Bộ Tài nguyên - Môi trường: Sốt đất là do 'quản lý chưa thấu đáo'

Để xảy ra tình trạng 'sốt đất' là bài học trong quá trình quản lý thị trường bất động sản.

Thời gian qua, tình trạng giá đất tăng "đột biến" từ thành thị tới nông thôn diễn ra tại các tỉnh, thành phố trên địa bàn toàn quốc đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay: "Để xảy ra tình trạng sốt đất khắp nơi là do quản lý chưa thấu đáo. Đây là bài học chúng tôi sẽ tiếp thu để khi xây dựng cơ chế chính sách, tổ chức triển khai sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn".

Theo ông Phấn, ngay sau khi có dư luận cùng với việc các cơ quan thông tấn báo chí liên tục phản ánh về tình trạng “sốt đất”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý đất đai đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu kiểm tra, rà soát, báo cáo về tình trạng sốt đất xảy ra trên địa bàn. Một trong những chỉ đạo đó là yêu cầu các địa phương thực hiện công bố quy hoạch và công khai bảng giá đất.

 Ảnh mang tính chất minh họa.

Ảnh mang tính chất minh họa.

Ông Phấn khẳng định, hiện tại chỉ cần truy cập vào các website, cổng thông tin các địa phương là có thể nắm được giá đất. Mặt khác, việc công bố, công khai này là phù hợp với các quy định của Luật Đất đai.

Đại diện Tổng cục Quản lý Đất đai cũng thừa nhận, việc để xảy ra tình trạng sốt đất tại các địa phương trong suốt thời gian vừa qua là một bài học về công tác quản lý thị trường bất động sản chưa làm thấu đáo dẫn tới việc để môi giới lợi dụng gây “nóng” thị trường.

Ông Phấn cũng cam kết, sẽ tiếp thu và sẽ có cơ chế chính sách, tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn.

Hiện nay, Tổng cục Quản lý đất đai đang tiến hành tổng hợp báo cáo từ các địa phương để phân tích nguyên nhân trên cơ sở văn bản gửi các địa phương của Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu kiểm tra, báo cáo tình trạng “sốt đất”. Tuy nhiên vẫn chưa nhận được đầy đủ.

Trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý đất đai cũng đã có kế hoạch kiểm tra, thanh tra tại 26 địa phương trên cả nước.

Theo đó, sẽ chủ trì kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ quý II đến quý IV tại các tỉnh tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Hà Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Bình Định, Kon Tum, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An.

Tại Hà Nội, sẽ tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; kiểm tra việc quản lý sử dụng đất tại một số dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Đối với TP.HCM sẽ kiểm tra các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép; việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa; việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện các dự án tại địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ trước 01/7/2014.

Từ Quý II – III, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ kiểm tra việc thực hiện công tác định giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phát triển quỹ đất tại Bình Thuận. Nội dung kiểm tra này cũng sẽ được triển khai tại Hải Dương, Bình Dương, Hà Nam, Nghệ An và Tây Ninh.

Riêng tại Hải Phòng, sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất theo Quyết định số 09 ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước về đất đai và Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Nông Huy

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bo-tai-nguyen--moi-truong-sot-dat-la-do-quan-ly-chua-thau-dao-d289480.html