, giá điện và câu chuyện điều hành giá chỉ là ngọn của vấn đề. Cái gốc lớn hơn nhiều, từ những bất hợp lý trong quy hoạch, chính sách phát triển năng lượng tái tạo… Câu chuyện ở đây là điều hành, không phải giá.

Ông Sinh cho rằng cách quy hoạch điện như hiện nay dẫn đến nhiều hệ lụy; trong đó, vi phạm nguyên tắc “công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh”.

Việc thiếu công khai, minh bạch dẫn đến có nhiều nhà đầu tư được lựa chọn nhưng không đủ năng lực về tài chính và kỹ thuật, có tình trạng chào bán, chuyển nhượng dự án; nhiều dự án chậm tiến độ (Long Phú 1, Sông Hậu 1), có dự án xảy ra lãng phí, tiêu cực, tham nhũng (Thái Bình 2).

Mặt khác, trường hợp có sự thay đổi quy mô, thời gian vận hành thì các nhà đầu tư mất rất nhiều thời gian, tiền của, cơ hội đầu tư để được thẩm định, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch; không phù hợp với vai trò định hướng của quy hoạch, mà thực chất là để “cấp phép”.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ: “Chúng tôi cũng thấy tiếc và bức xúc khi chưa giảm được giá điện". Ảnh: Hải Quân.

Về băn khoăn giá điện “chỉ tăng, không giảm”, Bộ trưởng Công Thương giải thích vừa qua, khi thực hiện thị trường điện cạnh tranh, chúng ta chưa có cơ hội để cân đối và đảm bảo giá điện sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư.

Vì thế, người tiêu dùng, người sử dụng điện chưa có cơ hội được hưởng cơ chế điện giảm giá.

“Chúng tôi cũng thấy tiếc và bức xúc khi chưa giảm được giá điện. Sắp tới, khi hình thành thị trường cạnh tranh thì công khai, đảm bảo giá điện có lên, có xuống và phù hợp với vận hành của thị trường”, Bộ trưởng Công Thương khẳng định.

Ông Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đang nghiên cứu xây dựng biểu giá bán lẻ điện. Tuy nhiên, việc làm thế nào để cơ cấu giá điện bảo đảm giải quyết ổn thỏa, mang lại lợi ích và hiệu quả cao thì cần một giải pháp tổng thể.

Vừa qua Bộ Công Thương xin ý kiến về giá điện bán lẻ theo bậc thang hay một giá, nhưng sau khi nghiên cứu, đánh giá thấy còn nhiều tồn tại.

“Nếu áp dụng cơ chế điện một giá, chúng ta cũng không bảo đảm được các mục tiêu vừa hỗ trợ cho người dân, vừa bảo đảm yêu cầu sản xuất, nhưng lại bảo đảm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm điện. Do vậy, chúng tôi đã chủ động tiếp thu, xin rút lại phương án cơ chế điện một giá, tiếp tục nghiên cứu và hoàn chỉnh", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bo-truong-cong-thuong-buc-xuc-khi-chua-giam-duoc-gia-dien-post1128584.html