Bộ trưởng Bộ Công Thương nói về một TPP không có Mỹ

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chia sẻ, việc Mỹ rút khỏi hiệp định TPP cũng tạo ra nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông tin tưởng vào tương lai của TPP 11 với tên gọi CPTPP.

Bên lề tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng, các Bộ trưởng kinh tế của 11 nền kinh tế APEC đã họp từ 8/11 nhằm sớm đưa đến một thỏa thuận chung về tương lai TPP. Sau cuộc họp các Bộ trưởng tại Hà Nội, các nền kinh tế TPP-11 lần lượt tổ chức làm việc ở cấp Trưởng đoàn đàm phán và thống nhất được nhiều nội dung quan trọng. Trên cơ sở 4 vòng đàm phán đó, các Bộ trưởng đã thống nhất về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ CPTPP.

Các Bộ trưởng cũng nhất trí Hiệp định TPP là một Hiệp định toàn diện và có tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng các lợi ích của các nước thành viên có tính đến trình độ phát triển của các nước.

Các Bộ trưởng tiếp tục giao các Trưởng đoàn đàm phán để xử lý các vấn đề kỹ thuật còn chưa đạt được sự đồng thuận cũng như tiến hành rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc tiến hành ký kết Hiệp định.

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: MOIT

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: MOIT

Kết quả đạt được tại Đà Nẵng đã thể hiện những nỗ lực rất lớn của 11 nước thành viên TPP nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tăng cường phát triển thương mại và hợp tác khu vực, thực hiện hội nhập mở cửa hiệu quả hơn.

Trả lời câu hỏi của báo giới về việc TPP khi không có Mỹ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ Hiệp định TPP 12 đã được các quốc gia tham gia đàm phán và xây dựng với tiêu chuẩn rất cao trên các lĩnh vực và khi đạt được sự đồng thuận này thì tất cả các quốc gia đều hài lòng vì nó không những là một dự thảo Hiệp định với tiêu chuẩn chất lượng cao mà còn đạt được điểm cân bằng chung của các quốc gia tham gia Hiệp định này.

Vì vậy khi Mỹ, một quốc gia có sức nặng kinh tế, với vai trò của mình rút ra khỏi Hiệp định TPP thì cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho các quốc gia trong quan điểm tiếp tục duy trì Hiệp định TPP với tiêu chuẩn chất lượng cao như vậy. Để đạt được điểm cân bằng mới với những lợi ích, nghĩa vụ và cam kết của mình thì trong tất cả các vòng đàm phán trong thời gian vừa qua, các Trưởng đoàn đàm phán (theo chỉ đạo của các Bộ trưởng) đã có những cách tiếp cận rất thực tiễn nhưng làm sao vẫn duy trì được một Hiệp định chất lượng cao, vẫn đảm bảo được mục tiêu ban đầu.

Bộ trưởng cho biết 4 vòng đàm phán của cấp Trưởng đoàn đàm phán tại các thời gian, địa điểm khác nhau đã phản ánh đầy đủ các khó khăn này, nhưng tuy nhiên với quan điểm xây dựng của các Bộ trưởng TPP, Chính phủ của các nước đã giúp các Bộ trưởng đi đến đạt được các thỏa thuận rất quan trọng cốt lõi của Hiệp định TPP11 nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu của TPP 12 chất lượng cao. Đồng thời đáp ứng được yêu cầu của các quốc gia trong TPP 11 có những điểm cân bằng mới.

“Tôi cho rằng đoạn đường khó khăn nhất chúng ta đã đi qua, và đang đến rất gần với Hiệp định TPP 11 mà chúng ta có tên gọi là CPTPP. Tôi rất tin tưởng vào tương lai như vậy”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

20 danh mục các nghĩa vụ tạm hoãn thực thi của TPP

Các Bộ trưởng cũng đã ra tuyên bố chung khẳng định các nước trong CPTPP đã thống nhất những vấn đề cốt lõi của Hiệp định này theo hướng giữ nguyên các nội dung của Hiệp định TPP cũ nhưng cho phép các nước thành viên được tạm hoãn một số nghĩa vụ để đảm bảo cân bằng trong bối cảnh mới với chất lượng cao của Hiệp định.

Cụ thể 20 danh mục các nghĩa vụ tạm hoãn thực thi của TPP gồm: Hàng chuyển phát nhanh ; Hiệp định Đầu tư và Cấp phép Đầu tư (ISDS – Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước áp dụng trong chương này); Dịch vụ chuyển phát nhanh – Phụ lục 10–B – tạm hoãn đoạn 5 và 6; Tiêu chuẩn đối xử tối thiểu tại Điều 11.2 – tạm hoãn tiểu mục 2(b); ghi chú 3 và Phụ lục 11-E; Giải quyết tranh chấp Viễn thông – Điều 13.21.1 (d); Điều kiện tham dự thầu – Điều 15.8.5 – Các cam kết liên quan đến quyền lao động trong điều kiện tham gia dự thầu; 7. Đàm phán trong tương lai – Điều 15.24.2 – tạm hoãn “không muộn hơn 3 năm sau ngày Hiệp định có hiệu lực”; Đối xử Quốc gia – Điều 18.8 ghi chú 4 – tạm hoãn hai câu cuối; Đối tượng có thể được cấp bằng độc quyền sáng chế - Điều 18.37.2 và 18.37.4 (Câu thứ 2); Điều chỉnh thời hạn bằng sáng chế do sự chậm trễ của cơ quan cấp bằng sáng chế - Điều 18.46; Điều chỉnh thời hạn bảo hộ sáng chế do bị rút ngắn bất hợp lý – Điều 18.48; Bảo hộ dữ liệu thử nghiệm bí mật hoặc dữ liệu bí mật khác – Điều 18.50; Sinh phẩm – Điều 18.51; Thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan – Điều 18.63; Các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền (TPMs) – Điều 18.68; Thông tin quản lý quyền (RMI) – Điều 18.69; Bảo hộ tín hiệu cáp và tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa – Điều 18.79; Chế tài pháp lý và Khu vực an toàn – Điều 18.82 và các Phụ lục 18-E và 18-F; Bảo tồn và Thương mại (các biện pháp “chống” thương mại trái phép) – Điều 20.17.5 – tạm hoãn cụm “hay một luật áp dụng khác” và Chú thích 26; Minh bạch và công bằng về thủ tục đối với hàng hóa dược phẩm và thiết bị y tế - tạm hoãn Phụ lục 26 – Điều 3 về Công bằng về thủ tục.

Bốn vấn đề sẽ được thống nhất trước thời điểm ký kết Hiệp định trên cơ sở đồng thuận giữa tất cả các bên để việc tạm hoãn có hiệu lực gồm: Doanh nghiệp nhà nước, Phụ lục IV (Malaysia); Các biện pháp không tương thích về Dịch vụ và Đầu tư, Phụ lục II – Brunei Darussalam, 14- Than – đoạn 3; Giải quyết tranh chấp (trừng phạt thương mại) – Điều 28.20 (Việt Nam) và Ngoại lệ về Văn hóa (Canada).

Mạnh Nguyễn

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/bo-truong-bo-cong-thuong-noi-ve-mot-tpp-khong-co-my-233334.html