BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP LÊ THÀNH LONG GIẢI TRÌNH, LÀM RÕ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI QUAN TÂM

Chiều 21/5, sau khi các đại biểu Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Trân trọng cảm ơn các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Dự án Luật trước khi các đại biểu nhấn nút thông qua Dự án Luật tại Kỳ họp này.

Đối với một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng giải trình, làm rõ như sau:

Về hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Dự án Luật sửa đổi Khoản 3, Điều 8 quy định rằng đối với trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì không cần có Phiếu lý lịch tư pháp". Theo Bộ trưởng, hồ sơ lý lịch của những trường hợp này đã được cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước, nắm rõ lý lịch gốc. Do đó, vấn đề này được quy định nhằm giảm bớt những thủ tục, tiết kiệm thời gian.

Về các vấn đề liên quan đến chi phí và phí, Bộ trưởng cho biết nếu chuyển sang quy định là phí thì đây là một vấn đề liên quan tương đối nhiều luật, phải sửa đổi một số Luật hiện hành, hơn nữa quy định là chi phí thì đảm bảo sự phù hợp hơn. Theo đó, Dự án Luật chỉ tập trung vào một số điều về chi phí giám định tư pháp, cụ thể người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có trách nhiệm trả chi phí giám định tư pháp cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp theo quy định của pháp luật về chi phí giám định tư pháp. Đồng thời Dự án Luật quy định rõ hơn rằng kinh phí thanh toán chi phí giám định mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm chi trả được bảo đảm từ ngân sách nhà nước theo dự toán hằng năm của cơ quan đó, được bố trí riêng để thực hiện nhiệm vụ giám định tư pháp. Việc quy định này cũng khắc phục một số vấn đề liên quan đến việc chậm trễ trong thanh toán các chi phí.

Về việc thành lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử, Bộ trưởng cho biết, nội dung này thiết kế theo đề xuất của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Viện đã có báo cáo đánh giá tác động gửi kèm Hồ sơ Dự án Luật.

Theo Bộ trưởng, quy định này là cần thiết để đẩy nhanh quá trình giám định, và chỉ thành lập tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao với phạm vi giám định về âm thanh, hình ảnh. Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, việc thành lập này không phình bộ máy, nếu có chỉ nhỉnh hơn một chút; đồng thời khả năng chi phí mua máy móc, thiết bị không cần dùng đến kinh phí ngân sách mà đã có một dự án đầu tư cho vấn đề này.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, đối với một số vấn đề khác mà các đại biểu đã đóng góp ý kiến, các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp thu một cách tối đa, rà soát toàn bộ để hoàn thiện Dự án Luật, đảm bảo cho việc tiến hành biểu quyết thông qua./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=45743