BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG ĐỀ CẬP CÁC GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO KHAI THÁC AN TOÀN, HIỆU QUẢ NGUỒN NƯỚC NGẦM

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Trương Minh Hoàng – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau về các giải pháp đảm bảo khai thác an toàn, hiệu quả nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt của người dân.

Dưới sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”.

Tại Hội nghị, đại biểu Trương Minh Hoàng – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về việc khai thác nguồn nước ngầm không bài bản trong thời gian qua đã làm gia tăng sạt lở, sụt lún ở một số nơi. Được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra 11 giải pháp, đề xuất để đảm bảo an ninh nguồn nước, trong đó có nguồn nước ngầm trong 20 đến 30 năm tới.

Với những giải pháp đưa ra, đại biểu Trương Minh Hoàng mong muốn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết rõ hơn những việc làm ưu tiên trong thời gian tới để đảm bảo khai thác an toàn, hiệu quả nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt của người dân.

Đại biểu Trương Minh Hoàng – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Minh Hoàng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Hiện nay, nguồn nước ngầm có trữ lượng tương đối lớn (khoảng 10 triệu m3/ngày đêm), trong đó có khoảng trên 17 triệu m3 trữ lượng có thể khai thác để phục vụ cho cấp nước sinh hoạt. Nếu biết cách sử dụng, khai thác nguồn nước này vào phục vụ cho sinh hoạt của người dân thì rất tốt. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác quy hoạch, điều tra về nguồn nước ngầm còn lỏng lẻo, chủ yếu tập trung ở các khu vực phát triển kinh tế hay ở các tỉnh, thành phố lớn hoặc những khu vực còn khó khăn về nguồn nước. Chúng ta chưa tập trung nguồn lực đánh giá đúng về số lượng, chất lượng nguồn nước ngầm để từ đó đưa ra hoạch định, chính sách cho phát triển kinh tế .

Thời gian qua việc quản lý nguồn nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Tây Nam Bộ và một số địa phương, vùng núi, khu vực Tây Nguyên còn lỏng lẻo. Nguồn nước này chỉ được khai thác để trồng cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản chưa được sử dụng trong sinh hoạt. Tình trạng này có thể dẫn đến sự cạn kiệt và có thể gây nên xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Nhận thức được vấn đề trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những giải pháp như sớm có được điều tra cơ bản để biết được đâu là nguyên nhân khai thác nguồn nước ngầm quá mức, do ô nhiễm hay kiến tạo địa chất. Điều này sẽ góp phần quản lý và khai thác nguồn nước ngầm hiệu quả, chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, cần phải làm rõ hơn những quy định liên quan đến việc quy hoạch, khai thác sử dụng.

Ngoài ra, đưa ra các quy định kỹ thuật liên quan đến thăm dò, bảo vệ hành lang an toàn trong khai thác nước. Song song với đó là tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý, khai thác nước ngầm cũng như tăng cường nhận thức của người dân trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước này. Điều đặc biệt là hiện nay, nguồn nước ngầm đang phụ thuộc vào nguồn nước mặt và các hệ sinh thái ở trên nên phải tính đến việc bảo vệ hành lang sinh thái, thậm chí bổ sung nguồn nước cho nước ngầm./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=48233