Bộ trưởng Bộ TT&TT phân tích về Chính phủ điện tử và Chính phủ số

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 6/11, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận được một số câu hỏi khá nóng liên quan đến quản lý nhà nước của ngành.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Khẩn trương sắp xếp quy hoạch báo chí

Trả lời câu hỏi về quy hoạch báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tháng 4 năm 2019, Thủ tướng ký quy hoạch thì tháng 6 cùng năm, Bộ đã có kế hoạch triển khai ban đầu. Từ tháng 8/2019, Bộ TT&TT cùng với Ban Tuyên giáo làm việc với từng cơ quan chủ quản báo chí, từng cơ quan báo chí và mỗi cơ quan nhiều lần.

Đến tháng 6 năm nay, Bộ TT&TT đã có một báo cáo sơ kết một năm thực hiện quy hoạch báo chí gửi Thủ tướng Chính phủ. Đến thời điểm này, xin báo cáo với Quốc hội kết quả như sau:

Đối với quy hoạch báo chí các hội, có 33 tổ chức hội, ở Trung ương có cơ quan báo hoặc tạp chí thuộc diện quy hoạch, đến ngày hôm nay xong. Hội cuối cùng là Liên hiệp các Hiệp hội khoa học kỹ thuật ký ngày hôm nay.

Đối với quy hoạch báo chí ở các bộ, ngành thì có 13/29 bộ, ngành phải triển khai quy hoạch, đến nay còn 2 cơ quan đã có phương án quy hoạch, nhưng còn chờ hồ sơ cấp phép. Đối với quy hoạch báo chí địa phương, có 31/63 địa phương phải thực hiện quy hoạch, đến nay còn 1/31 địa phương còn thiếu hồ sơ cấp phép.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đến hết năm nay phải thực hiện xong 100% quy hoạch báo chí: “Chúng tôi quyết tâm thực hiện được mục tiêu này. Sau quy hoạch sẽ còn có những việc khác nữa như phát triển báo chí, xây dựng các cơ quan báo chí chủ lực, cơ chế hỗ trợ đặt hàng báo chí, các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích. Chúng tôi đang tích cực thực hiện những nội dung này sau quy hoạch”.

Hai Bộ đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

Về sự quan tâm của đại biểu Quốc hội đối với dịch vụ công trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Nghị quyết 17 yêu cầu phải đạt 30% vào năm 2020, nhưng đến năm 2019 mới được 10%. Gần 20 năm làm Chính phủ điện tử mới được 10% dịch vụ công mức độ 4, còn một năm nữa thôi thì có từ 10 lên 30 được không? Tức là năm 2020, bắt buộc chúng ta phải tìm cách làm đột phá. Bộ TT&TT đã có cách làm đột phá là sử dụng công nghệ số và phát triển Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến dựa trên các nền tảng. Cách làm là làm đồng loạt tất cả các dịch vụ công lên trực tuyến cùng một lúc chứ không làm dần từng dịch vụ một, cũng không làm từ mức độ 3 đến mức độ 4 mà làm thẳng mức độ 4, hiện nay công nghệ cho phép làm điều đó.

Với cách làm mới này, 2 bộ đầu tiên đạt 100% dịch vụ công trực tuyến là Bộ Y tế và Bộ TT&TT. Vừa qua, Bộ cũng thực hiện thí điểm một tỉnh là Bến Tre. “Lúc chúng tôi vào Bến Tre thì Bến Tre mới có 6% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Sau khi làm theo cách mới, sau đúng 3 tháng thì hiện nay, Bến Tre 100% dịch vụ công mức độ 4. Chúng tôi sẽ cho triển khai diện rộng mô hình này. Làm dịch vụ công trực tuyến khó nhất là kết nối, kết nối xã với huyện, huyện với tỉnh và tỉnh với Trung ương. Rất nhiều tỉnh thiếu trục kết nối, thủ tục đầu tư thì chậm. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có một sáng kiến là xây dựng một nền tảng trục kết nối để cho các tỉnh dùng nền tảng đó như một dịch vụ, tức là chỉ trong vòng một tuần chúng tôi sẽ cung cấp trục đấy cho các tỉnh. Như vậy, nếu như tỉnh chưa kịp đầu tư thì dùng ngay trục của Bộ”, Bộ trưởng Bộ TT&TT nói.

Một khó khăn nữa của dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là thanh toán. Nếu để một tỉnh thanh toán được thì phải ký với 40 ngân hàng rất mất công, mất sức. Bộ đã hình thành một hỗ trợ thanh toán trực tuyến, tức là các tỉnh hiện nay chỉ cần nối với Paypost của Bộ là có thể kết nối được với tất cả các ngân hàng. Đặc biệt, Bộ đã lôi kéo các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam vào cuộc. Có một số những chậm trễ, khó khăn doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư trước thì cũng thúc đẩy. Với cách làm trên, đến giờ phút này, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 25% và đang tăng với tốc độ rất cao.

“Chúng tôi hoàn toàn tin rằng hết năm nay, chắc chắn trên 30%. Với cách làm này thì Bộ đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ là năm 2021 kết thúc dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với 100%. Chúng tôi thấy bài học ở đây là chọn mục tiêu cao và chọn việc khó thì lại dễ làm hơn, vì khi đó chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Nếu mục tiêu thấp, việc dễ mà làm theo cách cũ thì có khi lại khó làm, có khi lại không làm được”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Sẽ có chiến lược về Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số

Phân tích sự khác nhau của Chính phủ điện tử và Chính phủ số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: Chính phủ điện tử là tin học hóa các quy trình đã có. Còn Chính phủ số là cung cấp các dịch vụ mới theo nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt chú ý dịch vụ mới. Chính phủ điện tử thì tập trung vào dịch vụ công trực tuyến, tức là những dịch vụ công mà chúng ta đã cung cấp rất nhiều năm nay. Chính phủ số thì chuyển mọi hoạt động của Chính phủ trên môi trường số và hoạt động dựa nhiều trên dữ liệu và cung cấp thêm các dịch vụ mới. Chính phủ điện tử thì chủ yếu sử dụng công nghệ thông tin. Còn Chính phủ số thì sử dụng công nghệ số, nhất là các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Khác biệt cốt lõi của Chính phủ số, đó là sử dụng dữ liệu để ra quyết định và coi dữ liệu như là một loại tài nguyên mới, đó là chuyển đổi về cách thức ra quyết định của cơ quan chính quyền dựa trên các báo cáo bản giấy sang dựa trên dữ liệu phân tích, định lượng và tổng hợp từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. Đó là sự kết nối và chia sẻ dữ liệu của các cơ quan nhà nước để người dân chỉ cần cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước. Các doanh nghiệp cộng đồng có thể sử dụng dữ liệu này để cung cấp thêm các dịch vụ mới.

Về nền tảng kết nối trục liên thông thì trục quốc gia đã hoàn thành và trục kết nối của các tỉnh và cấp bộ cơ bản năm nay sẽ là 100%. Bộ cũng đã khai trương một cổng rất quan trọng là data.gov.vn, các dữ liệu của quốc gia chúng ta sẽ được mở thông qua cổng này. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định về lộ trình mở dữ liệu và Việt Nam cũng là một trong nước rất sớm thực hiện việc này.

Trong năm nay, Bộ TT&TT đã soạn thảo xong, đang xin ý kiến các cơ quan và chắc là năm nay sẽ ký được chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Lần đầu tiên, Việt Nam chúng ta có một chiến lược để bảo đảm sự xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ.

Về đào tạo nhân lực, người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông cho biết một số cách làm như sau:

Đó là, giảm bớt việc cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin. Điều này có thể thực hiện bằng việc tăng cường thuê dịch vụ công nghệ thông tin của các doanh nghiệp. Các cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin thay vì làm trực tiếp thì nay trở thành người đặt hàng cho doanh nghiệp. Bằng cách này, việc tìm cán bộ công nghệ thông tin sẽ dễ hơn và nếu có khó khăn thì Bộ sẽ hỗ trợ. Thế nhưng, để triển khai Chính phủ điện tử thì các bộ, ngành vẫn phải có một hạt nhân và Bộ đã có một sáng kiến là chương trình 100 chuyên gia Chính phủ điện tử. Tập trung vào đào tạo 100 chuyên gia này, mỗi bộ ngành, địa phương có một người. Bộ cũng đã hình thành một mạng lưới tri thức chuyên gia trên internet về Chính phủ điện tử và cũng đồng thời tạo diễn đàn để mọi người có thể chia sẻ, đóng góp, trao đổi các tri thức và kinh nghiệm.

Về nhân lực là người sử dụng, tức là cán bộ, công chức, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cách tốt nhất là xây dựng các công cụ phần mềm, các công cụ công nghệ thông tin phải giống như các nền tảng. Cán bộ, công chức dùng phần mềm giống như là đứng trên nền tảng để làm việc và vì thế mà mặt bằng của họ cao lên. Mọi sự thông minh của quy trình cũng như của công nghệ sẽ đưa vào nền tảng và nền tảng phải dễ dùng như là mạng xã hội để không cần đào tạo. Nền tảng chính là cách tốt nhất và nhanh nhất để đào tạo lại các quy trình làm việc cho các cán bộ, công chức hiện nay.

Việt Nam làm công nghệ 5G không chậm so với thế giới

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu về công nghệ 5G hiện nay, Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định: “Chúng ta làm 5G không chậm. Năm 2019, chúng ta đã thử nghiệm kỹ thuật. Năm 2021, chúng ta sẽ triển khai diện rộng”.

Nhìn lại lịch sử quá khứ của Việt Nam cho thấy, công nghệ 2G của chúng ta đi cùng nhịp với thế giới khi chúng ta triển khai năm 1992. Chúng ta đã lọt vào tốp cao của thế giới. Nhưng đến công nghệ 3G, 4G thì chúng ta chậm chân hơn từ 7-8 năm và xếp hạng 108 vào năm 2017. Đến năm nay, chúng ta mới lên hạng 17.

Chúng ta sẽ triển khai 5G theo pha. Pha 1 chúng ta làm ở các thành phố lớn, đồng thời cũng triển khai ở các khu công nghiệp, khu nghiên cứu và trường đại học.

Công nghệ 5G được triển khai dựa trên hạ tầng đã có của 4G, nhà trạm, cột ăng-ten, truyền dẫn, tức là 70% là dùng lại được. Hiện nay, Bộ đã đề nghị các doanh nghiệp xây dựng phương án mà chắc trong năm nay sẽ ra được một quy định về dùng chung cơ sở hạ tầng 5G, kể cả dùng chung thiết bị.

Khi triển khai diện rộng công nghệ 5G thì chúng ta sẽ có thiết bị 5G của Việt Nam và chắc chắn rằng chất lượng tốt, giá rẻ hơn và cũng sẽ tiết kiệm chi phí cho các nhà mạng.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/bo-truong-bo-tttt-phan-tich-ve-chinh-phu-dien-tu-va-chinh-phu-so/413202.vgp