Bộ Tài chính muốn giá thịt lợn giảm xuống mức 50.000 đồng/kg

Tính đến ngày 15/3/2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 25.291 tấn thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019.

Báo cáo của Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho thấy, tính đến ngày 15/3/2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 25.291 tấn thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó nhập khẩu từ Canada 29,35%, Đức 19,43%, Ba Lan 11,83%, Brazil 9,98%, Hoa Kỳ 5,53%.

Cùng đó, đã nhập khẩu 14.161 tấn thịt bò, tăng 217% so với cùng kỳ năm 2019 và 19.356 tấn thịt trâu, tăng 128% so với cùng kỳ năm 2019.

Để tạo điều kiện thúc đẩy nhập khẩu thịt để giảm giá trong nước, Cục Thú y kiến nghị, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc khẩn trương hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu; nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 lây lan diện rộng, các nước ngừng nhập cảnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động thương mại.

Bộ Tài chính muốn giá thịt lợn giảm về mức 50.000 đòng/kg để bình ổn CPI

Bộ Tài chính muốn giá thịt lợn giảm về mức 50.000 đòng/kg để bình ổn CPI

Trong khi đó, tại cuộc họp về bình ổn giá thịt lợn giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê vào chiều qua, 16/3, nhiều ý kiến đề xuất đưa thịt lợn vào mặt hàng kê khai giá và kiểm soát yếu tố hình thành giá để bình ổn giá.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá thịt lợn giảm từ 8% đến 10% trong tháng 3 sẽ giúp CPI bình quân cả năm ở mức 4,22%.

Để thực hiện được mục tiêu này, các Bộ, ngành chức năng cần làm tốt các biện pháp điều hành cung - cầu giúp giá thịt lợn hơi giảm về mức 60.000-65.000 đồng/kg thịt lợn hơi và các tháng tiếp theo giá bình ổn hoặc tiếp tục giảm về mức 45.000-50.000 đồng/kg thịt lợn hơi, mức bình thường trước khi có dịch tả lợn châu Phi, tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy khâu phân phối, bán lẻ.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cho rằng, giá thịt lợn hiện nay đang ở mức rất cao và tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng. Liên tục từ tháng 7/2019 cho đến tháng 1/2020, giá thịt lợn liên tục tăng, kéo theo chỉ số giá tiêu dùng CPI ở mức cao.

Theo bà Ngọc, hiện nay, giá thịt lợn ba chỉ của Meat Deli là 236.000 đồng/kg; giá của công ty CP trong siêu thị là 212.000/kg, ngoài chợ bán lẻ là 150.000-160.000 đồng/kg.

“Tại sao khi thịt lợn đến tay người tiêu dùng giá chênh lệch như thế? Vì mặt hàng này không thuộc diện bình ổn theo Luật giá, cũng không phải mặt hàng kê khai giá nên doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm.

Các bộ nên có những giải pháp quản lý về giá, để không những có sự chia sẻ về lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của người dân mà còn là ổn định kinh tế vĩ mô”- bà Ngọc cho hay.

Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho rằng, cần đưa mặt hàng thịt lợn vào trong mặt hàng bình ổn giá theo Luật giá. Cùng đó, sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, chi phí để đưa ra một mức giá, nếu do dịch bệnh, giá tăng lên bao nhiêu thì mới điều hành. Mặt hàng thịt lợn chiếm gần 60% trong thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, vừa qua, Bộ đã cùng với cộng đồng doanh nghiệp kêu gọi điều chỉnh giá lợn theo chiều hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.

“Đề nghị Tổng cục Thống kê phối hợp với Cục Chăn nuôi thống kê sát hơn với thực tế để phục vụ công tác điều hành bằng chính sách. Về đề xuất đưa thịt lợn vào danh sách mặt hàng bình ổn giá, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương sẽ xem xét và phân tích”- ông Tiến nói.

Dự kiến cuối tuần này, các Bộ NN&PTNT, Công Thương, Tài chính và Tổng cục Thống kê sẽ báo cáo tham mưu Chính phủ về những giải pháp trước mắt và lâu dài để bình ổn giá thịt lợn.

Tuyết Nhung

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/bo-tai-chinh-muon-gia-thit-lon-giam-xuong-muc-50000-dong-kg/846968.antd