Bộ Tài chính: Thuế phí chiếm 50% giá xăng tại Việt Nam là vẫn thấp

Bộ Tài chính cho rằng, nếu so sánh với một số nước trong khu vực Châu Á thì tỷ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu của Việt Nam là thấp.

Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 13991/BTC-QLG ngày 04/10/2016, thuế nhập khẩu bình quân áp dụng trong công thức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tại các kỳ tính giá Quý IV/2016 như sau: Dầu diesel là 2,10%, tăng so với mức 1,84% trong quý trước. Đặc biêt, thuế bình quân nhập khẩu với mặt hàng xăng 16,22%, tăng so với mức 15,74% trong quý trước.

Bộ Tài chính phản bác thông tin mỗi lít xăng người dân phải "cõng" hơn 50% tiền thuế, phí - ảnh nguồn Báo Công Thương.

Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 5/10/2016 là 56,177 USD/thùng xăng RON 92.

Các đơn vị đầu mối xăng dầu cho biết để vận chuyển xăng về Việt Nam mất khoảng 2,5 - 3 USD một thùng. Như vậy, giá CIF (giá tại cửa khẩu) tính thuế nhập khẩu là 7.875 đồng/lít.

Hiện một lít xăng đang phải áp các loại thuế phí sau: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn.

Với cách tính thuế mới, thuế nhập khẩu áp trên mỗi lít xăng là 1.275 đồng, thuế bảo vệ môi trường (3.000 đồng), chi phí định mức (1.050 đồng), lợi nhuận định mức (300 đồng), quỹ bình ổn giá (300 đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt (1.380 đồng), thuế VAT (1.520 đồng).

Như vậy, tổng các loại thuế phí một lít xăng phải gánh lên đến 8.825 đồng. Mỗi lít xăng Ron 92 bán lẻ ngày 5/10 được Petrolimex niêm yết ở mức 16.400 đồng, như vậy tính ra thuế phí chiếm tới 53,8% giá xăng.

Trước thông tin tỷ trọng thuế, phí chiếm đến hơn 50% giá xăng, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tài chính diễn ra chiều qua (11/10), Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Phạm Đình Thi cho rằng, một số thông tin cho rằng xăng dầu ở Việt Nam đang chịu cảnh thuế chồng thuế và người dân chịu tới hơn 50% thuế phí trên giá bán lẻ xăng dầu là không chính xác.

Ông Thi cho biết, theo quy định của pháp luật thuế hiện hành, các sắc thuế thu vào xăng có thuế nhập khẩu (đối với xăng nhập khẩu), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường.

Trong đó, mỗi một sắc thuế thu đối với xăng, dầu có mục tiêu rõ ràng, đúng bản chất của từng sắc thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế nên ý kiến cho rằng thuế chồng lên thuế là chưa hợp lý.

Về tỷ trọng thuế, phí trên giá xăng dầu, ông Thi cho biết, hiện nay tỷ trọng thuế trong giá xăng R92 là 51,4%, trong giá dầu diezen là 35%, trong giá dầu hỏa là 25,5%, trong giá dầu ma dút là 31,3%.

Nếu tính riêng thuế thì tỷ trọng thuế trong giá bán cơ sở là xăng R92 là 41,5%, trong giá dầu diezen là 22,5%, trong giá dầu hỏa là 11,4%, trong giá dầu ma dút là 18,6%.

“Qua tham khảo, tỷ trọng số thu các sắc thuế, phí trong giá xăng, dầu ở nhiều nước khá cao: Ở Hàn quốc là 70,3%; Tại Campuchia cộng chung số thuế của chính quyền trung ương và địa phương thì tỷ trọng khoảng 40%; Tại Lào cộng chung số thuế phải nộp khoảng 56 %,...

Như vậy, so sánh với một số nước trong khu vực Châu Á cho thấy, tỷ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu của Việt Nam là thấp”, ông Thi cho biết.

Ngoài ra Vụ trưởng Chính sách thuế cũng khẳng định, mức thuế giá trị gia tăng của Việt Nam đang áp dụng hiện nay là ở mức thấp so với nhiều nước trên thế giới.

Về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, theo ông Thi sẽ tạo ra sự bình đẳng về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu và phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Nhiều nước áp dụng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán buôn (giá do nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu bán ra) hoặc giá bán lẻ tới người tiêu dùng cuối cùng như: Phần Lan, Áo, Chi lê, Úc, Mê hi cô, Hàn Quốc… nhằm hạn chế việc khai giá thấp tại khâu nhập khẩu trong khi bán ra trong nước với giá cao hơn nhiều so với giá vốn hàng nhập khẩu để chuyển giá.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí khẳng định, thời gian vừa qua có một số thông tin cho rằng Bộ Tài chính tính nhầm thuế là không chính xác. Bộ Tài chính đã thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, việc Bộ Tài chính đưa ra một ấn định mức lợi nhuận 300 đồng/lít xăng chưa kể khoản lợi nhuận khác doanh nghiệp nhận được, vì thế kinh doanh xăng dầu không lo thua lỗ mà luôn có lãi.

Nói cách khác, doanh nghiệp xăng dầu đang được hưởng lợi lớn từ chính sách, còn người tiêu dùng chịu thiệt.

Mai Anh

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/kinh-te/bo-tai-chinh-thue-phi-chiem-50-gia-xang-tai-viet-nam-la-van-thap-post171524.gd