Bộ Tài chính trả lời cử tri về quy định mua sắm tập trung

Theo phản ánh của cử tri tỉnh Ninh Bình, quy định mua sắm tập trung như hiện nay chỉ phù hợp với các đơn vị có nhu cầu trang bị lớn, không phù hợp với những đơn vị có nhu cầu mua sắm riêng lẻ, số lượng ít (do hư hỏng phải thay thế) ảnh hưởng tới công tác chuyên môn.

Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Ninh Bình đề nghị cần xem xét, nghiên cứu để có quy định phù hợp với tình hình thực tế.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời cử tri tỉnh Ninh Bình như sau:

Tại Khoản 1, Điều 71 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu:

“Điều 71. Danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung

1. Hàng hóa, dịch vụ được đưa vào danh mục mua sắm tập trung khi đáp ứng một trong các điểu kiện sau đây:

a) Hàng hóa, dịch vụ mua sắm với số lượng lớn hoặc chủng loại hàng hóa, dịch vụ được sử dụng phổ biến tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị;

b) Hàng hóa, dịch vụ có yêu cầu tính đồng bộ, hiện đại”.

Tuy nhiên, một số địa phương ban hành danh mục mua sắm tập trung chưa phù hợp, đưa một số loại tài sản không đáp ứng được các điều kiện quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ vào Danh mục, đặc biệt là tài sản mua sắm ít, không phổ biến.

Vì vậy, tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 67 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định:

“Điều 67. Danh mục tài sản mua sắm tập trung

1. Tài sản được đưa vào danh mục tài sản mua sắm tập trung là tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, năng lực của đơn vị mua sắm tập trung, điều kiện phát triển của thị trường cung cấp tài sản.

2. Việc ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung được thực hiện như sau:

a) Bộ Tài chính ban hành danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia (trừ thuốc) theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Bộ Y tế ban hành danh mục thuốc mua sắm tập trung (bao gồm danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp địa phương);

c) Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ thuốc)”.

Đồng thời, Bộ Tài chính có Công văn số 2030/BTC-QLCS ngày 13/2/2018 đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung của Bộ, ngành, địa phương để ban hành, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tài sản được đưa vào danh mục mua sắm tập trung đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và thực tế của Bộ, ngành, địa phương. Tổ chức mua sắm tập trung tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung của Bộ, ngành, địa phương đúng quy định của pháp luật.

Việc giải quyết nhu cầu mua sắm đột xuất

Để giải quyết các trường hợp phát sinh nhu cầu mua sắm đột xuất, cấp bách đối với các tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung, tại Khoản 4, Điều 74 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“… Trường hợp phát sinh nhu cầu mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung ngoài dự toán được giao đầu năm và đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt bổ sung dự toán mua sắm, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đơn vị mua sắm tập trung căn cứ thỏa thuận khung đã được ký kết (nếu có), quy định của pháp luật về đấu thầu để áp dụng hình thức mua sắm phù hợp hoặc giao cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu về tài sản tổ chức thực hiện mua sắm”.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/bo-tai-chinh-tra-loi-cu-tri-ve-quy-dinh-mua-sam-tap-trung/377082.vgp