Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: 'Khoa học, công nghệ và ĐMST là nền tảng đưa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững'

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và lan rộng, mang tới nhiều cơ hội và thách thức cho mỗi quốc gia trong chặng đường phát triển. Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Ngày 15.5 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công Nghệ (KH-CN) phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc và Liên minh Đổi mới sáng tạo phát triển quốc tế (IDIA) tổ chức Hội nghị quốc tế với chủ đề “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”.

Nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, Việt Nam luôn xác định khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới để đưa khoa học và công nghệ không chỉ gắn mà thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm, đưa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ trực tiếp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Đến nay, phong trào khởi nghiệp sáng tạo đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được củng cố. Thị trường khoa học và công nghệ bước đầu gắn kết hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ dần đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.

Minh chứng rõ nét cho điều này thể hiện ở thành tựu phát triển của các ngành, lĩnh vực nổi bật như: Nông nghiệp, công nghiệp, tài chính ngân hàng, xây dựng, giao thông, y tế, an ninh quốc phòng… trong thời gian qua đều có sự đóng góp của khoa học và công nghệ.

Theo đánh giá của Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), trong những năm gần đây, Việt Nam luôn tăng hạng trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức - công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, xếp thứ 28).

Tuy nhiên, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thừa nhận, để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần phải khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về khoa học và công nghệ với pháp luật liên quan.

Toàn cảnh Hội nghị.

Đồng thời, cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của Việt Nam.

“Đặc biệt, Việt Nam cần có những giải pháp để tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ không chỉ từ Nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp. Nâng cao nhu cầu công nghệ tự thân của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường liên kết viện, trường và doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa”, Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.

Cũng phải nói thêm rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và lan rộng, mang tới nhiều cơ hội và thách thức cho mỗi quốc gia trong chặng đường phát triển. Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

“Làm thế nào để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội một cách thực chất và hiệu quả đối với Việt Nam? Làm thế nào để thúc đẩy hơn nữa và liên kết giữa các thành tố trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm? Nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp?”, đó là 3 câu hỏi lớn cần giải quyết được Bộ trưởng KH-CN nêu ra trong khuôn khổ Hội nghị lần này.

Chuyển đổi số đem lại khoảng 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm

Tại hội nghị “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, bà Lucy Cameron, Tư vấn nghiên cứu cao cấp của CSIRO cho biết, chuyển đổi số sẽ đem lại khoảng 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam đến năm 2045. Bà cũng nhận định, tăng trưởng của Việt Nam khá nhanh và toàn diện, có nền tảng phù hợp để chuyển đối số. Bà đưa ra một số xu thế chủ đạo và các kịch bản lớn có thể tác động nhiều đến nền kinh tế Việt Nam, bao gồm kịch bản xuất khẩu số (tác động đến tăng trưởng GDP hằng năm 0,45%), kịch bản tiêu dùng số (0,63%), kịch bản truyền thống (0,38%)...

Tiến sĩ Lucy Cameron, tư vấn nghiên cứu cao cấp của CSIRO.

Trong khi đó, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang xếp ngang hàng về tỷ lệ sử dụng mobile và Internet so với nhiều nước. Đây là cơ sở để phát triển hạ tầng kỹ thuật số. Việt Nam cần cơ cấu lại các viện nghiên cứu, giảm số lượng nhưng tăng quy mô, chất lượng. Đào tạo nhân lực cũng cần được chú trọng do Việt Nam còn thiếu lực lượng lao động lành nghề, tỉ lệ lao động 15 tuổi trở lên có bằng cấp chỉ tăng nhẹ đến năm 2020. Chất lượng lực lượng lao động hiện đang tụt hậu so với các nước.

"45% doanh nghiệp Việt xác định kỹ năng là trở ngại song chỉ có 30% doanh nghiệp tại nước ngoài có lo ngại tương tự", ông Ousmane Dione cho hay.

Nêu quan điểm của mình về giải pháp phát cho vấn đề này, bà Deepali Khanna, Giám đốc quản lý khu vực châu Á, quỹ Rockefeller chia sẻ, Việt Nam cần tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thực sự hiệu quả, cần có môi trường tạo sự đổi mới trên quy mô cả nước. "Tôi nhận thấy người Ấn Độ quê hương tôi và Việt Nam đều lo sợ thất bại. Nhưng với đổi mới sáng tạo cần vượt qua nỗi sợ hãi đó, cần tự tin hơn, thất bại là chấp nhận được và giúp chúng ta sẽ đưa ra những quyết định sáng suốt hơn".

P.V

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/doanh-nghiep/bo-truong-chu-ngoc-anh-khoa-hoc-cong-nghe-va-dmst-la-nen-tang-dua-viet-nam-phat-trien-nhanh-ben-vung-979972.html