Bỏ tiền triệu mua cây chơi tết nhận về trái đắng

Nhiều người bỏ tiền triệu mua cây cảnh về trưng bày trong nhà dịp Tết nhưng vài hôm đã héo, nhận ra đó chỉ là cây giả lừa người tiêu dùng.

Ngày 13/2/2021, chia sẻ với Đất Việt, anh Đặng Trung Kiên (35 tuổi, ngụ tỉnh Nam Định) ngậm ngùi cho biết, gia đình vừa phải bỏ đi một chậu hoa lan có giá gần 3 triệu đồng vì mua về được 7 ngày đã bắt đầu có hiện tượng héo ở cuống hoa, cánh hoa bắt đầu nhăn nheo, nếu để lại lâu trong nhà chắc chỉ vài ba hôm nữa là bắt đầu thâm, thối cánh.

"Sau 1 năm đầy biến động của thị trường hoa lan, giá lan Hồ điệp năm nay rẻ bất ngờ nên gia đình quyết định ra chợ hoa mua chậu 7 cây về chơi có giá 2,7 triệu đồng. Khi mua, chủ quán quảng cáo cây được nhập từ Đà Lạt (Lâm Đồng) về, có thể chơi được từ 3 - 4 tháng, sau đó đem ra ngoài trồng lại cây vẫn sống khỏe" - anh Kiên kể.

Tuy nhiên, sau khi mua về anh Kiên phát hiện những bông lan Hồ điệp được gắn keo 502 từ cuống hoa. Biết mình bị chủ cửa hàng lừa nhưng anh Kiên vẫn hy vọng cây của gia đình anh vẫn có thể chơi qua dịp Tết được.

Mua táo lùn về chơi Tết nhưng cây lại nở ra hoa dâm bụt khiến gia chủ ngán ngẩm.

Mua táo lùn về chơi Tết nhưng cây lại nở ra hoa dâm bụt khiến gia chủ ngán ngẩm.

Tuy nhiên, đến ngày thứ 5 sau khi trưng bày ở nhà, cuống hoa Hồ điệp có hiện tượng bị thối, cành hoa gục xuống và cánh hoa có hiện tượng bị héo, xuất hiện những vết thâm li ti loang nổ trên hoa.

"Bức mình vì bị lừa, cùng với việc nếu để hoa héo trong nhà dịp Tết sẽ không may mắn nên gia đình tôi đành ngậm ngùi bỏ đi mà mua loại hoa khác thế vào. Chiêu trò này tôi đã được nhiều người cảnh báo, trước khi mua tôi cũng đã xem xét rất kỹ nhưng thú thực bông hoa được gắn keo 502 rất tinh vi, phải là người trong nghề mới có thể dễ dàng nhận ra" - anh Kiên bày tỏ.

Trong khi đó, một người đàn ông ở Hà Nội cũng gặp phải trái đắng khi mua táo lùn ngoài chợ hoa Vạn Phúc về nhà trưng bày dịp Tết khi trên cây táo lại nở ra hoa dâm bụt.

Cây táo người đàn ông này mua sai trĩu quả, được chủ cửa hàng quảng cáo nhập khẩu từ Trung Quốc về bán lại với giá gần 1 triệu đồng/cây. Nhìn những quả táo đỏ hồng, trĩu quả đẹp mắt khiến bất kỳ vị khách nào cũng mê mẩn.

Tuy nhiên, khi mua về nhà được 3 hôm thì trên cây táo lùn bắt đầu đâm nụ rồi nở ra hoa dâm bụt khiến cả gia đình phải ngỡ ngàng.

Không những thế, những quả táo gắn lên thân cây dâm bụt này cũng bắt đầu héo cuống, thối từ bên trong và rụng dần khỏi cây. Quá ngán ngẩm, chủ cây đành phải vứt bỏ mặc dù mới chỉ trưng bày được vài ngày.

Mấy năm gần đây, thú chơi hoa hồng cổ lại rộ lên. Nhưng để có được một gốc hồng cổ, người chơi phải chấp nhận một cái giá khá đắt đỏ, từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.

Nắm bắt được điều này, một số nhà vườn đã sáng tạo ra cách làm cây hồng giả cổ. Họ sử dụng xi măng, thạch cao và rêu để đắp lên gốc của cây, sao cho có độ đẹp, cổ kính... như một cây hồng cổ thật và bán với giá rẻ hơn, từ vài trăm đến hàng triệu đồng.

Nhiều người mua hàng online hoặc không am hiểu về hoa hồng cổ có thể sẽ ngã ngửa khi biết rằng họ đang chi cả triệu đồng để mua một chậu cảnh đắp xi măng. Thậm chí, tuổi thọ của cây hoa hồng có thể sẽ bị ảnh hưởng khi đắp thêm một lớp xi măng lên thân cây.

Chiêu đắp xi măng lên thân cây cũng được nhiều người bán áp dụng với cả đào, mai, quất... Anh Nguyễn Văn Thanh (35 tuổi, ngụ Q. Hà Đông, TP. Hà Nội) khi mua cành đào rừng được quảng cáo lấy từ tỉnh Điền Biên xuống với thân xù xì, nhiều rêu.

Tuy nhiên, khi mua về nhà anh xem kỹ lại mới phát hiện ra là người bán đã phun một lớp xi măng dày đặc lên phần thân đầu để tạo ra những khối u, cục làm giả thân xù xì, lâu năm. Sau đó, được quấn rêu xung quanh để tạo sự cổ kính cho cành đào này.

Hồng cổ bon sai được đắp xi măng vào thân để làm giả gốc xù xì.

"Về được 2 hôm thì rêu trên thân bắt đầu có hiện tượng úa vàng, càng phun nước ẩm thì rêu càng nhanh úa vàng hơn. Không còn cách nào khác, gia đình đành bỏ đi mua cành mới" - anh Thanh chia sẻ.

Theo anh Trung Tuấn, người có thâm niên chơi cây cảnh cho biết, cây cảnh giả thường được chia làm 2 loại: Dùng cành cây non đã được kích thích rễ gắn vào gốc cây to, đẹp đã chết và phổ biến hơn cả là dùng keo, đinh, dây thép gắn hoa, quả.

Cây cảnh giả sau khi được biến hóa như thật được chở bằng xe máy đi bán dạo với số lượng 4 - 5 cây/chuyến, trong đó, loại cây thường bị làm giả nhất là cây sung, lộc vừng, hải đường, hoa mai…

Những cây này có hình dáng đẹp mắt nhờ việc “phù phép” rất công phu và chúng được bán giá rất rẻ. Với cây cảnh giả, thường khó để được lâu cho nên người bán thường cố gắng “đẩy” cho người mua với giá hời, một cây sung dáng bonsai hoặc cây mai vàng thế đẹp có khi chỉ mấy trăm nghìn.

Để duy trì độ tươi cho thân và lá những người bán sẽ thường xuyên phải tưới nước cùng với một loại thuốc kích thích, tuy nhiên, những cây này cũng chỉ kéo dài được từ khoảng 5 ngày sau đó lại phải thay cây khác. Chính vì vậy khi gặp khách, cánh bán hàng rong sẽ cố bán cho bằng được, thậm chí giá chỉ bằng 1/5 so với giá ban đầu đưa ra.

Ngọc Lan

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/doi-song/gia-dinh/bo-tien-trieu-mua-cay-choi-tet-nhan-ve-trai-dang-3427526/