Bố trí người đứng đầu cấp ủy không phải là người địa phương: Những vấn đề đặt ra

Chủ trương điều động, luân chuyển (ĐĐ, LC) cán bộ kết hợp với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện, cấp xã không phải là người địa phương được tỉnh Thanh Hóa triển khai trong thời gian dài. Qua thực tiễn công tác, những cán bộ được ĐĐ, LC về địa phương đã phát huy năng lực, tâm huyết, được cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Đồng chí Lê Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân (người ngoài cùng bên trái) thăm mô hình chuyển đổi diện tích trồng keo kém hiệu quả sang trồng xoài keo và chanh leo của hộ gia đình anh Hà Đình Toa, thôn Lâm Chính, xã Thanh Xuân (Như Xuân).

Nhiều tác động tích cực

Tháng 4-2020, đồng chí Nguyễn Thái Sơn nhận quyết định điều động từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nông Cống về đảm trách chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vạn Hòa. Việc thay đổi nhiệm vụ và phương thức quản lý từ cấp huyện sang cấp xã, đặc biệt lại không phải người địa phương nên thời gian đầu công tác không tránh khỏi những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với kinh nghiệm được tích lũy nhiều năm ở cương vị Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, đồng chí Sơn đã nhanh chóng nắm bắt địa bàn, gặp gỡ cán bộ, công chức, các tổ chức, chi bộ, đoàn thể, các đồng chí lãnh đạo chính quyền để tìm ra cách thức giải quyết công việc phù hợp nhất. Đồng chí đã trực tiếp đối thoại, lắng nghe và giải quyết triệt để những ý kiến, kiến nghị của các tổ chức đoàn thể, Nhân dân, tạo niềm tin của đảng viên và người dân địa phương. Khó khăn bởi địa bàn mới nhưng theo đồng chí Sơn, khi giải quyết công việc, không bị ảnh hưởng, tác động bởi những yếu tố liên quan đến gia đình, họ hàng, bạn bè nên hoàn toàn dân chủ, khách quan. Thêm vào đó, những khó khăn và thuận lợi ở địa bàn mới đã tạo cơ hội để bản thân đồng chí được trải nghiệm, cọ xát và trưởng thành hơn trong công việc.

Anh Nguyễn Văn Thanh, người dân thôn Đồng Thọ, xã Vạn Hòa, cho biết: Từ khi đồng chí Nguyễn Thái Sơn được ĐĐ, LC về xã, việc sử dụng nước sạch tập trung, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa và xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của địa phương có những chuyển biến rõ nét. Từ chỗ chỉ có 8 hộ sử dụng nước sạch tập trung (năm 2020), hiện Vạn Hòa đã tăng lên gần 80% dân số được sử dụng nước sạch. Tháng 11-2021, xã Vạn Hòa đã hoàn thành chương trình XDNTM nâng cao và trở thành địa bàn có nền tảng kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ổn định, vững chắc; Nhân dân tin tưởng, ủng hộ, đồng thuận cao.

Xác định ĐĐ, LC là cơ hội để rèn luyện, thử thách và trưởng thành, tháng 7-2020, khi được điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân, đồng chí Lê Tuấn Anh, nguyên Chánh Thanh tra huyện Như Xuân đã nhanh chóng vượt qua bỡ ngỡ, cùng tập thể cấp ủy cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương đạt hiệu quả. Cuối tháng 12-2021, Thanh Xuân là xã duy nhất của huyện Như Xuân đã ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã giai đoạn 2022-2025. Đến tháng 5-2022, nghị quyết đã nhanh chóng được đảng bộ xã “hiện thực hóa” với những kết quả bước đầu: chuyển đổi được 11 ha cây xoài keo, 0,5 ha cây chanh leo, 3 ha cây dổi lấy hạt từ diện tích đất trồng sắn, keo hiệu quả kinh tế thấp. Trong XDNTM, xã đã ban hành cơ chế hỗ trợ xi măng, gạch để cứng hóa đường, ngõ và xây dựng 3 công trình vệ sinh. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 33,5 triệu đồng/năm, tăng 3,5 triệu đồng so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6,78%... Kết quả đạt được là minh chứng cho thấy sự đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã Thanh Xuân và vai trò của đồng chí đứng đầu cấp ủy.

Theo đồng chí Lê Văn Thuận, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Như Xuân: Nhiệm kỳ 2015-2020, huyện đã tập trung chỉ đạo luân chuyển từ huyện về xã 20 đồng chí, từ cấp xã lên huyện 3 đồng chí, giữa các xã với nhau 25 đồng chí và từ đơn vị này sang đơn vị khác 27 đồng chí. Qua công tác ĐĐ, LC đã tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ luân chuyển tiếp cận, giải quyết các vấn đề mới nảy sinh ở cơ sở và những lĩnh vực công tác khác nhau; cán bộ luân chuyển đã được rèn luyện, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong nhiệm vụ được giao. Mặt khác, qua ĐĐ, LC cũng mở ra nhiều thuận lợi cho công tác bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Nhiều năm qua, Ðảng bộ tỉnh đã ĐĐ, LC một số cán bộ trẻ về giữ vị trí chủ chốt ở các địa phương nhằm thử thách và đào tạo cán bộ. Điển hình như ở huyện Hà Trung, tháng 5-2020, đồng chí Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư được điều về giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy Hà Trung, giới thiệu ứng cử để HĐND huyện bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện, nhiệm kỳ 2016-2021. Với trách nhiệm được giao, đồng chí cùng tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy đã lựa chọn những công việc trọng điểm để chỉ đạo thực hiện: công tác quy hoạch và phát triển kinh tế, XDNTM. Từ các nội dung đột phá này, huyện đã tổ chức triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước làm thay đổi “bộ mặt” của địa phương. Hiện Hà Trung đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch mở rộng thị trấn đến năm 2035; điều chỉnh quy hoạch đến năm 2045 2 đô thị: Hà Long, Hà Lĩnh; đang hoàn thành quy hoạch, trình phê duyệt đô thị Cừ, đô thị Gũ... Trong phát triển nông nghiệp và XDNTM, huyện đã xây dựng kế hoạch hành động, đề ra 9 giải pháp chủ yếu, giao các phòng, ban, đơn vị thực hiện; UBND các xã, thị trấn chủ động lập kế hoạch, phương án để triển khai tổ chức đảm bảo chất lượng, tiến độ và thời gian. Đến tháng 4-2022, Hà Trung đã có 15/19 xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, bình quân đạt 17,3 tiêu chí/xã. Toàn huyện đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2023 đạt chuẩn NTM.

Qua thực tế cho thấy, những cán bộ được ĐĐ, LC về giữ chức vụ bí thư cấp ủy, cấp huyện và xã thời gian qua đã phát huy được vai trò, giải quyết được nhiều vấn đề còn tồn tại của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, những cán bộ được ĐĐ, LC hầu hết đều là những người có trình độ, năng lực, có kinh nghiệm lãnh đạo, được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện ở cơ sở nên đã ghi dấu ấn đậm nét ở địa bàn công tác, tạo sự đoàn kết trong tập thể cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần quan trọng vào sự bứt phá của địa phương.

Nhân lên niềm tin của Nhân dân với Đảng

Chủ trương bí thư cấp ủy không phải là người địa phương đã được tỉnh Thanh Hóa thực hiện từ rất sớm. Cụ thể, ngay sau khi có Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung chỉ đạo quán triệt, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả; đẩy mạnh công tác ĐĐ, LC cán bộ gắn với chủ trương người đứng đầu cấp ủy không phải là người địa phương. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, tỉnh đã đưa công tác này trở thành nền nếp, thường xuyên trong công tác cán bộ. Trong đó, coi trọng việc ĐĐ, LC cán bộ trẻ, có triển vọng; kiên quyết không ĐĐ, LC đối với cán bộ có khuyết điểm, hạn chế về năng lực, uy tín. Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ĐĐ, LC 75 lượt cán bộ. Đến nay, có 25/27 huyện, thị xã, thành phố (chiếm 92,6%) và 343/559 xã, phường, thị trấn (chiếm 61,3%) bố trí 1 trong 3 chức danh chủ chốt không là người địa phương. Về hình thức luân chuyển, tỉnh ưu tiên luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trên xuống cấp dưới, nhằm đảm bảo cán bộ chủ chốt cấp trên phải kinh qua chức vụ chủ chốt cấp dưới.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, việc ĐĐ, LC cán bộ từ nơi khác về giữ vị trí người đứng đầu cấp ủy đã tạo nên đột phá trong công tác cán bộ, mang lại những luồng gió mới cho cơ sở, tạo được sự đồng thuận, tăng niềm tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền. Những cán bộ qua quá trình ĐĐ, LC đều khẳng định được năng lực, uy tín; một số đồng chí được bố trí, sắp xếp chức vụ cao hơn sau luân chuyển. Đặc biệt, đối với những địa phương, đơn vị có cán bộ ĐĐ, LC đến, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đã có sự chuyển biến tiến bộ; công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành từng bước được chấn chỉnh, nền nếp, kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo dân chủ; các vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở nhìn chung đã được xử lý, giải quyết kịp thời. Đó là yếu tố bền vững nhất để các đồng chí bí thư cấp ủy dù không phải là người địa phương nhưng vẫn bồi đắp niềm tin nơi tập thể CB, ĐV và thu được những “lá phiếu tín nhiệm” từ đảng viên, quần chúng Nhân dân.

Cần linh hoạt trong thực hiện

Một trong những định hướng về công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ tỉnh là “đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ ở tất cả các khâu, đặc biệt là khâu đánh giá cán bộ và luân chuyển cán bộ”. Bên cạnh việc đồng tình với chủ trương ĐĐ, LC cán bộ, quá trình tìm hiểu ở cơ sở, chúng tôi ghi nhận được một số tâm tư, băn khoăn. Một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện ĐĐ, LC, bố trí người đứng đầu không phải là người địa phương phải làm theo chủ trương chung. Tuy nhiên, để CB, ĐV và Nhân dân địa phương tiếp nhận “tâm phục, khẩu phục” thì cấp ủy cấp trên phải chú trọng lựa chọn con người vừa có năng lực chuyên môn tốt, vừa có tinh thần trách nhiệm cao và khả năng quy tụ sự đoàn kết, đồng thuận của tập thể. Nếu không thì sẽ là “điểm” khó cho người được ĐĐ, LC và cho cả địa phương, bởi khi chọn cán bộ không chuẩn thì sẽ ảnh hưởng đến phong trào chung của địa phương.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, tỉnh cũng cần có quy chế quy định “hàm” nào thì ĐĐ, LC, bố trí vị trí nào để vừa đảm bảo tính thống nhất, vừa đáp ứng mục tiêu luân chuyển là đào tạo cán bộ và giúp địa phương phát triển. Đồng thời, không nên thực hiện ĐĐ, LC, bố trí người chỉ còn một nhiệm kỳ hoặc chưa đầy nhiệm kỳ công tác đã đến tuổi nghỉ hưu, bởi như vậy chỉ đạt được mục tiêu bố trí người đứng đầu cấp ủy không phải là người địa phương, nhưng không đạt được mục tiêu đào tạo cho cán bộ.

Nhằm góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp, mới đây, ngày 28-4-2022, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Quy định số 65 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. Trên cơ sở kế thừa các quy định của Quy định số 98-QĐ/TW, ngày 7-10-2017 của Bộ Chính trị, Quy định số 65 sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng, chức danh luân chuyển; nguyên tắc bố trí cán bộ sau luân chuyển và chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển. Đối với nguyên tắc bố trí chức danh khi luân chuyển, Quy định số 65 có quy định “uyển chuyển” hơn khi bổ sung: “Cơ bản thực hiện theo nguyên tắc bố trí giữ chức vụ tương đương với chức vụ đang đảm nhiệm. Trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí chức vụ cao hơn chức vụ đang đảm nhiệm đối với cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội, có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chức vụ dự kiến phân công, bố trí”. Về nguyên tắc bố trí cán bộ sau luân chuyển, Quy định 65 bổ sung thêm quy định: “Trường hợp cán bộ luân chuyển được cấp có thẩm quyền quyết định tiếp tục bố trí ổn định công tác ở địa phương, đơn vị nơi đến thì không còn xem là cán bộ luân chuyển theo quy định”...

Kết quả đạt được từ công tác bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện, xã không phải người địa phương và những điểm mới trong Quy định số 65 sẽ là nền tảng quan trọng để Thanh Hóa thực hiện những mục tiêu, chiến lược trong giai đoạn mới đưa tỉnh phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn, phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.

Phan Nga

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/bo-tri-nguoi-dung-dau-cap-uy-khong-phai-la-nguoi-dia-phuong-nhung-van-de-dat-ra/158859.htm