Bó tay trước Ba Lan, EU hối hận vì Đông tiến?

EU đã quá vội vã trong 'quá trình Đông tiến' với ý đồ chính trị, mà quên rằng đến lúc phải nhận lãnh hậu quả của việc 'thân làm tội đời' ấy...

Ba Lan phản đối kế hoạch trừng phạt của EU về cải cách tư pháp

Ngày 8/3, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã trao cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tập tài liệu dày 96 trang giải trình về cải cách tư pháp của nước này, khi sắp đến hạn EC áp đặt trừng phạt Warsaw.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp tại Brussels, Thủ tướng Morawiecki bày tỏ hy vọng EC sẽ phân tích kỹ càng và nghiêm túc tài liệu của Warsaw để hiểu rằng kế hoạch cải tư pháp tại Ba Lan vẫn đảm bảo tính độc lập của ngành tư pháp nước này.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker

Theo bản tóm tắt chính thức tài liệu của Ba Lan, Warsaw cho rằng EU không thể áp dụng Điều 7 Hiệp ước Lisbon để áp đặt các biện pháp trừng phạt Ba Lan, bởi các thẩm phán nước này vẫn được đảm bảo tính độc lập trên nền tảng dân chủ.

Trong tài liệu, Warsaw cũng cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt của EU có thể tạo ra "tiền lệ nguy hiểm" dẫn tới sự phá hoại chủ quyền quốc gia của nước thành viên, cổ vũ cho các lực lượng chính trị theo đường lối dân túy.

Xin nhắc lại là hồi tháng 12/2017, EC đã bắt đầu tiến hành các thủ tục pháp lý chưa từng có tiền lệ để trừng phạt Ba Lan liên quan chương trình cải cách tư pháp gây tranh cãi của nước này, bị Brussels coi là "mối đe dọa " tới nguyên tắc pháp quyền.

EC cáo buộc đảng Công lý và Phát triển (PiS) cầm quyền ở Ba Lan đã vi phạm các nguyên tắc luật pháp khi tiến hành các cải cách tư pháp và hệ thống truyền thông nhà nước kể từ khi lên cầm quyền hồi cuối năm 2015.

Sau 2 năm đối thoại với Warsaw không đạt kết quả, tháng 12/2017, EC đã quyết định sẽ hành động chống Ba Lan, mà có thể dẫn tới việc đình chỉ quyền bỏ phiếu của nước này trong EU, nếu Wasaw không có nhượng bộ trước hạn chót là ngày 20/3.

Như vậy, với nội dung bản giải trình cho thấy Warsaw không những không nhượng bộ Brussles, mà ngược lại là phản đối, thậm chí thách thức và sự việc có thể bị đẩy đi xa hơn, gây nguy hại cho cả EU và Ba Lan.

Bó tay với Ba Lan ương ngạnh, EU hối hận vì Đông tiến?

Ngày 21/12/2017, báo Rzeczpospolita của Ba Lan đã bình luận rằng, Liên minh Châu Âu (EU) đang lo sợ "Poexit" - Ba Lan rời khỏi EU - nếu EC áp dụng biện pháp trừng phạt đối với tiến trình cải cách tư pháp của Ba Lan.

Rzeczpospolita cho rằng khi EC quyết định trừng phạt Ba Lan thì đó được xem là một trận đánh lớn giữa Brussels và Warsaw, mà sẽ kết thúc bằng việc tạo ra một cơn lốc gây hậu quả xấu cho thành viên "EU Đông Âu" này và gây ra thảm họa cho EU.

Lực lượng chính trị cực hữu tại Ba Lan khiến cho EU mệt mỏi

"Khi EU kích hoạt Điều 7 Hiệp ước Lisbon đối với Warsaw thì đó là tảng đá lớn đầu tiên được EU ném về phía Ba Lan, bắt đầu cho một quá trình gây thảm họa kép", Rzeczpospolita binh luận.

Cũng nên biết rằng, Điều 7 Hiệp ước Lisbon cho phép EU hủy bỏ quyền bỏ phiếu của một thành viên khi thực thể đó bị nhận diện gây tổn hại cho các trụ cột của liên minh. Đây là một biện pháp trừng phạt chưa từng được EU áp dụng.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, khả năng EU áp dụng Điều 7 Hiệp ước Lisbon với Ba Lan rất khó xảy ra vì đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên, trong khi đó Hungary đã cam kết phủ quyết bất kỳ hành động nào chống lại Ba Lan.

Như vậy, để trừng phạt Warsaw, sẽ xảy ra hai tình huống. Thứ nhất, Brussels phải có sự thỏa hiệp với Budapest về một vấn đề gai góc nào đó để đổi lấy sự ủng hộ của Hungary trong việc trừng phạt Ba Lan.

Điều này sẽ gây ra một hệ lụy cực kỳ nguy hiểm, khi EU phải nhượng bộ một thành viên - nhượng bộ hay thỏa hiệp cũng vậy - sẽ khiến liên minh kinh tế hùng mạnh chính thức rơi vào quá trình phân rã, bởi hiệu ứng từ xử lý "nhất bên trọng nhất bên kinh".

Thứ hai, khi Hungry đồng thuận và việc trừng phạt Ba Lan được thực thi, hậu quả từ việc này càng khủng khiếp hơn. Đặt trường hợp Warsaw phải chấp nhận thì trong "cơ thể EU có tới cái 2 xương sườn bị lệch khớp" khiến việc xoay trở luôn khó khăn.

Đặt trường hợp Warsaw chọn đưa Ba Lan rời EU thì hậu quả mà liên minh kinh tế hùng mạnh này phải gánh chịu là vô cùng lớn. Bởi mâu thuẫn giữa Warsaw và Brussels tạo ra vết nứt nguy hiểm ngay trong lòng EU.

Khi Warsaw chọn chia ly thì khe nứt đông - tây sẽ được mở rộng và khoét sâu, sự lệch pha giữa EU truyền thống và EU mở rộng sẽ nhanh chóng gia tăng độ vênh - phá vỡ thị trường chung, vốn là lợi ích lớn nhất của các thành viên “EU Đông Âu”.

Brexit không mệt mỏi bằng Poexit và cả Non-Poexit

Trong khi đó, Ba Lan là quốc gia có tiếng nói lớn nhất trong số các thành viên “EU Đông Âu”, là nơi giao thoa giữa EU truyền thống và EU mở rộng, là nơi thể hiện rõ nhất giá trị truyền thống của EU được đồng hóa trong quá trình "Đông tiến".

Rõ ràng Warsaw đã đưa Brussels vào thế hiểm. Không trừng phạt Ba Lan thì nội bộ EU sẽ gia tăng mâu thuẫn, mà trừng phạt Ba Lan thì khe nứt đông - tây sẽ bị khoét sâu và mở rộng, đẩy nhanh tiến trình phân rã đối với liên minh kinh tế này.

Việc nước Anh với hơn bốn thập kỷ "cơm không lành canh không ngọt" trong EU rồi quyết định Brexit đã khiến cho định chế này đối mặt với nhiều bất ổn, song vẫn chỉ dừng lại ở việc thành viên phản ứng tiêu cực khi bị nhạt nhòa trong cơ chế liên minh.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/bo-tay-truoc-ba-lan-eu-hoi-han-vi-dong-tien-3354162/