Bố trí nguồn lực thực hiện kịp thời chính sách vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Sáng 23-10, các đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực; góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu đặt ra thì Báo cáo của Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng bám sát Nghị quyết 100 để đánh giá, đối chiếu với thực tế thực hiện, từ đó làm rõ những mục tiêu đạt được, những mục tiêu còn dở dang; cần làm rõ nguồn vốn phân bổ cho từng mục tiêu; tính ổn định, bền vững và thực chất của các chương trình; những vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn lực…

Báo cáo Đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi (giai đoạn 2016 - 2018) do Chủ nhiệm, Bộ trưởng Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày nêu rõ: Các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực cao độ cho công tác giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đạt kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đề ra. Từ năm 2016 đến năm 2018, Chương trình 135 đã đầu tư 9.106 công trình, duy tu, bảo dưỡng 3.295 công trình; hỗ trợ trực tiếp cho 1,512 triệu hộ nghèo, cận nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 1,4 triệu hộ dân tộc thiểu số vay 45.194 tỷ đồng (chiếm 24,7% tổng dư nợ) để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đạt kết quả bước đầu quan trọng; công tác bảo vệ, phát triển rừng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có bước chuyển biến tích cực.

Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi (nhất là những chủ trương, chính sách lớn), để có cơ sở xây dựng, ban hành chính sách mới cho giai đoạn tiếp theo, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của việc thực hiện chính sách trong giai đoạn vừa qua. Hằng năm, Chính phủ cân đối, bố trí nguồn lực thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

B.T – T.T

Chiều 23-10, sau khi nghe báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT- TT đối với ông Trương Minh Tuấn.

Quốc hội tiến hành phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT-TT đối với ông Trương Minh Tuấn bằng bỏ phiếu kín.

Sau khi nghe công bố kết quả kiểm phiếu và dự thảo Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT- TT với ông Trương Minh Tuấn, Quốc hội đã biểu quyết, thông qua Nghị quyết với đại đa số phiếu tán thành.

Quốc hội cũng đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình về phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT- TT.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_197161_bo-tri-nguon-luc-thuc-hien-kip-thoi-chinh-sach-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui.aspx