Bộ trưởng Công an giải trình về các quy định xuất cảnh, nhập cảnh

Theo đại tướng Tô Lâm, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh phải đảm bảo quyền và trách nhiệm của công dân, các cơ quan quản lý cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được Quốc hội thảo luận chiều nay với 18 ý kiến góp ý và không có lượt tranh luận nào.

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật, thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp: “Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an. Ảnh: Minh Quân.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an. Ảnh: Minh Quân.

Dự thảo cũng quy định tạm hoãn xuất cảnh với “người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án”, “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế” và “người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”.

Nhấn mạnh chúng ta đang đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Y Nhàn (Kon Tum) cho rằng người mà qua thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm thường sẽ bị xử lý, có thể chuyển sang xử lý hình sự. Tuy nhiên, thực tế có trường hợp bỏ trốn gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra cũng như xử lý.

Để phòng ngừa việc người vi phạm bỏ trốn sau khi thanh tra, kiểm tra cũng như xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn, theo bà cần tạm hoãn xuất cảnh ngay mà không cần đến mức “vi phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) lưu ý những quy định liên quan đến hạn chế quyền tự do xuất cảnh, nhập cảnh của công dân cần phải nghiên cứu kỹ, vì đây là quyền hiến định và liên quan đến công ước mà Việt Nam đã ký kết.

“Chia sẻ là gần đây có trường hợp đáng lẽ phải ngăn chặn xuất cảnh nhưng không ngăn chặn được nên việc thiết kế quy định là cần thiết. Nhưng nói “có đủ căn cứ” thì căn cứ này do ai quyết định và quyết định sai thì ai chịu?”, ông Nghĩa đặt vấn đề.

Theo ông, căn cứ đó phải bằng quyết định tư pháp hoặc quyết định hành chính. Nếu quyết định sai, ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân thì họ có thể khởi kiện. Do đó, trong trường hợp này phải thiết kế quy định tố tụng để công dân thực hiện quyền khởi kiện bên cạnh quyền khiếu nại, tố cáo.

Giải trình làm rõ ý kiến của các đại biểu, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, nhấn mạnh dự luật này được ban hành sẽ cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, nó cũng sẽ khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trong những năm qua.

Theo Bộ trưởng Công an, luật này nhằm đảm bảo quyền và trách nhiệm của công dân, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, trách nhiệm bảo hộ công dân, bảo đảm an toàn cho công dân và những hoạt động công vụ khác, đảm bảo thân phận về ngoại giao và phục vụ cho việc đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Ông khẳng định cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu 18 lượt ý kiến các đại biểu tham gia ý kiến trên một số nội dung về những nguyên tắc quản lý về xuất cảnh, nhập cảnh; các hành vi bị nghiêm cấm về xuất cảnh, nhập cảnh; quyền và nghĩa vụ công dân hay những điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh; vấn đề kiểm soát xuất, nhập cảnh; vấn đề tạm hoãn xuất cảnh, nhập cảnh…

Anh Thư

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bo-truong-cong-an-giai-trinh-ve-cac-quy-dinh-xuat-canh-nhap-canh-post1006849.html