Bộ trưởng Bộ Xây dựng: 'Số lượng công trình vi phạm trật tự xây dựng vẫn cao'

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đã giảm qua từng năm nhưng số lượng công trình vi phạm trật tự xây dựng vẫn cao.

Vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn ở mức cao

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chiều 4/6 trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) yêu cầu Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chỉ ra trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc quản lý trật tự đô thị.

 Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Phạm Hồng Hà.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Phạm Hồng Hà.

Đồng thời, cũng yêu cầu Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chỉ ra trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc quản lý trật tự đô thị đối với tòa nhà 8B Lê Trực và tổ hợp HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội). Ông Hồng yêu cầu Bộ trưởng cam kết thời gian xử lý dứt điểm.

Trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) về những vi phạm trật tự xây dựng còn khá phổ biến, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, về trật tự xây dựng, pháp luật đã tương đối đầy đủ.

“Về quản lý trật tự xây dựng, chúng ta có nhiều cố gắng để giám sát, quản lý, hạn chế tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, tuy nhiên đã có chuyển biến theo chiều hướng vi phạm giảm dần, nhất là hành vi xây dựng sai phép, không phép. Tuy nhiên, vẫn còn ở mức cao, gây lệch lạc trong hoạt động xây dựng, và bức xúc của cử tri”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Bộ trưởng Xây dựng cho hay năm 2016 có 15.593 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, công trình không phép là 7.038, sai phép là 5.164 công trình, vi phạm khác là 3.181 công trình. Đến năm 2018, số lượng công trình sai phạm đã giảm còn 10.608. Tuy nhiên, ông Hà thừa nhận số lượng công trình vi phạm trật tự xây dựng vẫn cao.

Bộ trưởng Hà cũng cho biết, tồn tại là quy định quản lý “tuy rằng cơ bản đủ, nhưng một số nội dung còn bất cập, quy trình còn phức tạp, thiếu khả thi, chưa đồng bộ”.

“Số lượng vi phạm trật tự xây dựng đã giảm qua từng năm. Nguyên nhân do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, mô hình thanh tra xây dựng chưa hợp lý. Một bộ phận thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực, nhiều bộ phận chậm phát hiện nhưng xử lý chưa kịp thời, chưa kiên quyết, triệt để… Ý thức chấp hành pháp luật một số tổ chức, doanh nghiệp người dân chưa tốt. Nhiều trường hợp nhắc nhở nhưng cố tình vi phạm.

Giải pháp xử lý vi phạm hành chính, vi phạm trật tự xây dựng, tổ chức mô hình thanh tra đô thị phù hợp hơn trong thực hiện, hiện có hai cấp thanh tra ở đô thị của bộ và sở, hiện nay đang thí điểm mô hình quản lý trật tự xây dựng ở các quận, từ đó có đánh giá và rút ra kinh nghiệm.

Bộ trưởng trả lời chất vấn cho thấy sự “lúng túng”

Về trách nhiệm của Bộ Xây dựng với TP Hà Nội về vi phạm xảy ra ở công trình nhà 8B Lê Trực và chung cư HH Linh Đàm, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, hai vụ việc này thuộc trách nhiệm xử lý của Hà Nội, và theo thông tin được biết đang thực hiện cưỡng chế, phá dỡ vi phạm theo giấy phép.

“Phá dỡ theo chiều ngang thì làm rồi, nhưng theo chiều dọc thì liên quan đến kết cấu, tính khả năng, chịu đựng của công trình, thì nếu cần Bộ sẽ có giúp đỡ với Hà Nội đưa ra phương án phá dỡ tốt hơn. Còn chung cư HH Linh Đàm vi phạm có rồi, trách nhiệm xử lý của Hà Nội không phải của Bộ Xây dựng”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Tuy nhiên, ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng Xây dựng, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng tranh luận lại và cho biết: “Khi trả lời câu hỏi của tôi, thấy sự lúng túng của Bộ rất rõ".

“Bộ có nói nếu Hà Nội yêu cầu thì mới phối hợp - đó là chưa đúng với vị trí của cơ quan quản lý nhà nước. Hay, vấn đề chung cư HH Linh Đàm đã có sai phạm rồi thì xử lý. Vấn đề đặt ra là chúng tôi và cử tri muốn biết bao giờ xử lý được sai phạm này?” – Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng hỏi Bộ trưởng Hà.

Đại biểu Hồng cho rằng, qua trả lời của Bộ trưởng thấy rằng hầu như trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương và ở đây thuộc trách nhiệm của Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương). Ảnh: VGP

“Trong thảo luận ở tổ, nhiều lãnh đạo địa phương phản ánh, việc các Bộ tham mưu cho Chính phủ giải quyết những vấn đề khó khăn của địa phương rất yếu. Có khó mới hỏi các Bộ nhưng các Bộ lại cứ trích dẫn văn bản pháp luật, thậm chí còn gây khó hơn cho địa phương. Tôi đề nghị Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời với cử tri và Quốc hội cam kết việc xử lý tòa nhà 8B Lê Trực và HH Linh Đàm", Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nói thêm.

Trả lời thêm đại biểu Hồng, Bộ trưởng Xây dựng cho biết, đối với công trình 8B Lê Trực, từ tháng 8/2017, Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc Hà Nội thực hiện việc này với yêu cầu nhanh chóng xử lý, đảm bảo an toàn kết cấu chịu lực của công trình.

“Cụ thể Bộ đã giao cho Cục Giám định Nhà nước cùng tham gia ý kiến với Sở Xây dựng Hà Nội để tham gia ý kiến với Sở Xây dựng đánh giá kết cấu chịu lực. Như tôi đã nói, Hà Nội có bất cứ yêu cầu gì Bộ sẽ sẵn sàng phối hợp để xử lý”- Bộ trưởng Hà nói.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/bo-truong-bo-xay-dung-so-luong-cong-trinh-vi-pham-trat-tu-xay-dung-van-cao-1232044.html