'Bộ tam' Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu hợp lực, cho người Mỹ 'ra rìa' ở Syria

Tức giận với những chính sách gây tranh cãi của Mỹ gần đây, các nước châu Âu đang xích lại gần hơn tới Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở chiến trường Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu đang xa lánh Mỹ để tiến dần về phía Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Syria mới mà không có Mỹ tham gia, điều mà giới quan sát cho rằng sẽ là dấu mốc kết thúc ảnh hưởng của Washington tại Syria.

Trong khi đó có những dấu hiệu tiếp tục cho thấy rằng Pháp và Đức đang ngày càng quan tâm đến việc mở rộng quan hệ với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, theo Sputnik.

Hội nghị thượng đỉnh Istanbul sắp tới về cuộc khủng hoảng Syria sẽ là khởi đầu băng giá trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, các nhà phân tích nhận định.

Theo Can Unver, một nhà phân tích an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra vào ngày 7/9 này sẽ trở thành "một trong những bước đi chính trị và ngoại giao quan trọng nhất trong thời gian qua mà không có sự tham gia của Mỹ".

Vào cuối tháng 7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Pháp, Đức và Nga để thảo luận về vấn đề Syria, cùng với các vấn đề khác trong khu vực.

Quyết định của Ankara trong việc loại bỏ Mỹ - đồng minh NATO lâu đời của Thổ Nhĩ Kỳ và là lực lượng hàng đầu ở Syria - không khiến nhiều người ngạc nhiên. Trên thực tế Ankara đã không che giấu sự thất vọng của mình với những chính sách gần đây của Washington.

"Hội nghị thượng đỉnh này phản ánh nguyện vọng của châu Âu trong việc bắt đầu làn sóng chính trị mới độc lập hơn, dứt bỏ ảnh hưởng và áp lực từ Washington, tăng cường quan hệ với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ", chuyên gia Unver nêu quan điểm. "Sự sắp xếp của một hội nghị thượng đỉnh ở Istanbul mà không có sự tham gia của Mỹ trong thời điểm cuộc chiến Syria dần kết thúc biểu hiện cho quá trình lật đổ ảnh hưởng của Mỹ ở quốc gia này".

Theo Unver, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đóng một vai trò quan trọng ở Syria, trong khi Pháp đang tìm cách tăng cường vai trò của mình trên mặt đất. Đối với Đức, dù ít quan tâm về vấn đề Syria, nhưng với vị trí dẫn đầu trong EU, sự tham gia của Berlin trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới có một ý nghĩa mới, nhà phân tích an ninh nhấn mạnh.

Mỹ bị cho "ra rìa" ở Syria dù đóng vai trò quan trọng tại đây.

"Tôi xem cuộc họp sắp tới là một sự kiện rất quan trọng", ông nhắc lại. "Chúng tôi thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một người chơi có tầm ảnh hưởng không chỉ trong khu vực, mà còn hơn thế nữa. Tôi muốn lưu ý một lần nữa rằng tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh không chỉ bàn luận quá nhiều các vấn đề của khu vực, mà trong đó còn có những ý định của các nước châu Âu để thiết lập hợp tác với Moscow và Ankara, bỏ lại ảnh hưởng của chính quyền Trump".

Về phần mình, Sezgin Mercan, nhà nghiên cứu chính trị tại khoa Khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Baskent, cho rằng vấn đề người tị nạn và tương lai của nhà nước Syria có thể được đề cao trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh.

"Sự tham gia của Nga trong cuộc họp này cho thấy rằng chương trình thảo luận có thể vượt xa các vấn đề của chính sách khu vực", ông tiếp tục. "Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là những nước trực tiếp tham gia vào tiến trình hòa bình của Syria. Thực ra Mỹ cũng có vai trò tương tự nhưng rất tiếc khi Washington sẽ không được tham gia vào hội nghị thượng đỉnh Istanbul".

Theo Mercan, các chính sách kinh tế và thương mại gây tranh cãi của Washington, quan điểm về Iran và sự bất hòa giữa các đồng minh NATO đã làm suy yếu vị thế của chính quyền Trump trên sân khấu toàn cầu.

Ông cũng nhấn mạnh rằng Nga có thể lấp đầy khoảng trống để lại bởi Mỹ do chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump không phù hợp và tiếp tục mở rộng các kênh hợp tác với Pháp và Đức.

"Các quốc gia này và Thổ Nhĩ Kỳ, rõ ràng cũng có khuynh hướng đa dạng hóa hợp tác với Nga", học giả Thổ Nhĩ Kỳ nhận định.

Gần đây, mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Ankara tiếp tục trở nên trầm trọng hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất và quyết không thả tự do mục sư người Mỹ Andrew Brunson ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Mỹ vừa áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hai quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, điều mà ngay sau đó chính quyền Erdogan đã có những động thái đáp trả .

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với việc bị Mỹ bỏ rơi khỏi chương trình phát triển F-35 và ngừng chuyển giao máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cho Ankara.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bo-tam-nga-tho-nhi-ky-chau-au-hop-luc-cho-nguoi-my-ra-ria-o-syria-a381344.html