Bộ Thông tin và Truyền thông công bố Sách trắng CNTT&TT Việt Nam năm 2020

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố Sách Trắng CNTT&TT Việt Nam năm 2020 với nhiều thông tin đáng chú ý.

Sách Trắng 2020 cung cấp thông tin, số liệu năm 2019 về tất cả các lĩnh vực do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý là: Bưu chính; Viễn thông, Ứng dụng công nghệ thông tin; An toàn thông tin mạng; Công nghiệp công nghệ thông tin – điện tử, viễn thông; Báo chí, truyền thông.

So với các năm trước đây, Sách Trắng 2020 đã bổ sung thêm nhiều số liệu mới liên quan đến việc triển khai quy hoạch báo chí, phát triển hạ tầng thông tin cơ sở, hạ tầng băng rộng di động và cập nhật các định hướng mới của Bộ Thông tin và Truyền thông về chuyển đổi số, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, phát triển doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam.

Bìa phiên bản Tiếng Việt và tiếng Anh cuốn Sách Trắng CNTT&TT Việt Nam năm 2020.

Lĩnh vực Bưu chính đã và đang chuyển đổi trở thành hạ tầng mạng lưới, bảo đảm dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. Bưu chính đã tập trung đổi mới hoạt động, mở rộng các loại hình dịch vụ, phương thức kinh doanh, phù hợp với xu thế đổi mới, phát triển chung của đất nước. Năm 2019, số lượng doanh nghiệp bưu chính tăng trưởng mạnh đạt 468 doanh nghiệp (trong đó có hơn 95% là doanh nghiệp tư nhân), doanh thu lĩnh vực bưu chính đạt 28.279 tỷ đồng, tăng hơn 300% so với năm 2015. Tổng sản lượng bưu gửi năm 2019 đạt gần 715 triệu bưu gửi, tăng hơn 44% so với năm 2018. Toàn mạng bưu chính có 18.800 điểm phục vụ trong đó tổng số điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng là 12.600 điểm, bán kính phục vụ bình quân đạt 2,92 km2/điểm, đảm bảo mỗi xã có tối thiểu 01 điểm phục vụ bưu chính.

Ở lĩnh vực viễn thông tiếp tục có sự tăng trưởng ấn tượng. Tổng doanh thu viễn thông đạt hơn 5,6 tỷ USD, dung lượng băng thông kết nối quốc tế đạt hơn 10 Tbps, tăng hơn 8 lần so với năm 2015. Mạng lưới cáp quang đã được triển khai đến các xã bản với gần 01 triệu km cáp quang, tăng 1,9 lần so với năm 2017. Tổng số thuê bao truy nhập Internet đạt hơn 75 triệu (bao gồm gần 61 triệu băng rộng di động và gần 15 triệu băng rộng cố định), tăng 1,5 lần so với năm 2015. Số tên miền .vn đạt trên 503.000 tên miền, đứng đầu khu vực ASEAN về lượng đăng ký sử dụng tên miền quốc gia.

Ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số được triển khai sâu rộng trong hoạt động của cơ quan Đảng, nhà nước, trong doanh nghiệp và toàn xã hội, trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, hiệu quả, giảm chi phí, tăng năng suất lao động. Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu quốc gia ngày càng được hoàn thiện cả về quy mô, phạm vi cũng như số lượng đã mang lại hiệu quả cao trong hoạt động của cơ quan nhà nước như trong các lĩnh vực thuế, tài chính, hải quan, đăng ký kinh doanh, đất đai, hộ tịch, hộ chiếu... Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp được triển khai mạnh mẽ, bước đầu cho thấy vai trò kiến tạo phục vụ phát triển. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng hơn 2 lần, từ 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019. CNTT đã thực sự phát huy vai trò vừa là công cụ, vừa là động lực của kinh tế xã hội.

Trong lĩnh vực An toàn, an ninh mạng, đến hết 2019, hệ thống chia sẻ giám sát an toàn thông tin phục vụ chính phủ điện tử đã giám sát 20/30 bộ, ngành và 51/63 địa phương. Bước đầu hình thành công nghiệp an toàn thông tin mạng “Make in Viet Nam” với rất nhiều sản phẩm an toàn thông tin thương hiệu Việt. Xây dựng và phát triển mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia với gần 200 thành viên gồm các đội ứng cứu sự cố của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước.

Công nghiệp công nghệ thông tin - điện tử, viễn thông có sự phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2019, ngành công nghiệp CNTT - điện tử, viễn thông tiếp tục là ngành kinh tế quan trọng của đất nước với doanh thu hơn 112 tỷ USD, tăng trưởng 9,3% so với năm 2018, giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động. Các mặt hàng công nghiệp CNTT - điện tử, viễn thông đặc biệt là điện thoại và máy tính trong lĩnh vực phần cứng, điện tử vẫn giữ vững trong danh sách top 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2019, đưa ngành công nghiệp phần cứng, điện tử của Việt Nam xuất siêu khoảng 26,4 tỷ USD.

Năm 2019 cũng ghi nhận sự cố gắng của nhiều địa phương trên cả nước. Những địa phương mạnh như Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Bắc Giang chiếm tới trên 90% doanh thu toàn ngành công nghiệp CNTT - điện tử, viễn thông. Năm 2019, doanh thu công nghiệp phần cứng, điện tử - viễn thông đạt 100 tỷ USD, chiếm 89% doanh thu ngành công nghiệp CNTT - điện tử, viễn thông, với tốc độ tăng trưởng hai con số 9,6% so với năm 2018. Về kim ngạch xuất khẩu, các sản phẩm CNTT, điện tử - viễn thông hơn 87,3 tỷ USD, tăng khoảng 11% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm CNTT, điện tử - viễn thông chiếm 96,6% kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp CNTT.

Công nghiệp phần mềm có tốc độ phát triển cao, tiếp tục được ghi nhận trên bản đồ CNTT thế giới. Doanh thu năm 2019 đạt gần 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2019 đạt hơn 10%. Việt Nam thường xuyên được các tổ chức uy tín quốc tế xếp hạng top 10 trong danh sách các điểm đến hấp dẫn về gia công phần mềm xuất khẩu.

Công nghiệp nội dung số bước đầu được hình thành, có tốc độ tăng trưởng nhanh, có giá trị tăng và năng suất lao động cao. Tính đến cuối năm 2019, đã có 3.982 doanh nghiệp tham gia với tổng doanh thu đạt trên 851 triệu USD. Một số doanh nghiệp chiếm lĩnh được thị trường trong nước và bước đầu đầu tư, cung cấp dịch vụ ra thị trường nước ngoài.

Các khu CNTT tập trung được hình tạo ra cơ sở hạ tầng kỹ thuật và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp CNTT. Tỷ lệ lấp đầy của các khu CNTT tập trung đạt trên 95%, hiệu quả sử dụng đất cao hơn nhiều so với khu công nghiệp, khu kinh tế. Khu Công viên phần mềm Quang Trung được xếp vào nhóm hàng đầu tại khu vực châu Á, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về mô hình, tầm nhìn và định hướng phát triển.

Hệ thống báo chí đã và đang được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo định hướng Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được ban hành tại Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 3/4/2019. Tính đến hết năm 2019, cả nước có 827 cơ quan báo, tạp chí in; 23 cơ quan báo, tạp chí điện tử độc lập; 1.760 trang thông tin điện tử; 67 Đài phát thanh truyền hình trung ương và địa phương với 20.580 nhà báo được cấp thẻ.

Hữu Tuấn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bo-thong-tin-va-truyen-thong-cong-bo-sach-trang-cntttt-viet-nam-nam-2020-d144410.html