Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra hoạt động phân lô bán nền tại Lâm Đồng

Liên quan đến tình trạng nhiều cá nhân, doanh nghiệp phân lô, xẻ nền đất nông nghiệp gây biến dạng cảnh quan, tạo điểm nóng bất ổn kinh tế - xã hội, mới đây đoàn kiểm tra của Bộ TN&MT đã yêu cầu UBND huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) chuẩn bị các nội dung báo cáo công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai để phục vụ công tác thanh tra.

Có thể thấy, hình thức “lách luật” đối với các dự án tự. phân lô bán nền thời gian qua từng diễn ra khá phổ biến ở Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… và để lại nhiều hậu quả lớn khi hình thành nên các khu dân cư không đảm bảo quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật xã hội. Khi các địa phương này có những chính sách “siết chặt” với việc phân lô bán nền thì một số công ty bất động sản lên Lâm Đồng hoặc một số địa phương khác hoạt động.

Theo đó, các công ty bất động sản dùng danh nghĩa cá nhân để gom mua đất nông nghiệp với số lượng lớn. Sau khi có đất, các cá nhân này đã “lách luật” bằng cách làm đơn xin hiến đất làm đường, xin xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các thửa đất nông nghiệp, đất ở được chuyển đổi từ đất nông nghiệp. Từ đó lắp điện, nước để hình thành nhiều “dự án” với hàng trăm lô đất đem bán.

Theo các chuyên gia bất động sản, sở dĩ chiêu thức “lách luật” này thường được áp dụng vì quy trình thủ tục để phê duyệt một dự án phải do UBND cấp tỉnh phê duyệt và qua rất nhiều sở, ngành, cơ quan chức năng xem xét, tham mưu. Vì vậy, thời gian triển khai dự án mất nhiều năm mới xong thủ tục. Với việc “lách luật” tự phân lô, chỉ qua chính quyền cấp xã, huyện nên thời gian nhanh và đỡ tốn kém chi phí hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, việc "lách luật" này để lại những hậu quả lâu dài. Theo đó, do chưa được quy hoạch nên các khu dân cư kiểu này sẽ gây áp lực lớn đến hệ thống hạ tầng, an sinh xã hội cũng như có nguy cơ dẫn đến trình trạng quy hoạch không đồng bộ, mang tính nhỏ lẻ, manh mún làm phá vỡ không gian quy hoạch chung.

Tình trạng phân lô bán nền ở huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đang rất nóng.

Hiện nay, tại Lâm Đồng, tình trạng “hô biến” đất nông nghiệp thành “dự án” rất kêu rồi bán cho khách hàng như: Sakura Garden, ĐamB'ri Hill Village, FarmHill Bảo Lâm, Pine Valley Bảo Lộc, Đambri Hill Village Bảo Lộc, Happy Valley Bảo Lộc, Jade Garden Hill Bảo Lộc, Thanh Niên Đà Lạt Hills, Fog Garden loạt khu phân lô Dalat Hill; Khu Du lịch sinh thái Lộc Châu; Khu nghỉ dưỡng sinh thái Hồ Đồng…

Nhằm ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý kịp thời những vi phạm về lĩnh vực đất đai, mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã tiến hành thanh tra tại 3 tỉnh gồm Lâm Đồng, Bình Thuận và Khánh Hòa để đánh giá công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai trên địa bàn các tỉnh, nhằm ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý kịp thời những vi phạm về lĩnh vực đất đai.

Theo đoàn kiểm tra của Bộ TN&MT, đối với tỉnh Lâm Đồng, hiện đoàn đã yêu cầu báo cáo tình hình ban hành các văn bản, hướng dẫn thực hiện về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; giao đất; cho thuê đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tách, hợp thửa; hiến đất hoặc trả lại đất của người sử dụng đất cho Nhà nước.

Đồng thời, đoàn cũng yêu cầu tỉnh Lâm Đồng báo cáo cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện (từng bước, thời gian, đơn vị hoặc cá nhân có thẩm quyền thực hiện của từng thủ tục hành chính) các vấn đề trên.

Lập thống kê các văn bản kèm theo của việc ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến những vấn đề tách, hợp thửa; hiến đất hoặc trả lại đất cho Nhà nước; phân lô, bán nền. Thống kê kết quả việc lập, thực hiện quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 – 2020, yêu cầu đánh giá ưu điểm, tồn tại, vướng mắc, bất cập và kiến nghị trong quá trình thực hiện.

Đối với việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ ngày 1/7/2014 đến nay, yêu cầu huyện báo cáo: số lượng, số quyết định giao đất; số hộ gia đình, cá nhân được giao đất; tổng diện tích giao (diện tích đất được giao sử dụng vào từng mục đích).

Số lượng, số quyết định cho thuê đất; số hộ gia đình, cá nhân được cho thuê đất; tổng diện tích cho thuê đất (diện tích đất cho thuê sử dụng vào từng mục đích).

Số quyết định, số lượng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; số hộ gia đình cá nhân được phép chuyển mục đích; tổng diện tích cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó diện tích sử dụng từng mục đích trước khi cho phép, diện tích cho phép chuyển sang sử dụng vào từng mục đích.

Đánh giá kết quả công tác giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện và lập biểu thống kê theo từng năm các cá nhân.

Đối với các địa phương tại xã, thị trấn Đông Thanh, Nam Ban, Gia Lâm, Mê Linh (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) yêu cầu chuẩn bị hồ sơ, tài liệu về bản đồ địa chính, sổ mục kê, sổ địa chính, sổ theo dõi biến động đất đai; báo cáo kết quả thống kê đất đai hàng năm; báo cáo kết quả kiểm kê đất đai.

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất (được lập sau thống kê, kiểm kê); hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (bản đồ, thuyết minh, quyết định phê duyệt bằng bảng giấy). Danh sách các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất; tách thửa, hợp thửa; hiến đất hoặc trả lại cho nhà nước.

Báo cáo cụ thể trình tự thủ tục và các bước thực hiện công tác cập nhật, chỉnh lý biến động sử dụng đất do chuyển mục đích sử dụng đất; tách thửa, hợp thửa; hiến đất hoặc trả lại cho nhà nước. Lập biểu thống kê cụ thể và đánh giá công tác tách thửa, hợp thửa đất; việc quản lý, sử dụng diện tích do người sử dụng hiến đất, trả lại đất theo quy định pháp luật.

Văn Đức

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/bat-dong-san/bo-tai-nguyen-va-moi-truong-thanh-tra-hoat-dong-phan-lo-ban-nen-tai-lam-dong/20210429022550225