Bố trí đủ nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020; kế hoạch năm 2021; mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra ngày 3-11, đại biểu Triệu Thu Phương (Bắc Kạn) có ý kiến về chính sách phát triển rừng và đề xuất Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 để thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương. Ảnh: CTV

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương. Ảnh: CTV

Theo đại biểu Triệu Thị Thu Phương, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và thiên tai trong những năm cuối của giai đoạn, giữ cho nền kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, đời sống nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS, miền núi, khu vực biên giới, hải đảo được nâng lên.

Về các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, đại biểu Triệu Thị Thu Phương cho biết, sau 5 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững đã hoàn thành các mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, với quy mô đầu tư của chương trình trong cả giai đoạn vẫn còn một số chương trình, dự án chưa thật sự hiệu quả, thiếu bền vững. Một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội chậm được phân bổ vốn, có những chương trình việc bố trí vốn chỉ đạt khoảng 68% dự toán. Tổng số vốn đã bố trí để thực hiện chính sách liên kết vùng mới đạt khoảng 46% kế hoạch và 30% số dự án chưa hoàn thành. Do đó, chất lượng tăng trưởng vùng đồng bào DTTS chưa được cải thiện nhiều, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS còn cao.

“Để đưa vùng DTTS, miền núi phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 để có sự chuyển tiếp phù hợp. Đồng thời, trước khi trình Quốc hội có chủ trương đầu tư, Chính phủ cần đánh giá tổng thể 21 chương trình hỗ trợ đang thực hiện vì có một số nội dung trùng lặp với nội dung chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn tới. Đặc biệt, Quốc hội, Chính phủ cần bố trí đủ nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu giai đoạn, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo phù hợp với thực tiễn các tỉnh miền núi, vùng khó khăn để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững vùng DTTS, miền núi”. - Đại biểu Triệu Thị Thu Phương nhấn mạnh.

Ngoài thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Triệu Thị Thu Phương cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, ngân sách Nhà nước đầu tư cho cơ sở hạ tầng lâm nghiệp và phát triển sản phẩm từ lâm nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, các sản phẩm từ rừng mới chỉ là nguồn nguyên liệu chứ chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và trở thành giải pháp giảm nghèo hiệu quả cho các địa phương, nhất là ở khu vực miền núi, nơi ảnh hưởng trực tiếp đến việc biến đổi khí hậu và nguy cơ thiên tai. Do đó, đề nghị Quốc hội xem xét có chương trình, chính sách phát triển lâm nghiệp và vùng nguyên liệu lâm nghiệp đối với khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Coi phát triển lâm nghiệp là giải pháp quan trọng thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, làm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, là giải pháp thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bo-tri-du-nguon-luc-thuc-hien-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-phat-trien-ben-vung-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-mien-nui-post434792.html