Bộ trưởng Bộ Y tế: Bệnh viện tuyến tỉnh liệu có 'tham bát bỏ mâm'?

'Dù đã phát triển nhiều kỹ thuật nhưng bệnh viện chưa thu hút được lượng bệnh nhân là người có điều kiện kinh tế đến điều trị,' Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết.

Bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình chia sẻ về việc phải chờ đợi lâu khi đi khám bệnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình chia sẻ về việc phải chờ đợi lâu khi đi khám bệnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liệu bệnh viện tuyến tỉnh có "tham bát bỏ mâm" hay không khi chỉ mới tập trung khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thông thường mà chưa thật sự tập trung phát triển chuyên môn sâu, cao, khiến bệnh nhân vượt tuyến lên Trung ương khám, thậm chí ra nước ngoài?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh như vậy khi cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đến thăm và làm việc về công tác y tế trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Cải tiến mái tôn khu người bệnh chờ khám

Trong buổi đi thực tế, khảo sát và làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, bác sỹ Phạm Văn Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho hay, bệnh viện đã thực hiện được 84% các kỹ thuật theo phân tuyến, thực hiện nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, thu hút được người bệnh. Trung bình một ngày bệnh viện đón tiếp khám bệnh cho 900-1.000 người và hàng ngày có từ 1.000-1.100 người bệnh điều trị nội trú, có ngày lên tới 1.300 người bệnh điều trị nội trú.

“Dù đã phát triển nhiều kỹ thuật nhưng bệnh viện chưa thu hút được lượng bệnh nhân là người có điều kiện kinh tế đến điều trị,” Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết.

Trước vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, bệnh viện cần phát triển chuyên môn cao, đặc biệt các bệnh về tim mạch, ung thư, chấn thương chỉnh hình… để thu hút bệnh nhân ở lại Ninh Bình, thậm chí các tỉnh khác, đến khám, điều trị, tránh tình trạng “tham bát bỏ mâm.”

Trực tiếp tới khu Khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng ghi nhận không ít phản ánh của bệnh nhân về việc phải chờ đợi lâu khi đi khám bệnh. Người đứng đầu ngành y tế đề nghị bệnh viện cần sớm có những cải tiến hợp lý hơn để người bệnh tránh phải chờ đợi quá lâu.

Tại buổi thăm, kiểm tra Trung tâm Y tế Thành phố Tam Điệp, Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế đích thân "đóng vai" người bệnh tới khám và được tổ đón tiếp, hướng dẫn cách lấy số thứ tự điện tử (bằng cách bấm số), nghe gọi tên mời vào khám theo ô đã được thông báo.

Bộ trưởng Bộ Y tế đích thân "đóng vai" người bệnh tới khám và được tổ đón tiếp, hướng dẫn cách lấy số thứ tự điện tử. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trải nghiệm trong vai trò của người bệnh đi khám giữa tiết trời nắng nóng và oi bức,người đứng đầu ngành y tế đã có trải nghiệm thực tế cho thấy, cơ sở vật chất tại khu khám bệnh Trung tâm Y tế Thành phố Tam Điệp chưa hợp lý. Khu người dân ngồi chờ làm thủ tục khám chữa bệnh mái tôn rất nóng khiến người bệnh chưa thoải mái, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị cơ sở này cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu đầu tư nguồn lực, cải tiến khu khám bệnh, bỏ mái tôn để “giảm nhiệt” khi người bệnh ngồi chờ đợi nhằm đáp ứng sự hài lòng của bệnh nhân.

Chưa cân đối được quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Chiều 8/7, Đoàn công tác đã làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết số 21 - NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới; triển khai thực hiện chương trình sức khỏe Việt Nam.

Tại buổi làm việc, ông Tống Quang Thìn - Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Ninh Bình cho hay, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 không có dịch bệnh lớn xảy ra, đa số các bệnh truyền nhiễm (22/28) bệnh không ghi nhận hoặc có số trường hợp mắc bệnh giảm so với năm 2017 và cùng kỳ năm 2018.

Người dân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng, với tỷ lệ tiêm đầy đủ trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 đạt trên 98%, đảm bảo an toàn, không để xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng. Tỉnh đã triển khai thực hiện báo cáo trên phần mềm hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia từ tuyến xã.

Về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, năm 2018, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh tại tỉnh Ninh Bình đạt 54%, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã sàng lọc sơ sinh cho gần 4.000 trẻ sơ sinh, đạt hơn 87%. Đối với các dự án, hoạt động khác thuộc Chương trình mục tiêu y tế - dân số được triển khai theo kế hoạch, kết quả thực hiện đều đạt và vượt các chỉ tiêu đề ta trong 6 tháng đầu năm 2019.

Đến nay, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đạt hơn 91%.

Nói về những khó khăn, tồn tại trong công tác y tế, ông Thìn cho hay: “Một số bệnh viện tuyến tỉnh chưa phát triển được nhiều kỹ thuật mang tính đột phá, chưa tương xứng với thế mạnh vè sơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị hiện có. Đáng lưu ý, toàn ngành y tế của tỉnh hiện chưa cân đối được quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.”

Đáng lưu ý, trong cơ chế chính sách vẫn còn nhiều hạn chế như Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế sửa đổi theo hướng mở rộng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, bên cạnh đó giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế điều chỉnh theo hướng tính đúng tính đủ các yếu tố cấu thành. Tuy nhiên, mức đóng bảo hiểm y tế không thay đổi gây khó khăn cho việc cân đối chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Việc giao dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2019 chưa phù hợp với hướng dẫn tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP gây khó khăn cho địa phương trong tổ chức thực hiện.

Tại Trạm y tế xã Yên Sơn – nơi mỗi ngày khám khoảng 30-40 bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chính vì vậy, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn đề nghị, để nâng cao công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh, đề xuất điều chỉnh tăng mức đóng bảo hiểm y tế để đảm bảo chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, Bộ Y tế tham mưu Chính phủ ban hành nghị định quy định cơ chế sử dụng ngân sách theo lộ trình tính giá dịch vụ y tế, giảm chi cho các bệnh viện, bổ sung cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, an toàn thực phẩm…

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao các kết quả ngành y tế tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong thời gian qua, công tác khám chữa bệnh có nhiều chuyển biến rõ rệt, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Ghi nhận một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh về vấn đề nhân lực, tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng…, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh cần thực hiện tốt đề án phát triển nhân lực, có sự luân chuyển cán bộ hợp lý nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn cho mạng lưới y tế cơ sở, góp phần giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên.

Qua thăm hỏi, khảo sát những tâm tư, mong muốn chính đáng của người dân tại Trạm y tế xã Yên Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thời gian tới sẽ tăng cường điều động, cử các bác sỹ tuyến trên về tuyến dưới nhiều hơn, để người dân dễ dàng tiếp cận y tế chất lượng cao, phát hiện sớm các bệnh tật để tăng hiệu quả điều trị, tiết kiệm chi phí cho người dân./.

Thùy Giang (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/bo-truong-bo-y-te-benh-vien-tuyen-tinh-lieu-co-tham-bat-bo-mam/581192.vnp