Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn: Mạng xã hội không xấu, quan trọng là ý thức của người dùng

Từ 10h20' sáng 17-11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn bắt đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội về nhiều nhóm vấn đề, trong đó có giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội; định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.

Bộ trưởng nắm chắc tình hình, trả lời thẳng thắn

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn đã có 55 đại biểu đăng ký chất vấn, 9 đại biểu tham gia tranh luận và còn 24 đại biểu chưa chất vấn, 2 ý kiến tranh luận.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT.

Cùng tham gia trả lời chất vấn với Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giải trình làm rõ thêm nhiều vấn đề có liên quan.

Các đại biểu đặt câu hỏi thẳng thắn, hỏi rõ, đúng vấn đề. Bộ trưởng đã nắm chắc tình hình, thực trạng, trả lời thẳng thắn, làm rõ các vấn đề đại biểu nêu. Phần trả lời của Bộ trưởng cơ bản nhận được sự hài lòng của các ĐBQH.

Có thể thấy các vấn đề thuộc nhóm vấn đề chất vấn đối với Bộ trưởng đều là những vấn đề quan trọng và rất rộng, liên quan trực tiếp đến hoạt động của các cơ quan nhà nước, môi trường xã hội và đời sống nhân dân. Do đó, nhận được sự quan tâm của nhiều ĐBQH.

Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, trong lĩnh vực TT-TT mặc dù còn một số tồn tại, hạn chế nhưng Chính phủ, Bộ TT-TT, các bộ, ngành liên quan đã tích cực có các giải pháp, đề án, chương trình để triển khai cụ thể, chủ động trong xử lý các sai phạm, bước đầu có kết quả. So với yêu cầu thực tế thì còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục triển khai, đòi hỏi phải nỗ lực, quyết liệt hơn nữa thì mới có thể chuyển biến tích cực.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực đã được chất vấn, tập trung vào một số vấn đề như: tích cực triển khai chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020; quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng để phát triển CPĐT, bảo đảm liên thông, đồng bộ, an toàn an ninh mạng...

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu triển khai quy định của Luật Báo chí 2016, khẩn trương sắp xếp hệ thống báo chí gắn với mô hình tổ chức, sớm ban hành và triển khai đề án quy hoạch, phát triển báo chí đến năm 2025; Làm tốt công tác quản lý báo chí, chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm khách quan, chính xác; Tăng cường các biện pháp để phát huy vai trò nòng cốt của báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, góp phần ngăn chặn thông tin xấu, độc hại; Triển khai đầy đủ quy định về đạo đức người làm báo; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí; Rà soát chính sách pháp luật trong dịch vụ truyền thông, tăng cường công tác quản lý việc liên kết, xã hội hóa các chương trình giải trí trên hệ thống phát thanh, truyền hình...

Thắt chặt quản lý thuê bao di động trả trước và khắc phục tình trạng sim rác; Chủ động cung cấp thông tin và tuyên truyền văn hóa nhằm xây dựng xã hội lành mạnh, tốt đẹp, tăng cường kiểm soát thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội.

Bộ TT-TT chưa quyết liệt trong việc nhắc nhở các đơn vị hoàn thành báo cáo về ứng dụng CNTT

Thông tin tới đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) sau phát biểu tranh luận, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu, Luật An toàn thông tin mạng và Dự thảo Luật An ninh mạng có điểm trùng lặp liên quan.

Trong quá trình soạn thảo Dự thảo Luật An ninh mạng, Ban soạn thảo đã rà soát để loại bỏ những điểm trùng lặp. Những nội dung mà Luật An toàn thông tin mạng chưa đề cập đến được đưa vào Dự thảo Luật An ninh mạng. Luật An ninh mạng không chỉ quy định về mặt kỹ thuật mà còn bảo đảm an ninh quốc gia trên không gian mạng.

Thông tin đến các đại biểu về việc Mobifone mua AVG, Bộ trưởng cho biết, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra toàn diện dự án từ tháng 9-2016 đến nay. Trong quá trình xây dựng kết luận thanh tra, Chính phủ đã chỉ đạo sớm có kết luận để duy trì sản xuất kinh doanh ổn định của một doanh nghiệp lớn. Bộ TT-TT đã có văn bản kiến nghị sớm có kết luận thanh tra. Đến nay, Bộ vẫn chưa nhận được kết luận thanh tra để tiếp thu, giải trình như quy định.

Về ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ đã ký tiếp lần thứ hai với Bộ Nội vụ về ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính. Tới đây, Chính phủ sẽ tổng kết Luật Công nghệ Thông tin để sửa đổi những nội dung cần thiết nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thời gian tới.

"Trong báo cáo số 4120 của Bộ có nêu một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm túc thực hiện kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ TT-TT về ứng dụng CNTT. Cụ thể, quý I có 2/8 bộ; quý II có 13/22 bộ và 27/63 tỉnh, thành phố; quý III có 19/30 bộ và 30/63 tỉnh, thành phố báo cáo đúng hạn, còn lại là chậm và không báo cáo. Liên quan đến vấn đề gay cấn này là bản thân chúng ta chưa làm tốt và chưa giữ vững kỷ cương trong công tác chỉ đạo, điều hành. Bộ trưởng cho biết đã tham mưu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để giữ gìn kỷ cương như thế nào?" - ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chất vấn.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết đã có báo cáo Thủ tướng để nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm. Bộ trưởng cũng thừa nhận Bộ chưa quyết liệt trong việc nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương hoàn thành báo cáo và sẽ thực hiện tốt hơn công việc này trong thời gian tới.

Xử lý trách nhiệm lãnh đạo các doanh nghiệp viễn thông phát tán tin nhắn rác

Đối với ý kiến của đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) về xử lý tình trạng sim rác, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, trước đây, cơ quan chức năng chỉ xử lý vi phạm của các đại lý nên tình trạng sim rác không được giải quyết triệt để. Theo quy định mới, dù đại lý ở đâu thì trách nhiệm của doanh nghiệp vẫn là chính, các doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về thông tin thuê bao.

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã xử lý trách nhiệm của lãnh đạo VNPT, tới đây là lãnh đạo Mobifone về việc để phát tán tin nhắn rác, nhằm tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi".

Còn có "hội chứng" cục bộ, dữ liệu nhiều nhưng không chia sẻ

Thông tin thêm về một số nội dung mà đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ về xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT); báo chí, mạng xã hội và an toàn thông tin.

Trong xây dựng CPĐT, Phó Thủ tướng cho biết, dù đã tích cực, cố gắng nhưng năm 2016, Việt Nam đứng ở vị trí 89 trên thế giới. Trên cả 3 tiêu chí về hạ tầng, nguồn nhân lực và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Việt Nam đều có hạn chế và cần phải làm tốt hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Tính đến tháng 7-2017, Việt Nam có 109.644 dịch vụ công, trong đó 95% từ cấp tỉnh trở xuống và 5% ở cấp bộ. Dù đã giao kế hoạch cụ thể nhưng đến tháng 7-2017, trung bình chỉ có 1% số dịch vụ công được cung cấp ở mức độ 4 (tức có kèm thanh toán); 5% ở cấp độ 3 (thanh toán trực tiếp). Ở các bộ, con số này ít hơn và tùy vào tính chất công việc. Chính phủ và Thủ tướng đã rất quyết liệt giao nhiệm vụ cho từng bộ, yêu cầu đưa ra số liệu cụ thể về dịch vụ công cung cấp ở mức độ 4.

"Có tâm lý ngại dùng công nghệ hiện đại nên không giỏi, dẫn đến bị mất quyền kiểm soát. Còn một bộ phận ngại công khai minh bạch, sợ ứng dụng CNTT thì coi như bị giám sát. Ngoài ra, còn có hội chứng cục bộ, dữ liệu nhiều nhưng không ai chịu chia sẻ, liên thông hoặc muốn tự mình làm hết" - Phó Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ những bất cập trong ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT hiện nay.

Về an toàn an ninh thông tin, Phó Thủ tướng cho biết, mức ứng dụng CNTT của Việt Nam hiện ở vị trí 80 trên thế giới - mức trung bình, nhưng an toàn thông tin của nước ta lại ở mức trung bình yếu, đứng thứ 100 trên thế giới, trong đó, một số chỉ số liên quan đến ý thức và hành vi của người dùng thuộc loại yếu nhất trên thế giới, như chỉ số phát tán thư rác. Nguyên nhân là do các tổ chức, cá nhân chưa nhận thức rõ nguy cơ mất an toàn an ninh thông tin; lực lượng được đào tạo chuyên sâu về an toàn an ninh ít. Việt Nam có 500 cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước, trong khi con số này ở Trung Quốc là 40.000 người, ở Mỹ và Đức là 15.000 - 20.000 người.

"Người dân về cơ bản "dễ dãi", không nhận thức được nguy cơ mất an toàn an ninh thông tin. Đây là điều đáng báo động nhất cho an toàn an ninh thông tin tại Việt Nam" - Phó Thủ tướng nhận định.

Để bảo vệ chủ quyền quốc gia về không gian mạng, an toàn an ninh thông tin, theo Phó Thủ tướng, phải chuẩn bị công cụ, lực lượng; xây dựng hệ thống cảnh giới có khả năng phản ứng tức thời với sự cố; khi sự cố xảy ra phải có khả năng ứng phó, đánh lại virus, khôi phục được trạng thái ban đầu và truy được trách nhiệm, dấu vết của tội phạm trên mạng...

"Để ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT, các bộ, ngành, địa phương phải cùng làm và làm trên tinh thần đi thuê, không nên tự làm và không nên lập cơ sở dữ liệu riêng biệt, gây lãng phí thời gian và kinh phí. Ví vụ, trong điều tra dân số, lần điều tra vào năm 2019 tới đây có thể sẽ là lần điều tra cuối cùng, sau đó, dữ liệu này sẽ được cập nhật hằng tháng để trở thành cơ cơ sở dữ liệu sống" - Phó Thủ tướng nói.

Về mạng xã hội, theo Phó Thủ tướng, hiện nay thế giới có 7,5 tỷ người, trong đó 52% đã dùng mạng internet, 42% dùng mạng xã hội. Ở Việt Nam, 67% dân số dùng internet và 60% dùng mạng xã hội nhưng chủ yếu do các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ.

"Chúng ta phải có thái độ kiên quyết hơn, có công cụ pháp luật, cố gắng tạo ra các nhà cung cấp khác để tránh độc quyền" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Chưa xử lý được hết sim rác

Về việc quản lý sim rác, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ đã yêu cầu xử lý lại những thuê bao không có danh tính, yêu cầu các chủ thuê bao đến đăng ký lại, tăng cường xử lý sim kích hoạt sẵn trên hệ thống...

“Trong 1 năm, chúng ta thu hồi hơn 30 triệu sim, lượng sim rác giảm rõ rệt. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa xử lý được hết được. Hiện nay, dân số nước ta là 93 triệu dân nhưng có khoảng 130 triệu sim, chưa kể thực tế người dùng chỉ là 70 – 75%. Điều đó cho thấy lượng sim rác rất lớn. Chúng tôi yêu cầu các nhà mạng kiên quyết xử lý sim rác, một biện pháp khác là các nhà mạng phải mua chéo lẫn nhau để hạn chế sim dư thừa”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời.

Liên quan đến chuyển đổi mã vùng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, độ dài liên số đều thống nhất là 11 chữ số. Các tỉnh, TP liền kề được gom chung thành 1 mã, ví dụ mã 20 là dành cho các tỉnh Đông Bắc. Việc làm này đã giúp giảm từ 63 mã vùng xuống còn 10 mã vùng. Người dân khi sử dụng mã vùng này được hưởng lợi vì trong cùng nhóm mã vùng, người dùng sẽ chia sẻ việc chi trả nội hạt thay vì chi trả theo mã tỉnh như trước kia.

Bộ trưởng Bộ TT-TT cũng khẳng định, thời gian tới, khi thực hiện cuộc cách mạng 4.0, phát triển từ 4G thành 5G, việc dồn số sẽ giúp có được “ngân hàng số” phong phú, từ đó việc thực hiện quy hoạch viễn thông sẽ được cải thiện.

Nhiều nội dung trên mạng tác động tiêu cực đến trẻ em

Nhiều đại biểu nêu về sự ảnh hưởng của internet đối với trẻ em. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Tùy mục đích sử dụng mà môi trường internet trở nên tích cực hay tiêu cực. Trong môi trường internet, trẻ em có thể học tập, giao lưu, kết bạn. Tuy nhiên, nếu sử dụng sai mục đích thì môi trường internet lại có tác động tiêu cực đối với trẻ em. Internet càng phát triển thì càng phản ánh các đặc trưng của xã hội ảo - một xã hội rất phức tạp, tinh vi và khó kiểm soát hơn xã hội thật. Nhiều nội dung có tính chất bạo lực, không lành mạnh đối với trẻ em như đồi trụy, lừa đảo, quấy rối... trong khi trẻ em là đối tượng còn hạn chế về nhận thức, dễ bị ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sự phát triển toàn diện. Một số hành vi dễ gây tổn thương đến sức khỏe và tâm lý của trẻ em như phát tán những sản phẩm văn hóa độc hại, lợi dụng các trang mạng xã hội, các diễn đàn giao lưu kết bạn để lôi kéo trẻ em.

Trước thực trạng này, Bộ TT&TT đã có nhiều giải pháp để khắc phục: Ngoài Luật trẻ em, Bộ đang tập trung hoàn thiện văn bản liên quan đến thông tin truyền thông và xử lý nghiêm các vi phạm trên internet như: Xây dựng quy định giúp gia đình quản lý trẻ em khi sử dụng máy tính, truy cập internet; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để giúp thanh thiếu niên nâng cao nhận thức…

Trong trường hợp các chương trình không phù hợp với thiếu nhi, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, trước khi các chương trình này được trình chiếu thường có khuyến cáo đối với trẻ em. "Chúng ta đã có chương trình chuyên biệt dành riêng cho thiếu nhi, nhưng đôi khi các chương trình phát trên truyền hình không thể phân biệt được nên có những bộ phim không phù hợp với trẻ em. Như vậy, cần có các biện pháp tuyên truyền để gia đình can thiệp" - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Đối với các chương trình văn nghệ giải trí, ca nhạc xuất hiện nhiều hình ảnh ăn mặc, biểu diễn không phù hợp, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh: Trước hết là các đài truyền hình phải phối hợp với Bộ VH,TT&DL đưa ra quy định về trang phục khi lên sân khấu biểu diễn; khuyến khích các nhà đài trình chiếu các chương trình hay, phù hợp lứa tuổi trẻ em, tăng thời lượng cho các chương trình khoa giáo phổ biến kiến thức, giảm thời lượng các chương trình không phù hợp...

27 cuộc tấn công có chủ đích vào hệ thống máy tại APEC

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) về bảo đảm an toàn thông tin trên mạng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, gần đây, trên phạm vi toàn cầu, các cuộc tấn công mạng tăng về quy mô và tính chất phức tạp.

Các quốc gia lớn không thoát khỏi tác động này và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tính đến tháng 10-2017, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 11.000 cuộc tấn công mạng dưới các hình thức khác nhau. Tại APEC vừa qua, đã phát hiện 27 cuộc tấn công có chủ đích vào hệ thống máy tính đặt tại đây.

Về nguyên tắc, không có hệ thống thông tin nào là an toàn tuyệt đối trong một thời gian dài. Vì vậy, công tác bảo đảm an toàn thông tin là thường xuyên và liên tục.

Bộ trưởng cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế hiện nay là 41% cơ quan, tổ chức không thực hiện đánh giá rủi ro về an toàn thông tin, nên không phát hiện ra lỗ hổng, mã độc; 51% cơ quan, tổ chức chưa có quy trình thao tác chuẩn để phản hồi hoặc xử lý khi xảy ra sự cố; 73% cơ quan, tổ chức chưa triển khai áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin theo chuẩn trong nước và quốc tế.

Thời gian qua, Bộ TT-TT đã trình Chính phủ một số đề án lớn, như nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực, thí điểm cơ chế đặc thù về tài chính cho nhân lực chuyên về công tác an toàn thông tin tại các cơ quan nhà nước.

Triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn thông tin xấu

Với các chất vấn của đại biểu về thông tin bôi xấu trên mạng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Thời gian qua, Bộ TT&TT đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để tăng cường quản lý các nội dung, thông tin trên mạng và đấu tranh ngăn chặn thông tin xấu, độc. Bộ cũng đã tham mưu để sửa đổi một số nội dung trong Luật An toàn thông tin mạng được Quốc hội ban hành năm 2015; trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 72/2015/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; sửa đổi Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông... Trong các nội dung sửa đổi này, mức phạt đã được nâng lên cao hơn so với trước đây.

Bộ cũng đã tăng cường xử lý những đối tượng có hành vi sai trái, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội, nhưng những người bị xâm hại cũng phải lên tiếng, chứ Bộ không thể rà soát toàn bộ 52 triệu người dùng mạng xã hội. Từ năm 2016 đến nay, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường quản lý, kiểm tra trong trường hợp xác định được nhân thân của đối tượng cung cấp thông tin vi phạm các quy định hiện hành, tùy theo mức độ để xử lý. Có những trường hợp Bộ phải phối hợp với Bộ Công an cùng xử lý.

Trong trường hợp không xác định được nhân thân của đối tượng vi phạm, Bộ sẽ gửi yêu cầu tới các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ngăn chặn, gỡ bỏ và xử lý theo Thông tư 38. Các cơ quan chức năng của Bộ cũng đã sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để xử lý nguồn phát tán, thông tin sai lệch, xuyên tạc, phản cảm…

Kiên quyết sắp xếp lại những cơ quan báo chí không hoạt động đúng tôn chỉ mục đích

Trả lời đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) về giải pháp của Bộ TT-TT trước tình trạng lợi dụng tự do báo chí, tự do dân chủ để có hành vi xâm phạm lợi ích nhà nước, lợi ích chính đáng của công dân, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: "Tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền hợp pháp được pháp luật quy định. Đây cũng là một trong những quyền bị các thế lực thù địch xuyên tạc nhiều nhất, công kích nhiều nhất".

Hiện nay, luật pháp Việt Nam không cho phép kinh doanh báo chí tư nhân, cá nhân không được ra báo. Tuy nhiên, các cá nhân có thể tập hợp thành những tổ chức xã hội tự nguyện, hoạt động phi lợi nhuận và trong trường hợp này được phép ra báo. Mọi công dân, nhà báo đều được bày tỏ quan điểm của mình trong các bài báo.

Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT&TT đưa ra giải pháp để chấn chính tình trạng lợi dụng tự do báo chí, tự do dân chủ như sau: Rà soát hệ thống pháp luật liên quan, đề ra các chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa và răn đe; trên cơ sở quy hoạch báo chí, rà soát lại hệ thống báo chí đang hoạt động để từ đó kiên quyết sắp xếp lại những cơ quan báo chí không hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích...

Xây dựng cơ sở hạ tầng chính phủ điện tử quan trọng không kém xây đường cao tốc

Trước chất vấn của các đại biểu về xây dựng cơ sở hạ tầng chính phủ điện tử, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, đây là một trong những nội dung được ưu tiên không kém xây dựng đường cao tốc, đóng vai trò rất quan trọng trong ứng dụng CNTT và xây dựng chính phủ điện tử.

"CNTT phải là hạ tầng của hạ tầng, nền tảng của nền tảng trong ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo luật CNTT năm 2016, cơ sở hạ tầng CNTT gồm 2 thành phần chính là hạ tầng kỹ thuật và cơ sở dữ liệu, trong đó cơ sở dữ liệu càng được khai thác thì giá trị càng được nâng cao" - Bộ trưởng khẳng định.

Về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Singapore cho thấy, nhu cầu hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia là yêu cầu rất lớn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tài chính, bảo hiểm, thống kê và tổng hợp dân số, đất đai quốc gia và đăng ký doanh nghiệp. Hiện các bộ, ngành liên quan đang tích cực xây dựng các cơ sở dữ liệu này.

Qua kiểm tra, mới chỉ có cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cơ bản hình thành. Các cơ sở dữ liệu khác đang được triển khai và chưa hình thành đúng nghĩa là cơ sở dữ liệu quốc gia. Bộ TT-TT sẽ tiếp tục đôn đốc việc xây dựng các cơ sở dữ liệu này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Không né tránh xử lý các vi phạm trên mạng xã hội

Trả lời chất vấn của đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, thông tin mạng xã hội không lấn lướt thông tin báo chí nhưng tốc độ truyền tin lớn, nhanh. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đa số người dân vẫn tin vào sự trung thực của thông tin báo chí.

"Không riêng gì nước ta mà hầu hết các nước trên thế giới đều gặp vấn đề này. Trong hoàn cảnh cụ thể của nước ta, mạng xã hội được phổ cập nhanh chóng trong khi hệ thống pháp luật đang hoàn thiện nên còn lúng túng trong xử lý vấn đề. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước không né tránh. Đây là những rủi ro cần khắc phục đồng bộ bằng các giải pháp của một nhà nước pháp quyền. Luật pháp nước ta có đủ cơ sở để điều chỉnh các hành vi vi phạm trên mạng xã hội, nhất là người dùng có danh tính, địa chỉ cụ thể. Những hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị khởi kiện ra tòa án dân sự" - Bộ trưởng khẳng định.

Đối với người dùng mạng xã hội nặc danh, cơ quan quản lý nhà nước đang làm việc với các nhà mạng đề nghị hợp tác. Sự hợp tác bước đầu có kết quả khả quan, như đã gỡ được 5.000 clip trên Youtube.

Để cạnh tranh được Facebook và Youtube, Việt Nam cần xây dựng dịch vụ “4 nhà”

Mở đầu phiên chất vấn buổi chiều, trả lời đại biệu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) về việc kiểm soát các mạng xã hội nước ngoài, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: "Facebook và Google là mạng xã hội lớn có ảnh hưởng toàn cầu. Việc làm thế nào để kiểm soát hai mạng xã hội này là vấn đề không chỉ của Việt Nam, mà là vấn đề toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng mong muốn xây dựng mạng xã hội để cạnh tranh với Facebook và Goolge".

Việt Nam cũng có mạng xã hội, nhưng được một thời gian thì những mạng xã hội này cũng đóng cửa. Hiện nay, Zing Me vẫn tồn tại nhưng mạng xã hội này ngày càng lạc hậu, số người dùng thấp và chuyển sang dịch vụ Zalo. Zalo hiện là mạng xã hội có người Việt Nam sử dụng nhiều nhất sau Facebook và Youtube.

Bộ trưởng Bộ TT-TT cũng cho rằng, để phát triển mạng xã hội Việt Nam, các nhà quản lý cần thực hiện ưu tiên đồng bộ nhiều lĩnh vực như: giảm thủ tục hành chính, thuế…, từ đó ta mới hình thành được hệ sinh thái số lớn mạnh ở Việt Nam, lúc đó mới có cơ sở để tin tưởng các doanh nghệp Việt Nam xây dựng được những dịch vụ cạnh tranh với Facebook và Youtube.

Mặt khác, để xây dựng được hệ sinh thái số, Việt Nam cần phải xây dựng dịch vụ “4 nhà”: Nhà mạng viễn thông, nhà mạng xã hội trong nước, nhà quảng cáo dịch vụ, nhà phát triển nội dung trong nước.

Đúng 11h30, Quốc hội nghỉ trưa. 14h chiều nay, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn.

Năm 2016, gỡ bỏ 5.000 clip nội dung xấu trên Youtube

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) về giải pháp quản lý thông tin bôi nhọ gây ảnh hưởng không tốt đến Đảng và Nhà nước, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Việt Nam đang đi đầu trong ứng dụng CNTT, đặc biệt, giới trẻ rất giỏi ứng dụng CNTT. Mạng xã hội khi ra đời đã mang lại nhiều tiện ích cho con người, làm mọi người xích lại gần nhau; kiến thức đồ sộ của mạng xã hội khiến nhiều người thích vào tìm kiếm thông tin… Lợi ích của khoa học - công nghệ, internet, mạng xã hội không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, tác hại của mạng xã hội mang lại cũng không nhỏ. Những thông tin bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm, đời tư, kích động bạo lực, chia rẽ dân tộc, tôn giáo ngày càng nhiều… Bộ trưởng nhận định, cần phải nhìn nhận, mạng xã hội là phương tiện sử dụng của người dùng. Mạng xã hội không xấu mà quan trọng là ý thức của người dùng như thế nào. Ở Việt Nam có khoảng 53 triệu người dùng facebook, khoảng 70% dân số dùng internet. Năng lượng xấu của một bộ phận người sử dụng đã ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng mạng xã hội như việc "ném đá", nói xấu nhau. Từ năm 2014 đến nay, 5-6 người đã tự tử vì bị bôi xấu trên mạng xã hội.

Trước những mặt trái của mạng xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý, như làm việc với nhiều cơ quan để tăng năng lượng tốt, giảm năng lượng xấu; kết hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tăng cường tuyên truyền những lợi ích của mạng xã hội; làm việc với các mạng xã hội nước ngoài như facebook, google để yêu cầu các đơn vị này tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như luật pháp Việt Nam. Trong năm vừa qua, Bộ đã gỡ bỏ 5.000 clip trên Youtube xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, nhân dân; tăng cường đẩy mạnh thông tin tích cực trên báo chí để đẩy lùi thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.

Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ban, ngành để quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng

Trả lời đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) về tình trạng quảng cáo tràn lan thuốc, cơ sở chữa bệnh trên mạng, trong khi hiệu quả điều trị chưa được kiểm chứng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, hiện nay, các quy định liên quan đến quảng cáo trên truyền hình đã được điều chỉnh bởi Luật Quảng cáo; một số điều được quy định ở Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Tuy nhiên, thời gian qua, ở nước ta xuất hiện tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng internet, đặc biệt là mạng xã hội, để đăng tải những thông tin không chính thống bao gồm quảng cáo các mặt hàng, kể cả mặt hàng bị cấm, hàng giả, hàng nhái, sản phẩm liên quan tới sức khỏe người tiêu dùng như dược phẩm, mỹ phẩm… có nội dung quảng cáo không đúng với chất lượng của sản phẩm. Khi phát hiện, Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý, gỡ bỏ khoảng 400 đường link rao bán quảng cáo sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp. Bộ cũng đã tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành như phối hợp với Bộ Y tế thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quá trình sản xuất các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như xây dựng chính sách đối với các vi phạm pháp luật, trong đó có xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 72/2013; phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, Bộ Công an… tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh, quảng cáo trên mạng xã hội, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để thông tin tuyên truyền đến nhân dân.

Vi phạm trong các chương trình truyền hình thương mại, liên kết giảm nhiều

"Có hay không truyền hình thương mại đang lấn lướt truyền hình công? Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thế nào để giữ vai trò của truyền hình công?". Trả lời chất vấn này của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, gần đây, hầu hết các đài phát thanh - truyền hình có quy trình hoạt động chuẩn mực hơn, nhằm chấn chỉnh việc xã hội hóa các chương trình truyền hình, tăng cường kiểm duyệt các chương trình liên kết. Vì vậy, chương trình truyền hình xã hội hóa, truyền hình thương mại liên kết có vi phạm đã giảm nhiều.

"Với vai trò của mình, Bộ thường xuyên tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý và đặc biệt đưa ra cơ chế là chương trình tự sản xuất phải chiếm trên 30%, các chương trình liên kết không được vượt quá 50% khung chương trình" - Bộ trưởng Bộ TT-TT nói.

Một số phóng viên thường trú tự cho mình "quyền lực thứ tư" để hù dọa doanh nghiệp, kêu gọi quảng cáo

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) nêu chất vấn về việc một số phóng viên, đặc biệt là phóng viên thường trú tại các địa phương hù dọa, tống tiền người dân, gây bức xúc trong xã hội.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá cao vai trò của các phóng viên thường trú, làm cho tờ báo có giá trị hơn bởi những bài viết hay, sâu sắc, phản ánh đầy đủ mọi mặt của địa phương. Tuy nhiên, gần đây có tình trạng phóng viên báo chí, nhất là phóng viên thường trú, vi phạm pháp luật, hù dọa doanh nghiệp. "Bộ TT-TT kiên quyết xử lý những trường hợp không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, như xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền, đình bản hoạt động, xử lý phóng viên. Tuy nhiên, gần đây vi phạm không giảm" - Bộ trưởng nói.

Nguyên nhân do các cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử, lựa chọn phóng viên thường trú không đủ tiêu chuẩn, thậm chí sử dụng phóng viên bị kỷ luật. Những phóng viên này sau đó chỉ đi tìm kẽ hở của địa phương để viết bài. Ngoài ra, một số phóng viên thường trú đã câu kết với một số cộng tác viên tạo thành nhóm tự cho mình "quyền lực thứ tư" để hù dọa doanh nghiệp, kêu gọi quảng cáo.

"Một số cơ quan báo chí tổ chức văn phòng thường trú không bảo đảm điều kiện nhất định, khoán trắng cho phóng viên phải tự đi kiếm sống và phải kêu gọi quảng cáo để nộp về cho tòa soạn. Nhiều doanh nghiệp sau khi bị gọi quảng cáo thì không dám đứng ra tố cáo vì 'được vạ thì má đã sưng', muốn nhịn cho yên lành" - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu thêm nguyên nhân.

Một trong những giải pháp được Bộ trưởng đưa ra là chính các cơ quan báo chí phải cử đúng người, phóng viên đủ năng lực, trình độ để tác nghiệp; tổ chức các văn phòng, cơ quan thường trú đủ điều kiện hoạt động.

Kiên quyết xử phạt việc cấp các loại giấy tờ gây nhầm tưởng là thẻ nhà báo

Trả lời câu hỏi của đại biểu Mông Văn Tình (Nghệ An) về giải pháp của Bộ TT-TT nhằm chấn chỉnh một số hạn chế, nhược điểm thời gian qua của báo chí như: thông tin sai sự thật, xuyên tạc, gây ảnh hướng tới uy tín nghề báo, ảnh hưởng cuộc sống người dân, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, đây là vấn đề nhức nhối. Vai trò của báo chí từ trước đến nay vẫn được khẳng định khi thông tin mọi mặt đời sống, đưa chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Bộ trưởng cho rằng, gần đây những sai phạm của báo chí là không ít, nhưng những sai phạm này không làm sai lệch dòng chảy chính của báo chí cách mạng hiện nay. Luật Báo chí 2016 khẳng định quyền tự do ngôn luận của báo chí nhưng cũng quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của báo chí. Việc đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật là hành vi bị cấm trong Luật. Bộ TT-TT vẫn thường xuyên theo dõi, quản lý những nội dung đăng tải trên báo chí và xử phạt nếu các cơ quan báo chí vi phạm.

Năm 2016, Bộ TT-TT đã xử lý vi phạm của gần 150 cơ quan báo chí. Có thời điểm, chỉ trong 1 tháng, Bộ đã xử lý hơn 70 cơ quan báo chí đưa tin sai sự thật.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết, trong các cuộc họp giao ban báo chí hằng tuần, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ TT-TT luôn nhắc nhở các cơ quan truyền thông đưa thông tin chính xác, kịp thời. Thời gian qua, Bộ TT-TT đã nghiêm túc rà soát nội dung trên báo chí, rà soát việc cấp thẻ báo chí, kiên quyết xử phạt việc cấp các loại giấy tờ gây nhầm tưởng là thẻ nhà báo. Ví dụ, năm 2016, nhiều cơ quan báo chí cấp thẻ phóng viên không đúng quy định, Bộ đã cương quyết thu hồi.

Các tỉnh, thành cung cấp hơn 14.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4

Trả lời chất vấn đầu tiên của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) về kết quả xây dựng chính phủ điện tử còn thấp, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cho biết, những năm qua, thực hiện Nghị quyết 36A của Chính phủ về xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT), chương trình quốc gia ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 và thực hiện kế hoạch cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ, hoạt động ứng dụng CNTT đã được đẩy mạnh ở các bộ, ngành. Tại một số lĩnh vực như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, CNTT đã mang lại hiệu quả cao, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn của các ĐBQH.

Các bộ, ngành đã cung cấp hơn 900 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Nhiều tỉnh, thành phố cung cấp hơn 14.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Thông qua dịch vụ công trực tuyến, người dân và doanh nghiệp giảm được nhiều thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Đã có trên 21 triệu hồ sơ trực tuyến bảo hiểm xã hội và trên 28 triệu hồ sơ trực tuyến từ các ngành khác, như ngành Ngoại giao có trên 1,6 triệu hồ sơ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư có gần 500.000 hồ sơ, Bộ Tư pháp có gần 300.000 hồ sơ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến của một số bộ, ngành có hạn chế nhất định. Hàng nghìn dịch vụ công trực tuyến được đưa ra nhưng chỉ để phục vụ văn thư lưu trữ mà chưa phát sinh hồ sơ thực hiện; một số hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu nền tảng phát triển CPĐT chậm được triển khai...

Nguyên nhân chủ yếu là người đứng đầu một số cơ quan nhà nước chưa thực sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng, vận hành CPĐT ở cơ quan, đơn vị mình; kinh phí đầu tư cho xây dựng CPĐT ở các bộ, ngành, địa phương không đáp ứng được nhu cầu, chưa kịp thời, dẫn đến lộ trình, nội dung triển khai chưa theo kế hoạch, thậm chí triển khai chồng chéo, kéo dài thời gian, triển khai không đồng bộ, đồng nhất; nguồn nhân lực CNTT ở các cơ quan chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Trước tình hình này, Chính phủ đã chỉ ra một số nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm, đột phá. Bộ TT-TT đang tích cực phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng CPĐT trong cơ quan nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện môi trường pháp luật, xác định cải cách thủ tục hành chính là xu thế để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Các vấn đề được đặt ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn gồm: Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử; Công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông, hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình; Giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.

Các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn:

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/883103/bo-truong-bo-tttt-truong-minh-tuan-tra-loi-chat-van-ve-viec-kiem-soat-thong-tin-doc-hai-tren-mang-xa-hoi