Bỏ tiêm vacxin, nhiều dịch bệnh quay trở lại

Thời gian gần đây, sự quay lại của một số dịch bệnh đang gây ra nhiều lo lắng cho người dân. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là việc nhiều người dân, nhất là trẻ em bỏ tiêm hoặc tiêm vacxin không đủ, không đúng lịch. Các chuyên gia y tế cảnh báo, điều này sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường.

 Tiêm phòng bệnh cho trẻ tại Trạm Y tế phường Bạch Đằng (TP Hạ Long), tháng 8/2019.

Tiêm phòng bệnh cho trẻ tại Trạm Y tế phường Bạch Đằng (TP Hạ Long), tháng 8/2019.

Nhiều người hẳn chưa quên dịch sởi xảy ra tại miền Bắc năm 2013-2014 đã khiến hàng nghìn trẻ mắc bệnh, trong đó gần 150 trường hợp tử vong, trong đó có tỉnh Quảng Ninh. Năm 2017, nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh mắc bệnh ho gà, có trường hợp biến chứng nghiêm trọng. Từ đầu năm 2019 đến nay, Quảng Ninh ghi nhận 82 ca mắc bệnh ho gà. Theo thống kê, phần đông trẻ mắc ho gà là dưới 2 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm chủng phòng ngừa bệnh ho gà. Các trẻ mắc bệnh cũng không nhận được miễn dịch từ mẹ truyền cho con, nếu mẹ chưa tiêm phòng dịch trước đó.

Đầu tháng 9/2019, tại tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 4 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có một bé 6 tuổi đã tử vong. Hiện ở Việt Nam, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ. Đây là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra; lây qua các chất tiết đường hô hấp chứa vi khuẩn hoặc qua các chất dịch ở chấn thương ngoài da. Triệu chứng ban đầu của bệnh bạch hầu là sốt, ho, viêm họng, viêm mũi, nuốt đau, xuất hiện màng giả màu trắng ở vùng hầu họng. Bệnh thường gặp ở trẻ em, người chưa có miễn dịch. Trường hợp bệnh nặng không được phát hiện sớm, điều trị tích cực có thể gây biến chứng và tử vong.

Trẻ mắc bệnh ho gà được điều trị tại Khoa Các bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh), tháng 3/2019.

Theo thống kê của Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Quảng Ninh, 9 tháng năm 2019, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm vacxin có chứa thành phần giải độc tố bạch hầu chỉ đạt 50,7%, thấp hơn so với chỉ tiêu dự kiến (trên 71%). Đây là con số đáng báo động về việc giảm tỷ lệ miễn dịch cộng đồng đối với một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ nhỏ.

Bệnh bạch hầu, sởi, ho gà đều rất nguy hiểm, bởi hiện không có biện pháp khống chế dịch bệnh, vì vi rút, vi khuẩn gây bệnh phân tán trong không khí, nên ai cũng có thể nhiễm. Những bệnh này rất dễ lây, hầu hết số người tiếp xúc với người bệnh sẽ bị lây, nếu chưa tiêm phòng. Bên cạnh đó, bệnh bạch hầu, sởi, ho gà hiện cũng không có phác đồ điều trị hay thuốc đặc trị đặc hiệu.

Do đó, biện pháp quan trọng nhất để chủ động phòng những bệnh trên là tiêm phòng vacxin phòng bệnh. Các bậc phụ huynh hãy đưa con đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch tại các trạm y tế để tiêm miễn phí vacxin phối hợp Combefive hoặc SII trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đây là hai loại vacxin phối hợp để phòng 5 bệnh truyền nhiễm là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn Hib và viêm gan B gây ra; hoặc tiêm vacxin phối hợp phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT), hay vacxin uốn ván - bạch hầu (Td). Các bậc phụ huynh cũng có thể đưa trẻ đến tiêm phòng dịch vụ tại các trung tâm y tế, bệnh viện hoặc điểm tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Tiêm phòng vacxin viêm gan B cho trẻ tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, tháng 3/2019.

Bác sĩ Trần Thị Diệp, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), cho biết: Tiêm vacxin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh, giúp trẻ em chống lại nhiều loại bệnh nguy hiểm khác nhau. Tiêm chủng vừa tăng cường miễn dịch cho đối tượng được tiêm, vừa tăng miễn dịch, phòng bệnh cho cả cộng đồng. Nếu trẻ không được tiêm chủng thì bệnh vẫn có thể tiếp tục lưu hành trong cộng đồng, có thể lây cho những trẻ chưa có miễn dịch phòng bệnh, nhất là những trẻ chưa đủ tuổi để tiêm chủng hoặc có chống chỉ định tiêm chủng. Vì thế, tiêm phòng cho trẻ cần được thực hiện càng sớm càng tốt, trong 2 năm đầu đời. Các bậc cha mẹ cần đưa con đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm. Các bà mẹ khi mang thai nên chủ động đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vacxin phòng bệnh, nhằm tạo hệ miễn dịch sớm cho trẻ ngay từ trong bụng mẹ.

Hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng đã triển khai các vacxin phòng ngừa 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn. Tại Quảng Ninh, Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai từ năm 1985, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 96%. Số trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng rất hãn hữu, cho thấy tính an toàn và hiệu quả phòng bệnh của vacxin.

Lịch tiêm chủng vacxin DPT hoặc Combefive, SII trong Chương trình tiêm chủng mở rộng: Mũi thứ nhất, tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; mũi thứ hai, tiêm sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi thứ ba, tiêm sau mũi thứ hai 1 tháng; mũi thứ tư, tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.

Nguyễn Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201909/bo-tiem-vacxin-nhieu-dich-benh-quay-tro-lai-2455133/