BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG TRÌNH BÀY TỜ TRÌNH VỀ DỰ ÁN LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

Sáng 21/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nêu rõ: Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội khóa XIV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, ngày 04/3/2020 Chính phủ đã có Tờ trình số 70/TTr-CP về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Ngày 25/3/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và trên cơ sở nội dung đã trình, Chính phủ xây dựng Tờ trình thay thế Tờ trình số 70/TTr-CP về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là cần thiết, xuất phát từ những lý do như sau:

Thứ nhất, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc; xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia nhưng chưa được thể chế hóa thành pháp luật như: “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”,“Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”; trong đó, xác định nhiệm vụ biên phòng là “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia,…; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia; góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước”; đồng thời xác định “Xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là chuyên trách”; Chiến lược chỉ rõ “Sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam”.

Thứ hai, xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia, đây là vấn đề chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Bộ đội Biên phòng đáp ứng yêu cầu làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Thứ ba, hiện nay, hoạt động trên biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu có nhiều lực lượng thuộc các bộ, ngành với nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, thực tế thực thi nhiệm vụ biên phòng còn những hạn chế, bất cập; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương, lực lượng nòng cốt, chuyên trách với các lực lượng chức năng ở khu vực biên giới, cửa khẩu chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, việc đầu tư của nhà nước, địa phương vào một số chương trình, mục tiêu quốc gia tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn dàn trải, chất lượng, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng biên giới quốc gia, khu vực biên giới vững mạnh.

Thứ tư, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng ra đời cách đây hơn 20 năm trong điều kiện, bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác với hiện nay. Pháp lệnh chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến Bộ đội Biên phòng, chưa đề cập đến các chủ thể khác trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Một số quy định liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013; nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng không được quy định trong Pháp lệnh mà quy định tại các luật khác và văn bản dưới luật dẫn đến tình trạng khó theo dõi, thiếu thống nhất, gây khó khăn cho quá trình thực thi nhiệm vụ biên phòng của Bộ đội Biên phòng. Tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, các ban, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có biên giới đều thống nhất kiến nghị, báo cáo Quốc hội xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam.

Thứ năm, thực tiễn hơn 60 năm qua, Bộ đội Biên phòng đã và đang áp dụng có hiệu quả các hình thức, biện pháp công tác biên phòng nhưng chưa được luật hóa; việc tổ chức xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia chưa được quy định cụ thể nên thiếu cơ sở pháp lý để các cơ quan, lực lượng chức năng và Bộ đội Biên phòng trong thực thi nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.

Đại biểu tham dự kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đang đặt ra cần thiết phải có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết; đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới.

Đề cập mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dự Dự án Luật Biên phòng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định là nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân, xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại; xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới vững chắc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Bên cạnh đó là phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động xâm phạm biên giới quốc gia; bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân và các mục tiêu chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới; phòng, chống có hiệu quả tội phạm, giữ vững ổn định an ninh, trật tự ở khu vực biên giới. Ngoài ra là để mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Quan điểm chỉ đạo

- Thể chế đầy đủ quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế về biên giới quốc gia mà Việt Nam là thành viên.

- Kế thừa những quy định của Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng còn giá trị, khắc phục những vướng mắc, bất cập; rà soát, đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành để tránh mâu thuẫn, chồng chéo; đồng thời phát triển, bổ sung các quy định mới nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

- Bám sát các chính sách đã được đánh giá tác động của dự án Luật. Nghiên cứu, tiếp thu các quy định pháp luật về công tác biên phòng, tổ chức lực lượng bảo vệ biên giới của một số nước láng giềng, khu vực để vận dụng phù hợp với điều kiện của nước ta.

Trên cơ sở kết quả tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP và yêu cầu của thực tiễn, Bộ Quốc phòng đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng Dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Quá trình thực hiện, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục soạn thảo theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Đã tổ chức lấy ý kiến 19 bộ, ngành, Ủy ban nhân dân 44 tỉnh, thành biên giới đối với hồ sơ dự thảo Luật; khảo sát, tọa đàm, hội thảo tại 03 khu vực (miền Bắc, miền Trung, miền Nam) với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành Trung ương, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành 17 tỉnh biên giới, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn.

Ngày 19/12/2019, Bộ Tư pháp có Báo cáo số 266/BC-BTP về thẩm định dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật trình Chính phủ theo quy định. Tại Phiên họp thường kỳ tháng 01 năm 2020 của Chính phủ, các Thành viên Chính phủ đã thảo luận và thống nhất thông qua dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Dự án Luật đã được Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thẩm tra; Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, kết luận đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Tên gọi, bố cục và nội dung cơ bản của Dự án Luật

1. Tên gọi dự thảo Luật: Luật Biên phòng Việt Nam

2. Bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Luật

Trên cơ sở 03 chính sách đã xác định và đánh giá tác động của dự án Luật Biên phòng Việt Nam được Chính phủ, Quốc hội nhất trí thông qua. Dự thảo Luật gồm 07 chương, 33 điều, cụ thể:

- Chương I. Những quy định chung, gồm 04 điều (từ Điều 1 đến Điều 4);

- Chương II. Nhiệm vụ biên phòng, lực lượng và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng, gồm 05 điều (từ Điều 5 đến Điều 9);

- Chương III. Hợp tác quốc tế về biên phòng, gồm 03 điều (từ Điều 10 đến Điều 12);

- Chương IV. Lực lượng Bộ đội Biên phòng, gồm 09 điều (từ Điều 13 đến Điều 21);

- Chương V. Bảo đảm và chế độ, chính sách về biên phòng, gồm 04 điều (từ Điều 22 đến Điều 25);

- Chương VI. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng, gồm 07 điều (từ Điều 26 đến Điều 32);

- Chương VII. Điều khoản thi hành: 01 điều (Điều 33)./.

Bích Lan-Hoàng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=45716