Bộ tộc săn bắt rắn ở Ấn Độ

Một cây lưỡi hái nhỏ, một cây gậy sắt và một lô lốc túi vải thô là tất cả những gì mà Kali và Vedan mang theo khi họ tiến sâu vào những khu đồng cỏ ở miền Nam Ấn Độ để bắt những con rắn độc bậc nhất thế giới. Chỉ một nhát cắn cũng có thể khiến họ mất mạng tức thì.

Kali cầm trên tay chú rắn mới bắt được. (Nguồn: Getty).

Kali cầm trên tay chú rắn mới bắt được. (Nguồn: Getty).

Kỹ năng bắt rắn của họ được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác trong cộng đồng bộ tộc Irula, và là những kỹ năng sống còn. Chính những kỹ năng này cũng đóng góp không nhỏ cho ngành sản xuất chất chống độc ở một quốc gia nơi có số lượng người chết vì bị rắn cắn cao nhất thế giới.

Kể từ khi bắt đầu vào những năm 1970, hoạt động săn bắt rắn của bộ tộc Irula ở vùng ngoại ô thành phố Chennai đã tạo nên một cuộc cách mạng trong sản xuất chất chống nọc độc rắn ở Ấn Độ, cho phép đất nước này sản xuất đủ lượng chất chống độc để cung cấp cho các bệnh viện trên khắp cả nước. Và hoạt động này cũng mang lại nguồn thu nhập cho bộc tộc Irula - một trong những nhóm người sống biệt lập nhất trong khu vực từng có thời chuyên đi săn rắn để bán da lấy tiền cho mãi đến khi hoạt động này bị cấm vào năm 1972.

Kali cho hay ông học hỏi kỹ năng lần dấu vết và bắt rắn từ cha của mình, người từng là thợ săn rắn có tiếng trong tộc Irula. Và giờ đây, người đàn ông 36 tuổi này cũng sử dụng những kỹ năng tương tự để săn bắt rắn trong hoạt động phối hợp với chính quyền. Mỗi đợt đi săn kéo dài 1 tháng, Kali nhận được giấy phép của Chính phủ Ấn Độ, trích xuất nọc độc từ rắn và thả chúng trở lại thiên nhiên.

Trích xuất nọc rắn.

Trong tháng vừa rồi, Kali nhận nhiệm vụ đi bắt rắn lục hoa cân (Saw-scaled Viper) và rắn hổ bướm (Russell’s Viper) - 2 trong số 4 loài rắn độc nhất của Ấn Độ - tuân thủ một hệ thống tiêu chuẩn khắt khe nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nọc độc thu được từ chúng.

Chỉ trong vòng 20 phút lần dấu vết trên những khu đồng cỏ cách tuyến đường cao tốc hơn 1 km, Kali đã phát hiện ra một chú rắn nhỏ ẩn mình dưới một lớp vỏ cây, làn da đầy đốm màu nâu của nó nhìn khá rõ trong nền cây cối. Vài phút sau, đối tác của Kali là Vedan đã khéo léo chộp gọn chú bò sát bằng bàn tay không, và thả nó vào túi vải thô, thắt nút thật chặt và cho vào một chiếc rổ nhựa.

“Đó là một con rắn lục hoa cân đực trưởng thành, một trong những loài rắn độc nhất” - Kali nói - “Vào mùa đông, chúng thường thích lẩn trốn trong lớp vỏ cây, đó là nơi mà chúng tôi thường tìm thấy chúng”.

Kali được trả 300 rupee (4,5 USD) cho mỗi con rắn mà ông bắt được theo chương trình của Chính phủ, và nếu bắt được một con rắn hổ mang, ông có thể nhận được khoản tiền thưởng lên tới 2.500 rupee.

Đôi lúc, khi may mắn, Kali có thể nhanh chóng bắt được một chú rắn, nhưng có lúc phải đi lần mò nhiều ngày mà không thể bắt được chú nào. Tuy nhiên, khoản tiền thưởng vẫn giúp Kali nuôi sống gia đình mình và cho con cái đi học - điều mà ông không thể trước kia.

Những hũ đựng rắn độc tại trung tâm chiến dịch săn bắt rắn của người Irula. (Nguồn: Getty).

Chiến dịch săn bắt rắn để lấy nọc độc - được khởi xướng bởi nhà bảo tồn thiên nhiên người Mỹ Rom Whitaker và hiện đang được chính quyền bang thực hiện - sẽ giữ những con rắn mà thợ săn bắt được trong vòng 1 tháng để thu nọc độc của chúng 4 lần. Sau đó, họ chế ra một lượng nọc độc đã giảm nhẹ để tiêm vào những con ngựa. Những con ngựa này sản sinh ra những chất kháng độc, và các nhà nghiên cứu trích xuất sinh kháng thể này để chế ra chất chống độc rắn.

Hiện nay, đây là cách chữa trị duy nhất đối với những vết cắn của rắn độc trên cơ thể người. Tuy nhiên, người Irula cũng thường sử dụng một số loại thảo dược mà họ cho là có tác dụng kéo dài thời gian phát tán độc rắn, để có thêm thời gian chuyển tới bệnh viện.

Ấn Độ có khoảng 244 chủng loại rắn khác nhau và 4 loại rắn độc nhất gồm rắn hổ mang, rắn cạp nong, rắn lục hoa cân và rắn hổ bướm. Theo giới chuyên gia, có hàng nghìn người chết vì bị rắn độc cắn hàng năm ở Ấn Độ. Chịu rủi ro nhất chính là những người nông dân, bởi họ thường xuyên bị rắn cắn mỗi khi ra đồng.

Các con số thống kê của Chính phủ Ấn Độ cho thấy số người chết vì bị rắn cắn ngày càng tăng theo từng năm, nhưng con số này ghi nhận chưa đủ bởi phần lớn các nạn nhân thường không đến bệnh viện. Một bản báo cáo năm 2011 cho thấy số người chết vì rắn cắn mỗi năm ở Ấn Độ lên tới 46.000 người.

Những người dân sinh sống gần khu vực săn băt rắn của người Irula cho hay rắn thường xuyên bò vào nhà của họ, đôi lúc cắn họ trong lúc họ đang say giấc. “Trong làng của tôi, có người mới bị rắn cắn. Ông ấy được chuyển tới bệnh viện và sau đó đã hồi phục” - Maragadham, một cư dân 36 tuổi, cho hay.

Nhưng người này cũng cho biết thêm: “Rắn có thể bò vào bất cứ nhà nào trong vùng này, nhưng giờ chúng không phải một mối đe dọa với chúng tôi nữa”. Điều này là do, phần lớn các cơ sở y tế trên khắp Ấn Độ giờ đã có đủ nguồn cung chất chống độc rắn.

Trở lại với chuyến đi săn, Kali và Vedan bắt đầu bỏ số rắn mà họ bắt được vào một chiếc bình đất, chuẩn bị cho quá trình trích xuất nọc rắn. Họ lấy một con rắn ra, nắm chặt phần đầu của nó và dí sát vào một mảnh da mỏng đặt trên phần chóp của một chiếc ống thủy tinh dài.

Khi con rắn mở hàm và nhe nanh vào tấm vải, một dòng chất lỏng chết người dần dần chảy vào chiếc ống thủy tinh.

“Rắn cần phải cắn bởi đó là lúc mà chúng phóng ra nọc độc” - Kali giải thích, cùng lúc lấy một vài miếng vảy từ da con rắn để chứng minh là việc triết xuất nọc độc đã được thực hiện - “Chúng tôi không được học hành, cũng không hứng thú với bất cứ việc gì khác. Công việc này rất quan trọng và mang tính chất thiêng liêng đối với chúng tôi”.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kham-pha/bo-toc-san-bat-ran-o-an-do-tintuc424570