Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Đã tính toán phương án triển khai dạy học tích hợp

Chiều nay (30/10), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trả lời chất vấn về vấn đề dạy học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng cho biết: Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Nghị quyết số 88/NQ-QH về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, sau đó là Nghị quyết 404 của Chính phủ đều yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông phải tích hợp cao ở các cấp học dưới, phân hóa dần ở các cấp học trên. Đây là xu hướng phù hợp với các nước trên thế giới.

Tích hợp kiến thức các môn khoa học gần nhau thành một môn tích hợp, đây là mức tích hợp cao nhất. Ở tiểu học, việc tích hợp như vậy tương đối nhiều. Ở THCS có 2 môn tích hợp là Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lý.

Môn Khoa học tự nhiên gồm 4 chủ đề: Chất và biến đổi về chất (thiên về kiến thức Hóa học), Năng lượng và sự biến đổi (thiên về kiến thức Vật lý), Vật sống (Sinh học), Trái đất - bầu trời (thiên về kiến thức Vật lý và một phần kiến thức Sinh học), Cấu trúc này cũng tương tự như các môn học tự nhiên của các nước trên thế giới.

Về môn Lịch sử và Địa lý, gồm 2 phân môn là Lịch sử và Địa lý, mỗi phân môn có tính hệ thống tương đối phù hợp với đặc trưng bộ môn; bên cạnh đó, nhiều kiến thức chung, do vậy cấu trúc thành 5 chủ đề, 5 chủ đề này bổ trợ nhau.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn

Về đội ngũ giáo viên các môn học ở THCS, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đã có tính toán. Thứ nhất là môn tích hợp các cấu phần, giáo viên chuyên sâu môn nào sẽ dạy môn đó và có phối hợp với nhau. Thời gian áp dụng chương trình THCS theo lộ trình cuốn chiếu còn khoảng 6-7 năm nữa, nên quỹ thời gian đủ để bồi dưỡng giáo viên. Chương trình bồi dưỡng đang được Bộ GD&ĐT tiến hành.

Bên cạnh đó, các giáo viên có điều kiện, nhu cầu sẽ học thêm các chuyên đề, học phần các môn khác để có thể dần từng bước có thể dạy 2 môn. Bộ đã có giải pháp đào tạo giáo viên có thể dạy được cả 3 môn trong những năm dài hơn, đây là kinh nghiệm các nước, xu hướng quốc tế. Về việc này, quỹ thời gian còn dài để chuẩn bị.

Về vấn đề giảm tải trong các môn tích hợp, theo Bộ trưởng, việc giảm tải không chỉ ở cấu trúc môn học mà giảm tải còn phụ thuộc vào cấu trúc chương trình và đổi mới phương pháp. Tuy nhiên, việc tích hợp cũng là một trong những yếu tố nhằm giảm tải khối lượng kiến thức cũng như áp lực hiện nay cho học sinh.

“Về cơ bản, chúng tôi đã tính đến phương án triển khai dạy học tích hợp và cho rằng có tính khả thi cao” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bo-truong-bo-gddt-da-tinh-toan-phuong-an-trien-khai-day-hoc-tich-hop-3960703-v.html