Bộ TN&MT đề nghị EVN đồng hành thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị EVN đồng hành thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.Tham dự cùng buổi làm việc về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Lê Công Thành cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ. Về phía Tập đoàn EVN có Chủ tịch HĐTV Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc Ngô Sơn Hải cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc EVN.

Lãnh đạo Bộ TN&MT làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Lãnh đạo Bộ TN&MT làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh EVN là tập đoàn quan trọng của đất nước, góp phần duy trì và ổn định, bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước. Trong những nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho EVN thì công tác bảo vệ môi trường cũng là một nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị tại buổi làm việc này, hai bên sẽ trao đổi thẳng thắn để phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như EVN sẽ hiểu thêm và cùng chia sẻ những khó khăn trong quá trình phối hợp công tác.

Phó Tổng giám đốc Ngô Sơn Hải phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, thay mặt tập đoàn EVN, Phó Tổng giám đốc Ngô Sơn Hải cho biết, EVN đã kiện toàn cơ cấu tổ chức và hệ thống quản lý môi trường, trong đó EVN đã ban hành các quy chế, quy định như "Quy định về công tác quản lý và bảo vệ môi trường"; "Định hướng chiến lược môi trường của Tổng công ty Điện lực Việt Nam"; “Quy chế quản lý và bảo vệ môi trường của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”…

Ngoài Quy chế quản lý và bảo vệ môi trường, gần đây trong năm 2018 EVN đã tiến hành xây dựng và ban hành Quy trình bảo vệ môi trường (BVMT) thực hiện trong các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, các công trình đường dây và trạm biến áp. Quy trình BVMT nói trên giúp các đơn vị thực hiện công tác BVMT tại đơn vị bài bản, đầy đủ, đều đặn. Quy trình BVMT cũng là cơ sở để công tác kiểm tra đánh giá trong đơn vị nói riêng, trong toàn EVN nói chung được thống nhất xuyên suốt.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại buổi làm việc

Đối với sự phối hợp giữa Bộ TN&MT và EVN, ông Ngô Sơn Hải chia sẻ, mối quan hệ công tác của EVN và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có từ rất lâu, thông qua các công việc cụ thể, các dự án hợp tác thực hiện chung, các hội thảo, hội nghị, các đợt đi kiểm tra, công tác trong và ngoài nước...

Và theo ông Ngô Sơn Hải, buổi làm việc hôm nay có sự có mặt của lãnh đạo Bộ cũng như lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT đến EVN làm việc, hướng dẫn, chia sẻ các kinh nghiệm và chỉ đạo công tác BVMT cho EVN. Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình thực hiện công tác BVMT ở một doanh nghiệp lớn như EVN.

Lãnh đạo Tổng công ty phát điện 1 phát biểu

Tại buổi làm việc, các đơn vị Bộ TN&MT lắng nghe và giải đáp đầy đủ những ý kiến của lãnh đạo EVN cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị Tổng công ty phát điện 1, Tổng công ty phát điện 3 những vướng mắc liên quan đến các nhiệm vụ thực hiện về luật bảo vệ môi trường trong các công tác về đánh giá tác động môi trường; Luật tài nguyên nước, Luật tài nguyên và môi trường biển và hải đảo; Nghị định 38 đối với tro xỉ… Theo đó các đơn vị chuyên môn của Bộ TN&MT khuyến nghị EVN cần thực hiện đổi mới các công nghệ khi triển khai các nhà máy nhiệt điện than để giảm lượng chất thải phát sinh; bảo đảm kiểm soát nghiêm ngặt nguồn nước thải, hạn chế tác động tiêu cực đến nguồn nước tiếp nhận; đối với các dự án có hợp phần nhận chìm thì đề nghị EVN chỉ đạo các đơn vị thành viên có liên quan trong việc cấp phép nhận chìm và giao khu vực biển để nhận chìm thực hiện nghiêm túc các ý kiến, kết luận mà Bộ TN&MT đã gửi để hoàn thiện các hồ sơ dự án…

Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Bộ TN&MT luôn ủng hộ những chủ trương của EVN để đảm bảo nhu cầu năng lượng phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Để đảm bảo cho tiến độ phát triển dự án, Bộ TN&MT đã có quyết định cho liên thông các thủ tục hành chính để mỗi dự án có các nội dung thuộc quyền đánh giá của Bộ thì có thể tiến hành triển khai đồng loạt, tránh việc xử lý hợp phần này xong rồi mới sang hợp phần mới như trước kia, đây là một việc được các đơn vị trong và ngoài Bộ đánh giá rất hiệu quả. Đồng thời, cũng đề nghị EVN đầu tư nguồn lực để thực hiện nghiên cứu khoa học và công nghệ, xây dựng hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường công nghệ dự báo về dự báo mưa, giám sát lũ. Từ đó, Tổng cục Khí tượng Thủy văn sẽ tổ chức thực hiện việc quan trắc, dự báo cảnh báo theo chế độ và cung cấp các thông tin, số liệu cho các đơn vị có liên quan theo quy định trong đó có EVN và các đơn vị trực thuộc liên quan như Trung tâm Điều độ điện Quốc gia (A0), các nhà máy thủy điện.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành ghi nhận những ý kiến đóng góp của các thành viên đoàn làm việc của Bộ TN&MT. Với những vấn đề tồn tại của EVN, Chủ tịch Dương Quanh Thành sẽ chỉ đạo các đơn vị thành viên sớm thực hiện để các dự án của Tập đoàn EVN sớm triển khai để kịp với kế hoạch đặt ra.

Đối với những vấn đề cần phối hợp với các Ban, Bộ, ngành, địa phương về vấn đề xả nước phục vụ tưới tiêu, tìm giải pháp khắc phục vấn đề trượt sạt đồi ông Tượng (tỉnh Hòa Bình), Chủ tịch Dương Quanh Thành sẽ báo cáo và họp các bên lại để cùng nhau tìm hướng giải quyết và đưa ra phương án thống nhất chung.

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành phát biểu

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, những dự án thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT cấp phép thì Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo EVN phải đồng hành giám sát và đôn đốc các đơn vị trực thuộc thực hiện theo các yêu cầu của Bộ TN&MT để hoàn thiện các hồ sơ dự án. Đồng thời, phải gắn trách nhiệm cụ thể tới từng đơn vị tham gia.

Đối với những đề xuất của EVN về chất thải rắn và lượng xỉ phát sinh lớn trong quá trình vận hành nhà máy nhiệt điện than, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị về lâu dài cần phải có lộ trình đổi mới các công nghệ cũ thay thế bằng các công nghệ tiên tiến nhất của thế giới để giảm lượng chất thải cũng như giảm sự khí thải. Thay đổi công nghệ cũng giảm lượng nước làm mát, nước thải, đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn khi thải ra môi trường.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề nghị EVN cần tính toán kỹ lưỡng cũng như phối hợp với các đơn vị khác để xây dựng một hệ thống cảng lớn, trung tâm, để phục vụ cho công tác vận chuyển cũng như nạo vét tránh việc phát triển nhỏ lẻ như hiện nay.

Để giải quyết vấn đề bảo đảm hiệu quả sử dụng nước cho thủy điện và các mục đích khác cũng như chống thảm họa về nước khi có lũ và cắt lũ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị EVN cùng với Tổng cục Khí tượng thủy văn hai bên cùng phối hợp để trao đổi, cung cấp số liệu đưa ra các dự báo cũng như điều tiết lưu lượng nước một cách hợp lý, khoa học trong mọi thời điểm của thời tiết.

Quang cảnh buổi làm việc ngày 9/5 tại trụ sở EVN

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, EVN cần đầu tư thêm các thiết bị giám sát, công khai các số liệu giám sát để xã hội, người dân có thể nắm bắt được chất lượng môi trường, không khí; Lựa chọn các công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại, tăng cường đội ngũ nhân sự, các cơ quan chuyên trách đủ năng lược và chịu trách nhiệm về các vấn đề bảo vệ môi trường…

Đặc biệt, phát biểu với các lãnh đạo chủ chốt của EVN, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong quá trình ứng phó toàn cầu với biến đổi khí hậu, Việt Nam và 178 quốc gia đã cam kết thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris, một thỏa thuận quốc tế đầu tiên theo Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam cam kết trong giai đoạn 2021-2030 sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường tới năm 2030. Để làm được điều này, Bộ TN&MT mong muốn EVN xem xét lại cơ cấu nhiệt điện, điện khí, thủy điện… trên cơ sở đó đưa ra lộ trình và điều chỉnh điện VII sang điện VIII với việc tái cơ cấu lại giảm dần các dự án nhiệt điện và tăng cường các dự án điện tái tạo để đưa ra lộ trình cắt giảm khí nhà kính và đồng hành trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris.

Khương Trung

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/thoi-su/bo-tn-mt-de-nghi-evn-dong-hanh-thuc-hien-thoa-thuan-paris-ve-bien-doi-khi-hau-1269033.html