Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: 'Nền giáo dục Thủ đô phải hướng tới là nền giáo dục thanh lịch'
Tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất sáng 12.11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn mong muốn, Giáo dục Thủ đô phải hướng tới là nền giáo dục thanh lịch; trong đó trường học là trường học thanh lịch, thầy cô và học sinh thanh lịch.
Tiên phong đi đầu, dẫn dắt trong mọi nhiệm vụ của ngành Giáo dục
70 năm trước, tháng 10.1954, hàng vạn người dân Hà Nội đón đoàn quân chiến thắng trở về. Đó cũng là thời điểm ngành giáo dục và đào tạo thủ đô được "khai sinh". Tại buổi Lễ, hành trình 7 thập kỷ "nâng cao dân trí - chấn hưng dân khí - bồi dưỡng nhân tài" của ngành giáo dục thủ đô được tái hiện đầy xúc động.
Theo báo cáo của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Trần Thế Cương, cả Hà Nội lúc đó có khoảng gần 90% người dân chưa biết chữ nhưng chỉ có 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông, đáp ứng được 20% số trẻ đến trường. 80% còn lại chủ yếu là con em của nhân dân lao động bị thất học.
Trong điều kiện thiếu giáo viên, thiếu trường học, thiếu bàn ghế, giấy bút, đèn dầu, thầy và trò học trong những ngôi nhà tranh dột nát, không phên vách, mùa đông gió mưa buốt da thịt, cả Hà Nội gian khó vẫn sôi nổi và tràn đầy khát vọng tri thức.
Những năm chiến tranh chống Mỹ, các trường học của Hà Nội phải sơ tán về ngoại thành. Nhiều nhà giáo Hà Nội phải tạm biệt phấn trắng, bảng đen lên đường chiến đấu. Theo thống kê, số nhà giáo Hà Nội đi chiến trường B là 1.483 người. Hơn 200 người trong số đó mãi mãi không trở về.
Hòa bình lập lại, Hà Nội đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm hướng tới xây dựng một nền giáo dục phát triển, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành phổ cập tiểu học vào năm 1990 và hoàn thành phổ cập trung học cơ sở vào năm 1999.
Năm 2008, địa giới hành chính của Hà Nội được mở rộng dẫn đến quy mô giáo dục của Hà Nội trở nên lớn nhất cả nước với gần 2.600 cơ sở giáo dục từ mầm non tới hết phổ thông và gần 1,8 triệu học sinh.
Sau 16 năm sáp nhập, giáo dục Hà Nội giữ vị thế dẫn đầu cả nước về giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng nhân tài. Học sinh Hà Nội giành 2.200 giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 200 huy chương tại các kỳ thi quốc tế lớn ở các môn toán và khoa học tự nhiên.
Tại sự kiện kỷ niệm 70 năm thành lập, người đứng đầu ngành giáo dục thủ đô nói lời tri ân các thế hệ nhà giáo, các phụ huynh học sinh và các tầng lớp nhân dân trên hành trình tri thức, nâng bước cho các thế hệ học sinh.
Ông Trần Thế Cương cũng dẫn ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm để nói về mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo thủ đô trong kỷ nguyên mới: "Lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực của sự phát triển; quan tâm đến vấn đề thời gian, trí tuệ, khát vọng, tiềm lực, hội nhập để đưa nền giáo dục đào tạo ngang tầm, theo kịp các nước phát triển với tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc".
Giáo dục Thủ đô vượt qua thách thức, tiếp tục phát triển bền vững
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thay mặt Lãnh đạo ngành GD-ĐT gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới giáo dục Thủ đô Hà Nội bởi những kết quả và thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển thành công của đất nước, của Thủ đô và của ngành Giáo dục nói chung.
Bộ trưởng nhận định, trải qua 70 năm phát triển, ngành GD-ĐT Hà Nội đã không ngừng phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, làm tốt sứ mệnh của mình với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, phát triển con người, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước. Ngành GD-ĐT Thủ đô luôn là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu, dẫn dắt trong mọi nhiệm vụ của toàn ngành.
Hiện nay, quy mô giáo dục Hà Nội chiếm trên 10% quy mô giáo dục cả nước với gần 3.000 cơ sở giáo dục các cấp, khoảng 130 nghìn giáo viên, gần 2,3 triệu học sinh. Hà Nội cũng là nơi tập trung 120 cơ sở giáo dục ĐH, CĐ với gần 1 triệu sinh viên. Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, mạng lưới trường, lớp của Hà Nội đang không ngừng được mở rộng, ngày càng khang trang hiện đại, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia và quốc tế ngày càng gia tăng. Giáo dục Hà Nội đang từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô, cả giáo dục chính khóa và giáo dục thường xuyên, cả nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài.
Tuy nhiên, Giáo dục Thủ đô với tư cách là một đơn vị trụ cột của ngành Giáo dục cả nước cũng đang đối mặt với những thách thức và cơ hội chung của toàn ngành Giáo dục.
Một trong những thách thức lớn, theo Bộ trưởng, là cần tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho một giai đoạn phát triển mới với nhiều yêu cầu mới của đất nước trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, nhu cầu và yêu cầu nguồn nhân lực đa dạng, biến đổi không ngừng.
Cùng với đó là rất nhiều thách thức trong triển khai các nhiệm vụ lớn của ngành Giáo dục. Trong đó có thách thức triển khai thành công đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện ở tất cả cấp học, mà hiện nay chúng ta đang tập trung nhiều hơn ở giáo dục phổ thông với việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong điều kiện còn khó khăn về nguồn lực, giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị và cơ chế.
Ngoài ra, giáo dục Thủ đô còn phải đối mặt với những thách thức đặc thù như: Học sinh tập trung đông, phân bổ không đều và nhiều biến động, dẫn đến khó khăn trong việc phân tuyến, đáp ứng nhu cầu học tập lớn và tình trạng thiếu trường học công lập cục bộ tại một số khu vực. Khoảng cách về chất lượng và điều kiện giáo dục giữa các trường thuộc các quận nội thành và các trường huyện ngoại thành còn khá lớn. Việc thiếu không gian, việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp học ở một số quận nội thành, những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, các khu đô thị mới... còn nhiều khó khăn thách thức...
Bộ trưởng đề nghị ngành Giáo dục tiếp tục tham mưu lãnh đạo Thành phố tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vượt qua các thách thức để tiếp tục phát triển bền vững.
Hướng đến trường học thanh lịch, thầy cô và học sinh thanh lịch
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, giáo dục hiện nay nhấn mạnh việc lấy phát triển toàn diện con người là trọng tâm, là mục tiêu. Trong sự phát triển toàn diện con người, giáo dục Thủ đô cần hướng tới mục tiêu cao hơn yêu cầu chung cả nước, hướng tới giáo dưỡng, tạo nên những công dân Thủ đô thanh lịch, có tầm văn hóa, trách nhiệm xã hội và biết sống hạnh phúc cho mình và cho cộng đồng.
Đó là những công dân có những phẩm chất văn hóa cao, có kỹ năng về khoa học công nghệ, là những công dân văn minh thanh lịch thời đại số, tốt chuyên môn, giỏi ngoại ngữ.
Muốn vậy, nền giáo dục Thủ đô phải hướng tới là nền giáo dục thanh lịch. Trong đó, trường học là trường học thanh lịch, thầy cô và học sinh thanh lịch. Ở đó, trường học phải là nơi người học được đảm bảo an toàn, không có bạo lực học đường, không có nói tục chửi bậy, không có ép buộc học thêm. Ở đó, tệ nạn bị tránh xa và ở đó hiện hữu một môi trường học đường văn hóa tiêu biểu. Quan trọng nhất, ở đó, con người ứng xử với nhau bằng tình yêu thương và trách nhiệm.
Muốn có hệ thống giáo dục thanh lịch, Bộ trưởng cho rằng, cần triển khai tốt văn hóa giáo dục và giáo dục văn hóa. Sự thanh lịch của giáo dục hoàn toàn có thể dựng xây trên nền những thành quả tốt đẹp mà chúng ta đã và đang có.
Bộ trưởng đồng thời lưu ý, giáo dục Thủ đô cần tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết như: Giảm khoảng cách chênh lệch trong chất lượng giáo dục giữa các khu vực, các trường; giảm khoảng cách giữa kết quả giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà để học sinh ở khu vực nào, trường nào, lớp nào cũng được tiếp cận môi trường giáo dục và chất lượng giáo dục tốt nhất.
Giáo dục Thủ đô cũng cần giải quyết tốt hơn các mối quan hệ nhà trường và xã hội, nhà trường và địa phương, thầy cô và phụ huynh,... để tạo lập một môi trường giáo dục có lề lối ngay ngắn; ở đó chất lượng giáo dục được bảo đảm, sự tôn nghiêm của nghề giáo được xem trọng, thầy tiêu biểu, trò tiêu biểu. Chỉ có bằng một nền giáo dục thanh lịch, hướng tới chuẩn quốc tế, chúng ta mới có thể tạo dựng được những con người Thủ đô văn minh thanh lịch trong thời đại mới.
Dù đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao, Bộ trưởng mong Lãnh đạo Thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao và hiệu quả hơn nữa.
“Thành ngữ ta có câu “có thực mới vực được đạo”. Vậy nên, tôi mong lãnh đạo Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục bằng những chính sách hỗ trợ, chăm sóc tốt hơn đối với lực lượng nhà giáo; bằng việc tu sửa và xây dựng phòng học đầy đủ trang thiết bị, khang trang, rộng rãi hơn, tận dụng những quy định trong Luật Thủ đô mới được ban hành để chăm lo cho giáo dục. Bởi lẽ nếu lớp học còn quá đông, trang thiết bị còn hạn chế, giáo viên còn thiếu, giáo viên còn đôn đáo lo cuộc sống thì một nền giáo dục thanh lịch vẫn rất khó có thể đạt được đầy đủ”, Bộ trưởng bày tỏ.
Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và đóng góp quý giá của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các thầy, cô giáo, các em học sinh đối với Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô sẽ tiếp tục vươn lên phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn nữa. Trong đó, chú trọng chăm lo nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học; Phát động và xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, tạo sự chuyển biến rõ nét và sâu sắc trong công tác giáo dục tri thức và truyền thống Thăng Long - Hà Nội;
Tiếp tục hiểu đúng và thực hiện tốt hơn nữa chủ trương xã hội hóa giáo dục, khai thác mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế của toàn xã hội, tạo ra sức mạnh tổng hợp để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng công tác giáo dục, giảng dạy chất lượng cao;
Thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đoàn và thực hiện quy chế dân chủ, công khai trong nhà trường; thực hiện tốt phương châm “Xây dựng nhà trường văn hóa; nhà giáo mẫu mực; học sinh thanh lịch”.