Bộ Tài chính muốn truy thu 131 tỷ đồng sai phạm tại Tổng công ty Đường sắt

Đồng tình với kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính vừa đề nghị Thủ tướng cho giữ nguyên yêu cầu Tổng công ty Đường sắt nộp vào ngân sách hơn 131 tỷ đồng.

Nhiều dự án đầu tư máy móc, thiết bị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vượt tổng mức đầu tư. Ảnh minh họa: Đ. Loan

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, nêu ý kiến về kết luận của Thanh tra Chính phủ tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố hồi đầu tháng 9, cơ quan này phát hiện một loạt sai phạm tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khi có những khoản mua sắm thiết bị với giá cao bất thường, lợi dụng góp vốn để hợp thức hóa chuyển nhượng tài sản... Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét, xử lý các khoản tiền có tính sai phạm theo kết luận thanh tra với tổng số tiền hơn 131 tỷ đồng. Sau khi rà soát, kiểm tra Bộ Tài chính đồng tình với kết luận của Thanh tra Chính phủ đưa ra.

Về khoản tiền sai phạm hơn 131 tỷ đồng, cơ quan tài chính cho rằng, kết luận của thanh tra là về các sai phạm trong giai đoạn 2010–2013, không ảnh hưởng đến thời điểm kiểm tra Tổng công ty Đường sắt năm 2014 cũng như thời điểm kết luận năm 2016. Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng cho giữ nguyên kết luận thanh tra, yêu cầu tổng công ty nộp vào ngân sách số tiền nêu trên cho 4 khoản sai phạm.

Cụ thể, tiền bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản thu chi sai chế độ của Tổng công ty và công ty thành viên số tiền hơn 124 tỷ. Khoản phí sử dụng đường sắt của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (2010 -2013) là 1,18 tỷ đồng. Tiền thu phí bảo trì đường sắt sai quy định của Công ty Quản lý đường sắt Hà Thái với Công ty Gang thép Thái Nguyên là 1,15 tỷ. Bên cạnh đó là khoản nghiệm thu thanh toán theo thiết kế, dự toán tính sai số tiền 3,7 tỷ và các chi phí khác sai theo mức phân chia nhỏ gói thầu hơn 1 tỷ đồng.

Cũng theo kết luận trước đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra sai phạm của Tổng công ty Đường sắt khi góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là trái với nghị định của Chính phủ, trái với quy định đã được Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành đường sắt.

Sau khi rà soát, Bộ Tài chính đề xuất với Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải có hình thức xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc tổng công ty ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Hà Thành để thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH hai thành viên Khách sạn Thương mại Sài Gòn, khi chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Giao thông và thực hiện không đúng quy định.

Tổng công ty Đường sắt cũng phải có trách nhiệm xây dựng phương án đầu tư khai thác hiệu quả, đúng quy định pháp luật, không gây thất thoát ngân sách với cơ sở vật chất, tài sản tại 2 lô đất này. Trường hợp Tổng công ty không có nhu cầu sử dụng hoặc có phương án sử dụng không hiệu quả thì giao Bộ Giao thông chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng có phương án xử lý.

Dẫn lại một loạt quy định của pháp luật, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông với tư cách là đại diện sở hữu vốn Nhà nước chủ trì, và Bộ Tài chính sẽ phối hợp rà soát quá trình tái cơ cấu, hoạt động kinh doanh, quản lý khai thác kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt... tại doanh nghiệp này.

Theo Anh Minh/VnExpress.net

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/bo-tai-chinh-muon-truy-thu-131-ty-dong-sai-pham-tai-tong-cong-ty-duong-sat.html