Bộ Tem bưu chính 'Văn hóa Óc Eo' góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam

Các hiện vật thuộc Di tích Văn hóa Óc Eo được đánh giá là nguồn tư liệu lịch sử quý giá như một bằng chứng về một nền văn hóa phát triển thịnh vượng trong lịch sử Việt Nam. Với ý nghĩa đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND tỉnh An Giang phát hành bộ tem 'Văn hóa Óc Eo' giới thiệu các hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Theo đó, ngày 1-9, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang đã tổ chức họp báo công bố phát hành bộ tem bưu chính “Văn hóa Óc Eo” năm 2020 tại Nhà trưng bày Ban quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn). Bộ tem bưu chính “Văn hóa Óc Eo” được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND tỉnh An Giang phát hành gồm: 3 tem và 1 blốc tem được lấy mẫu từ các bảo vật quốc gia thuộc nền Văn hóa Óc Eo.

Tem thiết kế tràn lề khuôn khổ tem 24x49,5mm; blốc 80x100mm. Mẫu 3-1 là tượng Avalokitesvara (niên đại: thế kỷ VIII - IX, nguồn gốc: Ngãi Hòa Thượng, Trà Vinh, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh). Mẫu 3-2 tà tượng Phật Bình Hòa (niên đại: thế kỷ III - IV, nguồn gốc: Bình Hòa, Long An, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh). Mẫu 3-3 là tượng Thần Brahma Giồng Xoài (niên đại: thế kỷ VI - VII, nguồn gốc: Di tích Giồng Xoài (Kiên Giang), hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang). Mẫu blốc là bộ Linga - Yoni đá nổi (niên đại: thế kỷ V - VI, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang). Bộ tem được thể hiện theo phong cách đồ họa do họa sĩ Nguyễn Du (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế được phát hành vào ngày 20-8-2020.

Hình ảnh bộ tem bưu chính “Văn hóa Óc Eo”

Óc Eo là một nền văn hóa khảo cổ lâu đời, nổi tiếng ở khu vực Nam Bộ và thế giới. Đây là nền văn hóa gắn liền với Vương quốc Phù Nam, một bộ phận cấu thành lịch sử của dân tộc Việt Nam. Xác định tầm quan trọng như vậy, những thập niên qua, tỉnh An Giang đã tăng cường các nguồn lực đầu tư, cùng với các cơ quan khoa học trong nước và quốc tế tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn di tích văn hóa Óc Eo, nhận thức đầy đủ những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích quốc gia đặc biệt này. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Óc Eo trên địa bàn An Giang còn được sự chung tay góp sức của cộng đồng dân cư địa phương. Thời gian qua, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang đã nhận được hơn 5.000 hiện vật văn hóa Óc Eo các loại để trưng bày do nhân dân trong, ngoài tỉnh An Giang tự nguyện hiến tặng; những hành động như vậy đã góp phần cùng với nhà nước vừa bảo vệ tốt di sản, vừa tránh được tình trạng xâm phạm di tích như: đào phá, mua bán trái phép cổ vật...

Theo Giám đốc Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giềng, Chính phủ đã có chủ trương giao cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp tỉnh An Giang và Kiên Giang triển khai thực hiện Đề án nghiên cứu tổng thể di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa từ tháng 8-2017 đến nay. Hiện công tác giải phóng mặt bằng và tổ chức khai quật di tích đã cơ bản hoàn thành, dự kiến cuối năm 2020 sẽ kết thúc với diện tích gần 10ha đất di tích được thu hồi, hàng chục ngàn hiện vật được thu giữ và sẽ tổ chức xây dựng nhiều mái che để bảo tồn di tích. Đây là chủ trương có nguồn vốn khoa học của Trung ương, đầu tư lớn nhất từ trước đến nay cho công tác nghiên cứu văn hóa Óc Eo tại An Giang. Việc này hoàn thành sẽ góp phần quyết định công tác tổng kết, đánh giá những thành tựu nghiên cứu khoa học cơ bản nhất về Óc Eo, làm cơ sở để đề xuất UNESCO vinh danh di tích Óc Eo - Ba Thê là di sản văn hóa của nhân loại.

Bộ tem bưu chính “Văn hóa Óc Eo” góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam

Ngày 23-6-2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 1047/QĐ-BTTTT về việc thống nhất bổ sung Chương trình phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính “Văn hóa Óc Eo” năm 2020 theo đề nghị của tỉnh An Giang. Giám đốc Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giềng khẳng định: “Đây là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng tại địa phương và khu vực Nam Bộ. Hoạt động nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, lòng tự hào và trách nhiệm của người dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của người Việt Nam, khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam qua nhiều thế kỷ”.

Ông Trần Hữu Huệ, thành viên Hội tem tỉnh An Giang cho rằng: “Đối với người sưu tập tem như chúng tôi, bộ tem “Văn hóa Óc Eo” rất quan trọng và mang nhiều ý nghĩa. Rồi đây, những mẫu tem theo hình mẫu những “bảo vật” quý giá đã khai quật được qua những cánh thư sẽ đi khắp nơi trên thế giới. Nó chứng minh cho bạn bè năm châu thấy rằng, nền văn minh, văn hóa Óc Eo lâu đời và rất rực rỡ. Từ đó, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam nói chung và An Giang nói riêng ngày càng phát triển. Bộ tem còn góp phần tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức, lòng tự hào và trách nhiệm của toàn dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Óc Eo, đặc biệt là thế hệ trẻ”.

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/bo-tem-buu-chinh-van-hoa-oc-eo-gop-phan-khang-dinh-chu-quyen-lanh-tho-viet-nam-a283898.html