Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Phát triển dự án tràn lan, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà báo cáo với Quốc hội về việc nhiều dự án thường điều chỉnh quy hoạch chi tiết trong thời gian thực hiện, nội dung điều chỉnh chủ yếu là tăng số tầng cao, diện tích sàn, chia nhỏ căn hộ, thay đổi công năng... dẫn tới gia tăng dân số.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã có Báo cáo gửi các Đại biểu Quốc hội về việc tăng cường công tác xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị...

Phát triển dự án tràn lan

Theo người đứng đầu Bộ Xây dựng, các hoạt động đầu tư phát triển đô thị đã từng bước được điều chỉnh theo quy định, bước đầu đảm bảo dự án thực hiện theo quy hoạch và kế hoạch, có sự kiểm soát thống nhất từ Trung ương đến địa phương, chủ đầu tư và người dân ủng hộ, tuân thủ, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị. Tình trạng phát triển đô thị theo dự án tràn lan, tự phát, không theo quy hoạch, kế hoạch phổ biến trước đó đã được hạn chế, khắc phục từng bước.

Công tác lập, phê duyệt quy hoạch đô thị chưa kịp thời, đồng bộ theo quy định. Cụ thể: quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, thiết kế đô thị...

Tình trạng phát triển đô thị theo dự án tràn lan, tự phát, không theo quy hoạch...

Tình trạng phát triển đô thị theo dự án tràn lan, tự phát, không theo quy hoạch...

Sau khi quy hoạch chung được duyệt, một số quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch phân khu, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc được lập, phê duyệt và ban hành không kịp thời gây ảnh hưởng tới tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư xây dựng. Một số khu vực lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết khi chưa có quy hoạch phân khu dẫn tới thiếu kết nối hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án.

Chất lượng một số đồ án quy hoạch còn chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tế quản lý và phát triển đô thị. Một số đồ án quy hoạch còn thiếu tính khoa học và chưa khả thi. Thời gian lập đồ án thường kéo dài so với quy định, chưa giải quyết kịp thời một số vấn đề vướng mắc trong công tác quản lý, phát triển đô thị.

Trong quá trình thẩm định quy hoạch, sự phối giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan (ở Trung ương cũng như địa phương) còn thiếu nhịp nhàng, chặt chẽ. Việc tham gia góp ý của các bên liên quan còn chưa được quan tâm đúng mức, nội dung còn chung chung, chưa thực sự đóng góp cho việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch.

Điều chỉnh quy hoạch tùy tiện

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tại một số dự án còn tùy tiện, có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất; giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật và diễn ra tại các thành phố lớn, có sức hấp dẫn và thu hút đầu tư cao.

Các dự án thường điều chỉnh quy hoạch chi tiết trong thời gian thực hiện, nội dung điều chỉnh chủ yếu là tăng số tầng cao, diện tích sàn, chia nhỏ căn hộ, thay đổi công năng... dẫn tới gia tăng dân số.

Ở một số địa phương, việc điều chỉnh cục bộ không được nghiên cứu một cách đồng bộ với quy hoạch phân khu, dẫn đến một số quy hoạch phân khu bị phá vỡ, các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị không đảm bảo, đặc biệt tại khu vực đô thị trung tâm.

Đất nhà máy sau di dời thành chung cư

Việc cụ thể hóa, thực hiện các định hướng, chủ trương của quy hoạch chung đã được phê duyệt chưa được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là chủ trương về di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành TP Hà Nội, TP.HCM triển khai chậm.

Quỹ đất sau khi di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi khu vực nội thành phần lớn được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, chưa tuân thủ theo đúng định hướng quy hoạch chung, gây gia tăng áp lực về dân số và quá tải về hạ tầng tại khu vực nội thành.

Nguyên nhân do công tác di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn. Nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn nhân lực (cơ chế chính sách, sử dụng quỹ đất sau khi di dời, hình thức huy động nguồn lực, phối hợp các cơ quan liên quan). Các quy hoạch chuyên ngành chưa hoàn thành nên chưa có cơ sở xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời các cơ sở ra khỏi khu vực nội thành.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, tại một số địa phương, triển khai thực hiện công tác phát triển đô thị còn chưa thực sự gắn kết với các chính sách, chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, còn thiếu đồng bộ các công cụ quản lý phát triển đô thị từ quy hoạch xây dựng, chương trình phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị đã dẫn đến những khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện các dự án phát triển đô thị. Công tác báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý phát triển đô thị của các địa phương còn chưa chủ động, đầy đủ.

Việc tổ chức triển khai thực hiện quản lý phát triển đô thị tại nhiều nơi còn chưa nghiêm, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đô thị còn thiếu và yếu. Nhiều địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực phát triển đô thị, lúng túng trong công tác tổ chức thực hiện và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch.

Trần Kháng

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/bo-truong-bo-xay-dung-phat-trien-du-an-tran-lan-dieu-chinh-quy-hoach-tuy-tien-25686.html