Bố trí Tổ an ninh trật tự cần phù hợp yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế

Chiều 24/10, Quốc hội nghe Tờ trình Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.

Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 5 chương, 35 điều

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã, thị trấn bán chuyên trách (gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở), được thành lập tại địa bàn xã, phường, thị trấn (gọi chung là địa bàn cơ sở).

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, lực lượng này được hình thành và phát triển từ những ngày đầu của chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay để tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đóng góp tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn cơ sở, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân ghi nhận.

Tuy nhiên, trước yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thực hiện tốt hơn các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân và trong điều kiện nước ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Luật Công an nhân dân năm 2018 về xây dựng 04 cấp Công an nhân dân bảo đảm đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Vì vậy, việc đề nghị xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết.

 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình

Về mục đích xây dựng Luật, Bộ trưởng cho biết, việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay. Đồng thời, xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó có Công an nhân dân làm tham mưu, nòng cốt thực hiện. Pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật về các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để quy định trong văn bản luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, góp phần phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

Về bố cục, Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 05 chương, 35 điều, cụ thể như sau: Chương I (Quy định chung) gồm 07 điều (từ Điều 1 đến Điều 7), quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tuyển chọn, bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quan hệ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và huy động lực lượng thực hiện bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; các hành vi bị nghiêm cấm. Chương II (Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở) gồm 08 điều (từ Điều 8 đến Điều 15), quy định về: Thu thập, tổng hợp, đánh giá về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách; tham gia phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện quy định về phòng, chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tham gia thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội trên địa bàn; tham gia vận động, thuyết phục, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật đã bị xử lý trở về sinh sống tại cộng đồng; bắt người phạm tội quả tang, người bị truy nã, người trốn thi hành án phạt tù; tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và các nhiệm vụ khác về bảo vệ an ninh, trật tự; nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưởng, Tổ phó, Tổ viên Tổ an ninh, trật tự.

Tại Chương III (Xây dựng lực lượng; bảo đảm điều kiện hoạt động; bồi dưỡng, hỗ trợ; giải quyết một số trường hợp khi lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ) gồm 11 điều (tư Điều 16 và Điều 26), quy định về: Bố trí lực lượng, thành lập, công nhận chức danh, báo cáo hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bổ sung số lượng, cho thôi chức danh của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bồi dưỡng, huấn luyện lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nhiệm vụ chi của Bộ Công an; nhiệm vụ chi của địa phương; bố trí địa điểm, nơi làm việc và trang bị của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; giải quyết trường hợp lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh. Chương IV (Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở) gồm 05 điều (từ Điều 27 đến Điều 31), quy định về: Trách nhiệm của Chính phủ; trách nhiệm của Bộ Công an; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Chương V (Điều khoản thi hành) gồm 04 điều (từ Điều 32 đến Điều 35), quy định về: Hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp; sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng quy định về hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp quy định đối với các chức danh Công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ Công an xã được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và xem xét, tuyển chọn người đang hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng để tiếp tục tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều khoản của các luật có liên quan.

Trên cơ sở Tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đọc Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Làm rõ sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Thẩm tra về sự cần thiết ban hành Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với những lý do chính như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc xây dựng Luật này đặt trong tổng thể việc triển khai thực hiện xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy theo Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị và Luật Công an nhân dân.

Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Một số đại biểu cho rằng việc xây dựng, kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, tác động trực tiếp tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở; có nhiều nội dung liên quan đến công tác tổ chức, vị trí pháp lý của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; kinh phí, ngân sách bảo đảm; một số nội dung của dự thảo Luật chưa thống nhất với quy định của một số luật hiện hành; dự thảo Luật cũng chưa đề cập đến các tổ chức tự nguyện, tự quản, các mô hình khác của quần chúng nhân dân đang tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; một số nhóm chính sách mới trong Luật chưa được Chính phủ đánh giá một cách chi tiết, toàn diện, sát thực tiễn. Vì vậy, đề nghị Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm việc xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong một thời gian nhất định, tại một số địa phương để có thời gian tổng kết, đánh giá sự cần thiết cũng như tính khả thi của chính sách trước khi ban hành Luật.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc ban hành Luật này vì cho rằng hiện nay đã thực hiện chính quy Công an xã, đã đảm nhiệm các nhiệm vụ của Công an xã bán chuyên trách khi Luật Công an nhân dân có hiệu lực; lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chỉ là một trong nhiều lực lượng, tổ chức quần chúng tự nguyện tham gia bảo vệ an ninh trật tự và cơ bản chỉ có nhiệm vụ “tham gia” cùng lực lượng Công an chính quy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành nghị định quy định việc sử dụng Công an xã bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Một số đại biểu đề nghị không ban hành Luật này vì cho rằng theo quy định của Luật Quốc phòng và Luật Dân quân tự vệ thì đã có lực lượng Dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh nhân dân nên việc xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ chồng chéo nhiệm vụ.

Thẩm tra về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến; tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính khả thi của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, bám sát và thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng có liên quan, nhất là các chủ trương về xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, trong đó yêu cầu hạn chế tối đa sử dụng ngân sách nhà nước cho các đơn vị cấp thôn, cho các mô hình hoạt động tự nguyện, tự quản ; cải cách chính sách tiền lương, nhất là đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp thôn …

Có đại biểu cho rằng, các quy định về tuyển chọn, thành lập, công nhận chức danh; nơi làm việc, trang bị, trang phục, phù hiệu, giấy chứng nhận và các chế độ, chính sách khác trong dự thảo Luật có thể được hiểu là “chuyên nghiệp hóa”, “chính quy hóa” lực lượng này. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu đảm bảo sự phù hợp, tính khả thi của Luật.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc sắp xếp lực lượng dân phòng vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, vì lực lượng dân phòng được thành lập theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở, nếu giao thêm nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh trật tự có thể sẽ làm giảm hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy.

Có ý kiến khác đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá chính xác số liệu về lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố và Dân phòng hiện nay; phân tích, đánh giá cụ thể hơn về nguồn kinh phí cần thiết để đảm bảo cho lực lượng này hoạt động làm căn cứ trình Quốc hội cho ý kiến.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, dự thảo Luật có nhiều nội dung liên quan đến các chủ trương của Đảng và quy định của các luật khác , qua thảo luận, còn có nhiều ý kiến khác nhau, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ từng nội dung dự thảo Luật nhằm thể chế đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan và bảo đảm tính khả thi.

Về thời điểm trình Quốc hội, đa số ý kiến Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thấy rằng, hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị đúng trình tự, thủ tục và cơ bản đầy đủ tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự án Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và đồng ý bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 10 và thông qua theo quy trình hai kỳ họp.

Một số ý kiến cho rằng Kỳ họp thứ 11 là kỳ họp cuối nhiệm kỳ, thời gian rất ngắn, Quốc hội cần dành nhiều thời gian cho hoạt động tổng kết nhiệm kỳ, trong khi dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở có nhiều nội dung quan trọng, liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân và liên quan đến quy định của một số luật khác; một số nội dung cần được khảo sát, nghiên cứu kỹ, nên đề nghị Quốc hội cân nhắc thông qua dự án Luật này vào thời điểm phù hợp.

Quy định cụ thể hơn chức năng, nhiệm vụ, tránh làm thay nhiệm vụ của Công an xã và chính quyền địa phương

Thẩm tra về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Điều 3), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, có ý kiến cho rằng, tuy khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật xác định vị trí của lực lượng này là lực lượng “quần chúng tự nguyện”, nhưng nhiều quy định của dự thảo Luật về xây dựng lực lượng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động... chưa phù hợp với vị trí, tính chất của lực lượng “quần chúng tự nguyện”. Một số đại biểu đề nghị thể hiện rõ hơn đối với quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở “làm nòng cốt trong lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” tại khoản 1; đồng thời, bổ sung các quy định cụ thể tương ứng trong dự thảo Luật để thể hiện nội dung này.

Có ý kiến đề nghị xác định rõ hơn chức năng “tham gia phối hợp” và “hỗ trợ” của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “tự nguyện” tại Điều này và rà soát thống nhất các quy định có liên quan trong dự thảo Luật và đề nghị cân nhắc việc sử dụng cụm từ “phối hợp” tại Điều này và tại Chương II về nhiệm vụ, quyền hạn vì không phù hợp với vị trí của lực lượng này.

Đa số ý kiến Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thống nhất với quy định về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở như dự thảo Luật Chính phủ trình. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ hơn vị trí “nòng cốt trong lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” và các hoạt động “tham gia phối hợp”, “hỗ trợ” để xác định rõ hơn về địa vị pháp lý của lực lượng này trong việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Về tuyển chọn, bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Điều 5), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định để làm rõ nội dung quy hoạch; thẩm quyền, thủ tục quy hoạch trong xây dựng và bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; không tuyển chọn vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đối với những người đang tham gia Dân quân tự vệ, người đã được sắp xếp vào lực lượng dự bị động viên để tránh chồng chéo trong việc huy động, sử dụng lực lượng, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng này.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn, trình độ văn hóa, độ tuổi, thời hạn phục vụ; quy trình tuyển chọn; điều kiện bố trí lực lượng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và thực tế nguồn nhân lực ở địa bàn cơ sở của mỗi địa phương; vai trò, trách nhiệm của Công an cấp huyện trong công tác quy hoạch, tuyển chọn, bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quản lý, giám sát đối với lực lượng này.

Về vấn đề này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật về tuyển chọn, bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu kỹ các ý kiến nêu trên để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật đảm bảo tính khả thi.

Thẩm tra về quan hệ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (khoản 1 Điều 6), một số ý kiến cho rằng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở không chỉ chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân cấp xã mà còn chịu sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc..., đề nghị rà soát bổ sung cho đầy đủ. Có ý kiến đề nghị bỏ khoản này, vì khoản 1 Điều 30 của dự thảo Luật đã quy định về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp; hơn nữa, giám sát việc tuân thủ pháp luật là nhiệm vụ chung của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đa số ý kiến Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị quy định về mối quan hệ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở theo nguyên tắc đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền và sự chỉ huy, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan Công an; đồng thời đề nghị thể hiện các quy định về mối quan hệ cụ thể hơn, nhất là xác định rõ người trực tiếp chỉ huy; cơ chế quản lý, điều hành, tránh chung chung khó thực hiện.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Chương II dự thảo Luật), một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định 07 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn (Điều 8 đến Điều 14) của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở quá rộng và “nặng”, chưa phù hợp với vị trí của Lực lượng; thiếu cụ thể về phạm vi, mức độ, biện pháp hoạt động; nhiều quy định chưa chặt chẽ và thiếu tính khả thi vì có những nhiệm vụ đòi hỏi người thực hiện phải có hiểu biết nhất định về pháp luật và được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định những nhiệm vụ thể hiện vị trí, chức năng độc lập của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; cụ thể hơn các hoạt động về phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Điều 9); vận động, thuyết phục, cảm hóa, giúp đỡ người vi phạm pháp luật đã bị xử lý trở về sinh sống tại cộng đồng (Điều 12). Đồng thời bổ sung quy định rõ hơn về “quyền hạn” của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, vì Chương II chủ yếu quy định về nhiệm vụ.

Có ý kiến đề nghị rà soát kỹ các nhiệm vụ quy định tại Chương II để thống nhất với các quy định liên quan của pháp luật hiện hành; chỉnh sửa quy định tại Điều 13 về truy bắt, giải “người trốn thi hành án phạt tù” cho thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự. Có ý kiến đề nghị bỏ Điều 13 vì đã được pháp luật quy định.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tại Chương II dự thảo Luật Chính phủ trình. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để quy định cụ thể hơn phạm vi, phương thức, mức độ thực hiện, tránh làm thay nhiệm vụ của Công an xã và chính quyền địa phương; xác định trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, tránh xảy ra “lạm quyền”, xâm phạm quyền con người, quyền công dân khi thi hành luật; đồng thời, rà soát kỹ từng nhiệm vụ, quyền hạn cho phù hợp với vị trí của Lực lượng; thống nhất với quy định của các luật có liên quan; đảm bảo chặt chẽ và có tính khả thi.

Thẩm tra về việc bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, một số ý kiến nhất trí quy định tại khoản 1 Điều này về thành lập Tổ an ninh trật tự ở thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và đơn vị dân cư tương đương vì phù hợp với thực tế tình hình bố trí Tổ bảo vệ dân phố, Đội dân phòng hiện nay, cũng như việc bố trí Công an xã bán chuyên trách trước đây theo quy định của Pháp lệnh Công an xã.

Có đại biểu cho rằng, thôn, tổ dân phố, các đơn vị dân cư tương đương không phải là một cấp hành chính, nên việc bố trí Tổ an ninh trật tự cần tính toán phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và tình hình thực tế.

Theo đánh giá của Chính phủ, sau khi bố trí, sắp xếp lại 03 lực lượng để thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trậ tự ở cơ sở sẽ giảm khoảng 500.000 người trên toàn quốc, nhưng chưa phân tích cụ thể theo địa bàn đô thị và địa bàn nông thôn. Hiện nay ở đô thị có lực lượng Bảo vệ dân phố và Dân phòng được bố trí ở tổ dân phố, nếu ghép thành 01 lực lượng có thể giảm số lượng; nhưng ở nông thôn không có lực lượng Bảo vệ dân phố (chỉ có Công an xã bán chuyên trách bố trí 01 công an viên/thôn) thì sau khi tổ chức lại lực lượng có thể sẽ làm tăng số lượng ở khu vực này. Mặt khác, ở đô thị (nhất là các thành phố lớn), mặc dù tổ dân phố có quy mô dân số lớn hơn ở nông thôn nhưng thực tế diện tích bố trí dân cư rất nhỏ (thậm chí chỉ trong 1 khu chung cư), nếu bố trí Tổ an ninh trật tự theo tổ dân phố thì không thực tế và sẽ khó khăn trong việc phân định phạm vi nhiệm vụ theo địa bàn hoạt động.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng việc bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là nội dung quan trọng, Luật cần phải có những quy định chặt chẽ về nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục; đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để hoàn thiện dự thảo Luật đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, đúng chủ trương, đường lối của Đảng và đảm bảo tính khả thi.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Chương IV), một số số ý kiến nhất trí quy định giao Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, cần rà soát nội dung cụ thể về trách nhiệm của bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để đảm bảo tính thống nhất, tính khả thi.

Có ý kiến đề nghị quy định Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về chuyên môn, nghiệp vụ, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng, tuyển chọn, bố trí lực lượng, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng này, vì đây là tổ chức quần chúng tự nguyện, hoạt động không chuyên trách ở cơ sở.

Một số đại biểu đề nghị cân nhắc quy định quản lý nhà nước đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở vì cho rằng đây là lực lượng “tự nguyện”, chỉ cần quản lý hoạt động của lực lượng này là được. Có ý kiến đề nghị bỏ chương này vì nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ và chính quyền địa phương đã được quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và việc phân công trách nhiệm cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Để phục vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cũng trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội quan tâm nghiên cứu, cho ý kiến về một số nội dung: Sự cần thiết ban hành và thời điểm thông qua dự án Luật. Sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến; tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính khả thi của dự thảo Luật. Vị trí, chức năng (Điều 3) và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (Chương II dự thảo Luật); làm rõ nhiệm vụ tham gia, hỗ trợ Công an chính quy và nhiệm vụ độc lập của lực lượng. Tuyển chọn, bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (Điều 5) và bố trí lực lượng, thành lập, công nhận các chức danh của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (Điều 16). Bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (mục 2 Chương III) và bồi dưỡng, hỗ trợ; giải quyết một số trường hợp khi lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ (mục 3 Chương III)./.

Như Hương - Công Thọ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bo-tri-to-an-ninh-trat-tu-can-phu-hop-yeu-cau-nhiem-vu-va-tinh-hinh-thuc-te-399786.html