Bộ Tài chính quyết trình Đề án áp dụng IFRS

Dự thảo Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) vào Việt Nam đang được Bộ Tài chính hoàn tất, theo kế hoạch, trong tháng 7 này sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Từ góc nhìn các doanh nghiệp quy mô lớn, các công ty có lợi ích công chúng là những đơn vị có tiềm lực kinh tế và nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản, nên trong định hướng chính sách triển khai áp dụng IFRS tại Việt Nam, Bộ Tài chính đề xuất các doanh nghiệp niêm yết là một trong những đối tượng áp dụng IFRS đầu tiên. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, nhiều doanh nghiệp niêm yết chưa sẵn sàng áp dụng IFRS.

Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cho hay, cổ đông ngoại là Carlsberg (Đan Mạch) đến nay chưa có đề nghị nào liên quan đến việc áp dụng IFRS, nên Tổng công ty chưa có nhu cầu áp dụng IFRS. Hiện cơ sở hạ tầng của Habeco không đủ khả năng đáp ứng được các yêu cầu triển khai IFRS, nên doanh nghiệp chưa sẵn sàng để áp dụng tự nguyện IFRS. Cái khó khi áp dụng IFRS là giữa chính sách thuế và chế độ kế toán đang có sự khác biệt lớn về trích lập dự phòng, lợi thế thương mại...

Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) có công ty con đang hoạt động tại Singapore và đang thực hiện chuyển đổi báo cáo tài chính sang IFRS, nhưng “ông lớn” ngành dầu khí này cho rằng, có nhiều khó khăn, vướng mắc khi áp dụng IFRS. Đó là hành lang pháp lý chưa chặt chẽ.

Sự khác biệt hiện nay giữa cơ chế thuế, kế toán, cơ chế tài chính đối với doanh nghiệp là rất nhiều, nếu không có sự đồng bộ về chính sách để các cơ quan có thẩm quyền đồng thuận với doanh nghiệp thì sẽ khó khăn trong việc áp dụng IFRS cho báo cáo tài chính riêng.

Thêm vào đó, nếu áp dụng IFRS theo hình thức bắt buộc, doanh nghiệp sẽ tốn nhiều chi phí đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin. Hiện nay, chỉ có một số trường hợp tham gia đấu thầu quốc tế mới cần báo cáo tài chính theo chuẩn mực IFRS.

Ý kiến từ nhiều doanh nghiệp khác cho rằng, triển khai IFRS gặp khó còn vì việc áp dụng các chuẩn mực về giá trị hợp lý khi các ước tính là chủ quan và xử lý khi có tranh chấp, đặc biệt là việc xác định doanh nghiệp trốn thuế, gian lận thuế… rất phức tạp. Việc áp dụng IFRS cần thông tin không chỉ của kế toán, mà còn của nhiều bộ phận nên cần có sự phối hợp chặt chẽ trong nội bộ công ty để triển khai. Doanh nghiệp đối mặt với khối lượng công việc nhiều hơn do có sự khác biệt giữa các quy định về chuẩn mực kế toán, chính sách thuế, cơ chế tài chính.

Theo Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), khối ngân hàng niêm yết còn phản ánh những cái khó riêng khi áp dụng IFRS, vì đang có tình trạng không đồng nhất trong cơ chế chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.

Chẳng hạn, Bộ Tài chính ban hành cơ chế tài chính, trong khi Ngân hàng Nhà nước ban hành chế độ kế toán áp dụng cho các ngân hàng. Điều này dẫn đến công tác kế toán của các ngân hàng có thể gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, cơ chế trích lập dự phòng cho vay hiện nay có sự khác biệt lớn so với IFRS, nên sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của đơn vị nếu áp dụng.

Sẽ tiếp sức cho doanh nghiệp

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế hướng đến các đơn vị chỉ phải lập một bộ báo cáo tài chính để công bố tại Việt Nam. Các đơn vị thuộc đối tượng (bắt buộc hoặc tự nguyện) lập báo cáo tài chính (riêng hoặc hợp nhất) theo IFRS thì được miễn lập báo cáo tài chính theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS).

Để giải quyết tình trạng nhiều quy định pháp lý “vênh” nhau khiến cho áp dụng IFRS gặp khó, Bộ Tài chính có kế hoạch nghiên cứu, ban hành lại VAS sao cho giảm thiểu khoảng cách giữa VAS và IFRS, từ đó tạo thói quen cho người làm công tác kế toán để khi chuyển đổi từ VAS sang IFRS sẽ thuận lợi hơn.

Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, ban hành lại, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành lại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính theo hướng giảm thiểu sự khác biệt giữa các văn bản, xác định và phân biệt rõ phạm vi áp dụng của chuẩn mực kế toán, chính sách thuế và cơ chế tài chính, tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật của doanh nghiệp, cũng như nâng cao chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính để cung cấp ra công chúng.

Cùng với tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp để khuyến khích chuyển sang áp dụng IFRS, Bộ Tài chính sẽ thực hiện các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để giúp doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi sang áp dụng IFRS. Bên cạnh phối hợp với các bên liên quan triển khai công tác đào tạo IFRS, trợ giúp các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo trong quá trình áp dụng IFRS, Bộ Tài chính còn đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến IFRS cho các đối tượng để xã hội hiểu về nội dung, nhận thức được lợi ích của việc áp dụng IFRS.

Nguyễn Hữu

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/bo-tai-chinh-quyet-trinh-de-an-ap-dung-ifrs-272429.html