Bộ trưởng Bộ Công du

Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương là người đang giữ kỷ lục về thời gian, và số lần đi nước ngoài trong một nhiệm kỳ làm Bộ trưởng.

Trong thời gian tại nhiệm, có những năm, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng ở nước ngoài tới 160 ngày, tham gia 23 đoàn công du, trung bình đi nước ngoài 2 lần mỗi tháng.

Đó là những thông tin mới được Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong kết luận thanh tra về việc quản lý công tác đi nước ngoài của một số bộ, ngành, địa phương.

Về lý, Bộ Công Thương là một đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực xúc tiến thương mại, nên việc lãnh đạo Bộ thường xuyên đi công tác nước ngoài cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, với tần suất 2 lần/tháng, với một nửa thời gian trong năm ở nước ngoài, quả là đáng ngạc nhiên đối với một Bộ trưởng của một Bộ có rất nhiều lĩnh vực quản lý, không chỉ riêng xúc tiến thương mại.

Kinh phí đi công tác nước ngoài của Bộ Công Thương trong 5 năm gần gấp đôi Bộ Tài chính, với số người đi gần gấp 3.

Việc đi nước ngoài liên tục của một Bộ trưởng, có thể nhìn nhận theo nhiều cách khác nhau. Có thể đánh giá đó là một lãnh đạo tâm huyết với công tác xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản xuất hàng hóa. Nhưng đó là khi chúng ta có thể nhìn thấy kết quả của những chuyến công du đó. Nhưng rất khó để tìm thấy những thông tin liên quan về kết quả những chuyến đi này. Và, trên thực tế, Bộ Công Thương là đơn vị có nhiều cơ quan đại diện ở nước ngoài nhiều hơn bất cứ đơn vị nào, dưới hình thức các cơ quan thương vụ.

Khi không thể nhìn thấy những kết quả tích cực từ những chuyến công du, thì những số liệu thể hiện một nửa thời gian cơ học của một vị Bộ trưởng nằm ở những chuyến công du sẽ cho thấy một góc nhìn khác, đó là một dạng thức tham nhũng.

Hàng chục dự án đội vốn, đắp chiếu vì không thể hoạt động, gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng của Bộ Công Thương, những vụ đại án kinh tế, những quyết định bổ nhiệm nhân sự bị hủy bỏ sau nhiệm kỳ… khiến cựu Bộ trưởng Nguyễn Huy Hoàng bị cách chức “nguyên” và kỷ luật vì buông lỏng quản lý. Dĩ nhiên, một vị Bộ trưởng dành nửa thời gian cho những chuyến xuất ngoại thì rất khó để không buông lỏng quản lý.

Lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, vị trí công tác của mình để đi nước ngoài bằng tiền ngân sách không chỉ là chuyện riêng của ông Vũ Huy Hoàng. Cũng tại kết luận thanh tra về việc quản lý công tác đi nước ngoài ở 4 bộ và cơ quan ngang bộ, cùng 6 tỉnh thành trong giai đoạn 2012 – 2016 thì các chuyến đi nước ngoài của những cơ quan này đều có tình trạng bất hợp lý về thời gian, không sát với tình hình thực tế. Có điều, tất cả những vấn đề kể trên đều chỉ được phát hiện sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Điều đó cho thấy, các chuyến công du bất hợp lý đã không được giám sát một cách thường xuyên, trực tiếp, và không có cơ chế phòng ngừa, hạn chế hậu quả.

Chỉ trong một nhiệm kỳ, từ 2012 – 2016, các cơ quan gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã chi tổng cộng hơn 1.000 tỷ đồng chỉ để phục vụ các chuyến công du. Con số có thể sẽ vô cùng khủng khiếp nếu như thanh tra không chỉ một số đơn vị trên mà ở tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Trong quá trình hội nhập kinh tế, việc tăng cường các đoàn công tác ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội, học hỏi kinh nghiệm quản lý là cần thiết. Nhưng, nhu cầu đó đang bị lạm dụng mà không có những công cụ giám sát một cách hữu hiệu thì không chỉ lãng phí ngân sách, mà còn gây thiệt hại về công tác quản lý, khiến chất lượng quản lý yếu kém vì các lãnh đạo dành quá nhiều thời gian cho những chuyến đi không hiệu quả.

Để các “tư lệnh” ngành, để các quan chức không biến thành các Bộ trưởng Bộ Công du, cách duy nhất là minh bạch hóa thông tin về những chuyến đi này. Theo đó, tất cả mọi chuyến công du bằng ngân sách đều phải công khai trên cổng thông tin điện tử của đơn vị về mục đích, công việc, và đặc biệt là hiệu quả đạt được từ những chuyến đi đó. Tham nhũng ngân sách, trong bất cứ dạng thức nào, cũng chỉ có thể ngăn ngừa thông qua khả năng giám sát của người đóng thuế.

Phạm Trung Tuyến

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/bo-truong-bo-cong-du-887665.html