Giảm thuế giá trị gia tăng: Không chỉ tạo ra giá trị tăng thêm cho nền kinh tế

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% (từ 10% xuống còn 8%) ngay lập tức đã tác động tích cực, toàn diện vào phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid -19. Không chỉ với người dân mà doanh nghiệp cũng được hưởng lợi, giúp họ tiết kiệm được 2% chi tiêu bình quân, nhất là chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng có thu nhập thấp. Phóng viên TBTCVN có cuộc phỏng vấn TS. Đoàn Ngọc Phúc – Trưởng khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Tài chính – Maketing về chủ đề này.

PV: Theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ, từ 1/2/2022, một số loại hàng hóa, dịch vụ sẽ được hưởng mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) giảm 2% (từ 10% xuống còn 8%). Theo ông, những yếu tố tác động chủ yếu của chính sách này đối với người dân, doanh nghiệp là gì?

"Thuế GTGT là thuế đánh vào hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng cuối cùng phải trả khoản thuế này nên họ sẽ được hưởng lợi sau khi áp dụng mức thuế giảm 2%".

TS. Đoàn Ngọc Phúc

TS. Đoàn Ngọc Phúc: Theo tôi, đây là một chính sách đem lại hiệu quả rất lớn dành cho mọi đối tượng. Không chỉ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau tác động của dịch Covid-19 mà sẽ có tác dụng ngay đến toàn bộ giao dịch trên thị trường; là động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và kích cầu tiêu dùng. Chính sách này sẽ phát huy hiệu quả rất tốt trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế.

Thuế GTGT là thuế đánh vào hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng cuối cùng phải trả khoản thuế này nên họ sẽ được hưởng lợi sau khi áp dụng mức thuế giảm 2%. Mặt khác, việc giảm thuế GTGT áp dụng đối với hầu hết các hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống con người nên tất cả người dân đều được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế GTGT này.

Tác động của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của một bộ phận người tiêu dùng. Việc giảm thuế GTGT sẽ giúp họ tiết kiệm được 2% chi tiêu bình quân, nhất là chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng có thu nhập thấp. Đây cũng là điều kiện để khuyến khích người tiêu dùng tiếp tục tiêu thụ nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi sản xuất, mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, để người tiêu dùng thực sự được hưởng lợi từ việc giảm thuế GTGT thì cần phải có giải pháp đảm bảo hàng hóa, dịch vụ có mức giảm bằng với mức giảm thuế GTGT.

Việc giảm 2% thuế GTGT không chỉ người dân mà doanh nghiệp cũng được hưởng lợi vì doanh nghiệp sẽ giảm được giá vốn nguyên liệu đầu vào, do đó giá thành sản phẩm sẽ giảm theo.

Khách hàng thanh toán khi mua hàng tại siêu thị ở quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Cư

PV: Vậy theo ông, đâu là vấn đề cốt lõi trong tổng thể của sự tác động khi chính sách này thực sự đi vào cuộc sống?

TS. Đoàn Ngọc Phúc: Hiệu quả tài chính của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhưng vẫn có thể kích thích sức mua của người tiêu dùng. Sự gia tăng doanh số bán hàng giúp doanh nghiệp phục hồi và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, góp phần tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Mặt khác, ở góc độ vĩ mô, chính sách giảm 2% thuế GTGT còn tác động đến kiềm chế việc tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Việc giảm thuế cũng sẽ tạo ra một lượng vốn lớn (theo tính toán của Bộ Tài chính là trên 49 nghìn tỷ đồng) để doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư mở rộng sản xuất, tạo ra giá trị tăng thêm cho nền kinh tế mà Nhà nước không phải trực tiếp bơm tiền vào, giúp kiểm soát được lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

PV: Theo ông, ngành Thuế cùng các đơn vị liên quan cần phải làm gì để chính sách này đi vào cuộc sống nhanh nhất, hiệu quả nhất?

TS. Đoàn Ngọc Phúc: Để Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được thụ hưởng chính sách miễn, giảm thuế và mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế cần sự nỗ lực của các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan thuế và các doanh nghiệp.

Theo đó, các bộ, ngành, UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan thuế phải tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, thực hiện các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế theo quy định để giữ bình ổn giá cả thị trường. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh quán triệt, chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc chủ động tuyên tuyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ, kịp thời nội dung của chính sách giảm thuế GTGT.

Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, tại các cửa hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ có xuất hóa đơn phải giảm thuế trực tiếp trên hóa đơn, tránh tình trạng mập mờ khiến người tiêu dùng không biết giá sản phẩm đã được giảm thuế GTGT hay chưa. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải chấp hành việc giảm giá sản phẩm tương ứng với mức giảm thuế GTGT. Có như thế thì chính sách mới thực sự mang lại hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cơ quan thuế cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách này của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cung cấp đường dây nóng để người dân phản ánh các trường vi phạm quy định, các trường hợp cố tình vi phạm phải được xử lý thật nghiêm theo quy định pháp luật.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giam-thue-gia-tri-gia-tang-khong-chi-tao-ra-gia-tri-tang-them-cho-nen-kinh-te-100447.html